Các sếp ngân hàng: Ai đi, ai ở trước 'giờ G'?

TPO - Một loạt sếp tay ngang ngân hàng đã lên tiếng sẽ rời khỏi vị trí của Doanh nghiệp mình đã dày công gây dựng để sang hẳn vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị nhà băng nơi họ cũng đang ngồi ghế nóng. Ông Đỗ Minh Phú, bà Thái Hương là những người tiên phong đầu tiên. Còn những ai?
Các sếp ngân hàng: Ai đi, ai ở trước 'giờ G'? ảnh 1

Giới chủ ngân hàng đang phải ‘cân não” lựa chọn 'đi hay ở'

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, Chủ tịch các ngân hàng thương mại không được kiêm nhiệm vị trí tương tự tại các doanh nghiệp khác. Cũng vì vậy, tại buổi chia sẻ nói chuyện với cán bộ nhân viên trong hệ thống của Tập đoàn Doji và Ngân hàng TPbank – nơi ông Đỗ Minh Phú đang đều làm chủ tịch, ông Phú đã bất ngờ cho biết sẽ lựa chọn tiếp tục làm Chủ tịch TPBank và thôi vị trí này tại DOJI. 

Lý giải về quyết định này, ông Phú cho biết DOJI dù sao đã có một quá trình chuẩn bị đủ dài. "Chúng tôi đã có những thế hệ kế cận có thể đảm đương việc đó. Thách thức còn, khó khăn còn nhưng những người cộng sự đã làm với tôi cả thời gian qua ở DOJI có thể làm được", ông nói.

Chia sẻ với cán bộ nhân viên của cả TPBank lẫn DOJI, ông Đỗ Minh Phú cho biết, DOJI là nơi đã gắn bó với tên tuổi của ông trong một phần tư thế kỷ, nơi hình thành phong cách doanh nhân và sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, vị doanh nhân này cũng thừa nhận 5 năm đảm nhận TPBank là thời gian ông được trải nghiệm nhiều thách thức nhất và ông vẫn còn nhiều việc phải làm dù từng có lúc cảm thấy vào TPBank như lao đầu vào đá.

Tuy nhiên, với vai trò là người sáng lập DOJI, ông Đỗ Minh Phú khẳng định, niềm đam mê, tình yêu với DOJI, và trang sức vẫn y nguyên như ngày đầu. Nhiều nhân viên của DOJI cho biết đây là lần đầu tiên ông Đỗ Minh Phú công bố lựa chọn này và họ hoàn toàn không hay biết trước đó về quyết định của người lãnh đạo.

Dù Luật có hiệu lực từ đầu năm 2018 nhưng các doanh nhân vẫn được phép kiêm nhiệm tới hết nhiệm kỳ. Theo kế hoạch, ông Đỗ Minh Phú sẽ thôi làm chủ tịch DOJI sau Đại hội cổ đông của TPBank vào tháng 4/2018. Ông Đỗ Minh Phú, người có 1/4 thế kỷ gắn với thương hiệu DOJI, cũng quyết định từ bỏ nơi đây để ở lại làm chủ tịch ngân hàng TPBank, nơi mà ông vừa mới gia nhập vừa tròn 5 năm.

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc của ngân hàng Bắc Á, cũng vừa quyết định không đứng tên tại TH để làm CEO của BacA Bank – một ngân hàng nhỏ trong hệ thống và vừa mới lên sàn UpCOM trong ngày 28/12/2017

Thông tin cũng cho thấy “ông trùm” bất động sản Dương Công Minh đã sẵn sàng ở lại vị trí Chủ tịch Ngân hàng TMCP Thương Tín Sài Gòn (Sacombank) thay cho một lựa chọn khác. Tuy nhiên, do Sacombank mới tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2017-2011 cho nên có thể thấy ông Minh vẫn còn dư địa tới vài năm nữa.

Với giới tài chính, ngân hàng Việt Nam, bà Lê Thị Băng Tâm quen thuộc ở vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính nhiều năm trước. Sau nghỉ hưu, bà Tâm được biết đến ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank, đồng thời là Chủ tịch Vinamilk. Theo quy định mới của bộ luật vừa được Quốc hội thông qua nói trên, một người không được là chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng đồng thời là lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp khác.

Bà Lê Thị Băng Tâm sẽ phải lựa chọn và quyết định vị trí hiện nay tại HDBank và Vinamilk. Đây đều là hai vị trí quan trọng, một nhân tố thành công của cả hai doanh nghiệp này thời gian qua. Lựa chọn và thay đổi có thể là điều không mong muốn ở cả hai.

Đến giờ này vẫn còn rất nhiều cái tên chưa công bố lựa chọn ở thời điểm này, như ông Vũ Văn Tiền của ABBank,  ông Đặng Khắc Vỹ chủ tịch VIB, bà Nguyễn Thị Nga chủ tịch SeABank, bà Lê Thị Băng Tâm của HDBank; Đỗ Quang Hiển của SHB, Điểm chung giữa họ đều là cổ đông sở hữu lượng lớn cổ phiếu ở ngân hàng.

Việc ra đi hay ở lại của các vị sếp ngân hàng, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, sẽ có khá nhiều tác động đến hoạt động của ngân hàng, do đó việc các doanh nhân này lựa chọn ngân hàng thay vì doanh nghiệp là điều dễ hiểu.

Trao đổi một lãnh đạo NHNN cũng khẳng định với Tiền Phong quy định này sẽ được thực hiện nghiêm túc và chuẩn chỉ. “Các vị ấy chỉ có cách phải lựa chọn, nhưng tôi nghĩ phần lớn trong số họ sẽ chọn ngân hàng, bởi họ rất hiểu nếu so sánh dù ngân hàng là lĩnh vực không dễ để vào được với những quy định chặt chẽ sau này. Thêm nữa, nếu họ lựa chọn ghế Phó chủ tịch, quyền lực sẽ bị phân tán không thể như xưa muốn làm gì cũng được”, vị này khẳng định  

Phân tích của một vị chuyên gia, do lĩnh vực ngân hàng rất khắt khe, để vào được ngân hàng không hề đơn giản nên chẳng dại gì mà các vị lãnh đạo đã có vị thế lại chọn rời đi. Trong khi đó với doanh nghiệp, kể cả họ không đứng tên làm chủ tịch hay tổng giám đốc thì vẫn có cách để điều hành được.

MỚI - NÓNG