Từ 1/6/2017, khi Luật Trẻ em có hiệu lực, nhiều cha mẹ đã biết rằng hành vi đăng ảnh con trên bảy tuổi trên mạng xã hội mà không có sự đồng ý từ chính đứa trẻ là hành vi phạm luật. Vậy việc đăng bảng điểm của con lên mạng có vi phạm?
“Thói quen” nên bỏ
Sau cuộc họp phụ huynh cuối tuần vừa rồi, chị Nguyễn Thị Trinh (ngụ Trung Hòa, Hà Nội) trở về nhà với tâm trạng nặng nề bởi cô con gái, niềm tự hào của chị suốt 5 năm tiểu học, lại có kết quả học tập không như mong muốn ở học kỳ I năm lớp 6.
Mặc dù con gái chị không phải trường hợp cá biệt trong lớp, giáo viên chủ nhiệm cũng đã giải thích nguyên nhân là do học sinh mới từ tiểu học lên chưa quen với kiểu học nhiều môn của cấp hai nên sẽ mất thăng bằng thời gian đầu, sang học kỳ hai mọi việc sẽ đi dần vào quỹ đạo.
Về đến nhà sau buổi họp phụ huynh việc đầu tiên của chị là chụp bảng điểm của con cùng với lời phê của cô giáo, tên lớp, tên trường chia sẻ trên mạng xã hội sau khi đã gắn tên chồng đang đi công tác xa và ông bà hai bên nội ngoại. Chị còn bình luận: “Con của bố, cháu của ông bà đây, thất vọng không để đâu cho hết!”.
Rất nhanh, con gái chị đã biết được việc làm này của mẹ, cháu khóc vì xấu hổ và yêu cầu mẹ đừng làm như vậy, nhưng chị nói với con rằng “chẳng có gì bí mật cả, con học thế nào cả nhà đều biết, nếu không muốn bị xấu hổ thì học kỳ hai phải cố gắng lên”.
Chuyện cha mẹ chia sẻ hình ảnh, bảng điểm và nhiều thông tin cá nhân của con lên mạng không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam. Còn nhớ năm 2017 có hai sự kiện liên quan đến vấn đề này đã từng gây chú ý. Sự kiện thứ nhất là một bảng điểm với toàn điểm 10 được cho là của học sinh TP HCM được chia sẻ trên mạng.
Sau đó, sự thật đằng sau bức ảnh đó được làm rõ là do một học sinh photoshop để vui lòng bố mẹ đang công tác xa và “khoe mẽ” với bạn bè. Cũng cùng có hơi hướng thích thành tích, một ông bố đã tự chế giấy khen đăng trên mạng với dòng giải thích đại ý rằng trường không cho con giấy khen thì bố tự làm cho con. Nhiều người cho rằng việc làm này là thiếu trung thực, không tốt cho sự phát triển của trẻ, thậm chí có thể khiến đứa trẻ mắc “bệnh thành tích”.
Từ 1/6/2017 khi Luật Trẻ em có hiệu lực và sau đó là Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em năm 2016, nhiều bậc cha mẹ đã có kiến thức về việc pháp luật nghiêm cấm “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” (Điều 6 Luật Trẻ em).
Nghị định 56 hướng dẫn thi hành cũng giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán. Ngoài ra, còn có địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Nhưng không nhiều bậc cha mẹ biết rằng Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã một lần nữa đề cập đến vấn đề này khi trong luật này có quy định trẻ em có quyền được giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng (Điều 29).
Như vậy, có thể hiểu rằng việc cha mẹ việc đăng bảng điểm của con từ đủ 7 tuổi trở lên lên Facebook như trường hợp của chị Trang, vừa vi phạm Luật Trẻ em, vừa vi phạm Luật An ninh mạng.
“Đừng vô tình làm tổn thương con trẻ”
Còn nhớ tại buổi họp báo công bố chương trình “Think Before You Share” (Suy nghĩ trước khi chia sẻ) tháng 6/2018, bà Nguyễn Thị Nga - Cục Phó Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐTB&XH đã có lời chia sẻ như vậy với các bậc phụ huynh.
Theo Cục Bảo vệ Trẻ em, so với những năm học trước, năm học 2017-2018 việc đăng tải bảng điểm của con lên mạng xã hội từ các bậc làm cha làm mẹ đã giảm đáng kể. Sở dĩ vậy vì trong quá trình hướng dẫn Luật Trẻ em và Nghị định thi hành, Cục Trẻ em đã tiếp cận nhiều địa phương và đề nghị các địa phương có văn bản chỉ đạo các giáo viên không tổng hợp bảng điểm chung.
Tới nay, mặc dù Cục chưa có thống kê đầy đủ từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng đã có rất nhiều tỉnh thành đưa ra quy định không tổng hợp bảng điểm của các học sinh trong lớp học mà sẽ làm riêng cho từng học sinh một.
“Trong một lớp học, sẽ có những em học giỏi, có những em học khá, có những em học trung bình và cũng sẽ có cả những em học chưa tốt. Trước đây các bậc cha mẹ đi họp phụ huynh sẽ được phát một bảng điểm đầy đủ, cha mẹ khoe bảng điểm của con mình lên vô tình lại làm tổn thương những học sinh khác hoặc cha mẹ của các em học sinh đó”, bà Nga nói.
Theo bà Nga, việc đăng tải lên mạng xã hội là vi phạm đời sống riêng tư. “Nếu như trong lớp học có 40 học sinh, các anh các chị có thể rất vui mừng vì con mình đứng đầu lớp, nhưng còn 39 bạn khác trong lớp học đó sẽ như thế nào”, bà Nga đặt câu hỏi.
Còn theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), dù cha mẹ luôn có nhu cầu khoe con, nhưng trước khi chia sẻ bất cứ thứ gì liên quan đến con cái, cha mẹ nên suy nghĩ liệu việc đó có ảnh hưởng đến tâm lý của chính con mình hay không, liệu trẻ có muốn cho mình chia sẻ những hình ảnh đó lên hay không.
“Việc khoe thành tích học tập của con lên mạng, vô tình sẽ là áp lực lên con cái, nếu năm học sau không đạt được thành tích như năm học trước thì trẻ sẽ ra sao. Ngoài ra, trước khi chia sẻ liệu bố mẹ đã hỏi ý kiến con cái theo quy định của Luật Trẻ em hay chưa, vì khi có bảng điểm tức là trẻ đã trên 7 tuổi. Thậm chí, việc chia sẻ này có thể sẽ làm ảnh hưởng tâm lý những đứa trẻ khác hay phụ huynh khác theo kiểu “con nhà người ta””, bà Linh nhấn mạnh.
Ở góc độ giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cũng có nhận định rằng những phụ huynh có thói quen khoe bảng điểm của con thường có quan điểm học vì điểm số, bằng cấp, đi ngược với tinh thần đổi mới giáo dục.