Ông Biden và những ẩn số đối với Đông Á

Ông Joe Biden chính thức được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống từ ngày 20/8 ảnh: AP
Ông Joe Biden chính thức được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống từ ngày 20/8 ảnh: AP
TP - Khi nói về chính sách của Mỹ với khu vực Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, một câu hỏi xung quanh ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden hiện nay là liệu ông có trở thành “Obama 2.0” đối với khu vực này.

Giới phân tích cho rằng câu trả lời vừa có vừa không. Vị cựu phó tổng thống này từng là chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ trong nhiều năm và được tổng thống Barack Obama chỉ định xử lý nhiều sáng kiến chủ chốt ở Đông Á.

Nhưng đối thủ của ông là tổng thống Donald Trump bóng gió rằng chính sách của vị cựu phó tổng thống đối với khu vực này sẽ chỉ nối tiếp chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” sang châu Á mà ông Biden từng tham gia sâu.

Chính sách xoay trục, cụ thể là sự chuyển dịch các nguồn lực ngoại giao, thông tin, kinh tế và quân sự sang châu Á, nhằm mục tiêu bao vây và khống chế tham vọng lớn của Trung Quốc, đã mang lại kết quả lẫn lộn. Những người chỉ trích cho rằng chính sách này của ông Obama thất bại khi bị động đối phó với Trung Quốc.

Trong chiến dịch chạy đua tranh cử lần này, ông Trump chuyển trọng tâm từ nền kinh tế Mỹ bị đại dịch COVID-19 tàn phá sang Trung Quốc, nước mà ông cáo buộc khiến virus corona mới lây lan khắp toàn cầu và kinh tế trở nên bất ổn. “Trung Quốc sẽ làm chủ nước Mỹ nếu Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử này. Nếu tôi không thắng cử, Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ. Các bạn sẽ phải học nói tiếng Trung Quốc”, ông Trump nói tuần trước.

Khi còn là một thượng nghị sĩ trẻ, ông Biden là thành viên của phái đoàn Mỹ đầu tiên sang thăm Trung Quốc vào năm 1979 sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ. Khi mới làm việc trong thượng viện, ông gọi Bắc Kinh đang trỗi dậy là “một sự phát triển tích cực, không chỉ với Trung Quốc mà cả Mỹ và thế giới”. Giờ đây, ông thường xuyên tranh đấu với ông Trump để trở thành người cứng rắn với Bắc Kinh nhất.

Xu thế tất yếu

Dù có yếu tố bầu cử, ông Bilahari Kausikan, cựu đại sứ lưu động của Singapore, cho rằng những quan ngại về hành vi của Trung Quốc “là thực chất chứ không phải do diễn biến chính trị trước bầu cử”. Nếu Nhà Trắng sau này do ông Biden lãnh đạo, sự cạnh tranh và ganh đua với Bắc Kinh sẽ là điều tất yếu. “Tôi không nghĩ ông Biden có nhiều lựa chọn ngoài việc phải tiếp tục rắn với Trung Quốc. Đang có một sự đồng thuận giữa hai đảng Mỹ rằng những khía cạnh nhất định trong hành xử của Trung Quốc đi ngược lại lợi ích của Mỹ và ông Biden sẽ không muốn tỏ ra yếu đuối”, Japan Times dẫn lời ông Kausikan.

Ông James Carafano, phó chủ tịch phụ trách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại Quỹ Di sản (Mỹ) chia sẻ đánh giá này. “Bất kể ai là tổng thống trong năm sau thì sự hiện diện và can dự của Mỹ ở khu vực sẽ tiếp tục gia tăng. Trung Quốc có nhiều quân bài để chơi, nên các chính sách của chính quyền mới ở Mỹ sẽ phải đáp trả Bắc Kinh”, ông Carafano nói với Japan Times.

Và khi quan hệ Mỹ - Trung đã leo thang đến mức này, những người ủng hộ ông Biden nói rằng dù muốn họ cũng không thể vặn ngược đồng hồ để trở về giai đoạn trước.

“Chính quyền Biden sẽ không thể là chính quyền Obama đơn giản vì thế giới đã thay đổi... Trung Quốc không còn như hồi ông Obama cầm quyền. Mỹ cũng vậy”, ông Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương trong giai đoạn 2013-2017, đánh giá.

Dù ông Trump nhiều lần mang người tiền nhiệm ra để tấn công đối thủ Biden, ông Russel nói rằng ông Biden có đội ngũ đông đảo cố vấn có kinh nghiệm phong phú về châu Á.

Ông Biden đã nói đến kế hoạch của ông nhằm xây dựng lại quan hệ với các đồng minh của Mỹ và tái tập trung vào đối ngoại. Ông gọi điều này là “công cụ đầu tiên của quyền lực Mỹ”.         

“An ninh, thịnh vượng và lối sống của Mỹ cần có một mạng lưới đồng minh và đối tác mạnh mẽ làm việc cùng chúng ta. Chính sách đối ngoại Biden sẽ đưa Mỹ trở lại vị trí đầu bàn, phối hợp với các đồng minh và đối tác, để huy động sức mạnh toàn cầu nhằm chống lại các mối đe doạ toàn cầu, đặc biệt là những đe doạ mới có trong thế kỷ của chúng ta”, ông Biden nói gần đây.

MỚI - NÓNG