Tổng thống Joe Biden đã đến Anh vào thứ Tư, 9/6, trước khi có cuộc gặp với Thủ tướng Boris Johnson vào thứ Năm và bắt đầu hội nghị thượng đỉnh G7 vào thứ Sáu.
Lịch trình của ông trong những ngày tới khá bận rộn. Từ G7 ở Cornwall (Anh), ông Biden sẽ đến Brussels (Bỉ) để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, sau đó đến Thụy Sĩ để gặp người đồng cấp Nga vào ngày 16/6.
Phát biểu hôm thứ Tư trước lực lượng Mỹ ở Suffolk (Anh), ông Biden mạnh mẽ tuyên bố ông sẽ gặp Tổng thống Putin để “cho ông ấy biết những gì tôi muốn ông ấy biết”.
Phát ngôn cứng rắn của ông Biden nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các binh sĩ tham dự sự kiện, và được nhiều nhà bình luận mô tả như một "lời cảnh báo".
Ông Biden sau đó tuyên bố muốn có một mối quan hệ "ổn định, có thể đoán trước được" với Nga, được xây dựng dựa trên "trách nhiệm" mà cả hai cường quốc gánh vác.
“Nhưng tôi đã nói rõ rằng Mỹ sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nếu chính phủ Nga tham gia các hoạt động có hại,” ông Biden nói thêm. “Tôi sẽ thông báo với ông ấy rằng nếu Nga vi phạm chủ quyền của các nền dân chủ, ở Mỹ, châu Âu và các nơi khác, thì họ sẽ phải gánh hậu quả.”
Gần ba năm sau khi giới bình luận Mỹ chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump vì quá mềm mỏng với ông Putin trong cuộc gặp ở Helsinki (Phần Lan), các nghị sĩ ở cả hai đảng mong đợi ông Biden sẽ bày tỏ lập trường cứng rắn hơn trong cuộc gặp sắp tới.
Trước đó, ông Biden từng tuyên bố coi ông Putin là “kẻ sát nhân”, và hứa trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ khiến ông Putin “phải trả giá” vì cáo buộc can thiệp bầu cử.
Trong khi đó, ông Putin mô tả ông Biden là “một người đàn ông có kinh nghiệm và cẩn thận”, người đã dành cả đời cho chính trị. Tổng thống Nga hy vọng những phẩm chất này của người đồng cấp Mỹ sẽ có tác động tích cực đến các cuộc đàm phán sắp tới. Nhưng ông Putin cũng nói rằng Moscow "không mong đợi bất cứ bước đột phá nào trong quan hệ Nga-Mỹ”.
Mặc dù các đồng minh của ông Biden thường miêu tả tổng thống là người cứng rắn với ông Putin, nhưng trên thực tế, ông Biden vẫn trao cho người đồng cấp Nga một cơ hội lớn sau khi nhậm chức, bằng việc từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với đường ống Nord Stream 2, tạo điều kiện hoàn thành dự án nối các mỏ khí đốt tự nhiên của Nga với người tiêu dùng châu Âu. Cựu Tổng thống Donald Trump, bất chấp những cáo buộc “mềm mỏng” với Nga, đã khiến dự án bị đình trệ hơn một năm với các lệnh trừng phạt.