Omicron là bước ngoặt, biến COVID-19 thành bệnh theo mùa?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Reuters
Ảnh minh hoạ: Reuters
TPO - Trong khi các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu độc tính của biến thể Omicron, thì một số người đặt câu hỏi liệu phiên bản virus SARS-CoV-2 mới này có thể biến COVID-19 thành bệnh đặc hữu hay không.

Những gì đã biết về Omicron

Dữ liệu thực tế về biến thể Omicron hiện còn hạn chế. Trong số 70 ca bệnh được báo cáo ở châu Âu, một nửa số bệnh nhân không có triệu chứng, nửa còn lại có các triệu chứng nhẹ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa có ca nhiễm Omicron nào tử vong. Tuy nhiên, cơ quan y tế châu Âu cho biết họ cần thu thập dữ liệu từ vài trăm trường hợp thì mới có thể đánh giá chính xác về biến thể mới. Quá trình này ước tính sẽ mất vài tuần.

Omicron có khoảng 50 đột biến, bao gồm hơn 30 đột biến trên protein gai - bộ phận mà virus corona sử dụng để xâm nhập tế bào cơ thể người. Các loại vắc xin hiện tại cũng hoạt động theo cơ chế tạo ra kháng thể vô hiệu hoá protein gai.

Ngoài ra, hầu hết các ca nhiễm Omicron ở châu Âu là những người trẻ tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ. Những yếu tố này cũng giúp giảm độ nghiêm trọng của bệnh nếu một người mắc COVID-19.

Tại Nam Phi, triệu chứng ở những bệnh nhân tái nhiễm và những người nhiễm bệnh sau tiêm chủng đều có vẻ nhẹ. Rất nhiều bệnh nhân nhiễm Omicron ở Nam Phi là sinh viên đại học.

Đáng chú ý, WHO xác nhận Omicron có khả năng làm tăng nguy cơ tái nhiễm, tức là một người từng mắc COVID-19 có thể dễ dàng nhiễm Omicron.

Omicron là phiên bản giảm độc tính của SARS-CoV-2?

Trong khi dữ liệu thực tế về Omicron còn hạn chế, thì các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu biến thể này trong phòng thí nghiệm.

Omicron có khoảng 50 đột biến, bao gồm hơn 30 đột biến trên protein gai - bộ phận mà virus corona sử dụng để xâm nhập tế bào cơ thể người. Các loại vắc xin hiện tại cũng hoạt động theo cơ chế tạo ra kháng thể vô hiệu hoá protein gai.

Tiến sĩ John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học Penn (Philadelphia, Mỹ) cho biết: “Điển hình là khi virus tích tụ nhiều đột biến, chúng sẽ mất đi một số khả năng. Có một số đột biến ở Omicron có thể làm giảm khả năng phân tách của virus, thay đổi hành vi của protein gai.”

Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng Omicron có thể đã tiến hoá trong vài tháng ở một người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như một bệnh nhân HIV ở miền Nam châu Phi. Nếu vậy, "virus có thể đã thích nghi để không giết vật chủ”, Wherry nói.

Ngoài ra, còn có một số giả thuyết cho rằng biến thể mới tiến hoá khi ở trong vật chủ là động vật.

Omicron có thể trở thành biến thể thống trị?

Một câu hỏi mà nhiều người quan tâm là liệu Omicron có thể vượt qua Delta - vốn đang là biến thể trội trên toàn thế giới hay không.

Nếu Omicron trở thành biến thể thống trị nhưng lại gây bệnh nhẹ hơn, thì đây có thể là bước ngoặt khiến COVID-19 trở thành bệnh theo mùa như cúm, Sumit Chanda - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Phòng nghiên cứu Miễn dịch và vi sinh tại San Diego (Mỹ) cho biết.

Cơ quan y tế công cộng của Liên minh châu Âu (EU) tuần trước dự báo biến thể Omicron có thể chiếm tới hơn một nửa số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu trong vòng vài tháng tới.

Trong khi chờ đợi giới khoa học đưa ra kết luận về độc tính của Omicron, chuyên gia khuyến cáo người dân tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch như tiêm phòng, tiêm mũi tăng cường, đeo khẩu trang và rửa tay.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.