Ở nơi điện thoại chỉ dùng để chụp ảnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa những lên xuống thất thường của dịch COVID-19, chúng tôi đến Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai).

Mặc dù đã được báo trước chỗ này không có sóng điện thoại, mấy người trong đoàn vẫn sốc trước sự heo hút của bản Liền. Một số thì tò mò, làm thế nào cái bản toàn người Tày, nhiều người nói tiếng phổ thông không sõi lại có thể thu hút khách du lịch suốt từ năm 2018 đến giờ?

Bí quyết hút khách

Theo giới thiệu của một người bạn ở báo Lào Cai, chúng tôi chọn homestay Vàng Bình làm chỗ nghỉ chân. Được biết đây là dịch vụ nghỉ dưỡng đầu tiên ở Bản Liền, chủ là anh Vàng A Bình, mới chỉ 27 tuổi và học hết lớp 9.

“Chị hỏi làm thế nào để thu hút khách à, thì em tiếp khách du lịch đúng như tiếp khách đến chơi nhà thôi. Em cho người ta lên núi hái chè, ra suối bắt cá, ai giỏi nấu ăn thì xuống bếp nấu với bố mẹ em. Chỉ vậy thôi!”.

Công thức “chỉ vậy thôi” của Bình đầu tiên thu hút một đoàn khách Pháp, những người này vốn chỉ định lưu lại Bản Liền hai ngày trải nghiệm du lịch cộng đồng, sau thú vị quá bèn hủy luôn tua đi biển để ở thêm cho đến hết kỳ nghỉ. Thời gian ấy đúng mùa cày ruộng, A Bình cho khách xuống ruộng theo sau trâu đi cày, lúc nghỉ thì cầm vợt ra suối bắt cá, rồi lên núi (ở độ cao hơn 2.000m) để hái chè.

Khách thích quá về giới thiệu người nọ người kia, dần dần nhà Bình trở thành một điểm đến của khách Pháp, bản thân anh cũng nhờ đó học được tiếng Pháp giao tiếp, thậm chí có thể nhắn tin bằng tiếng Pháp với sự hỗ trợ của google dịch.

Ở nơi điện thoại chỉ dùng để chụp ảnh ảnh 1

Những bà cụ người Bản Liền làm nón lá cọ

Sóng điện thoại chưa vào đến Bản Liền. Đó là lý do vì sao bạn tôi phải qua 12 cuộc gọi nhỡ và chốt lại bằng phương án nhắn tin mới đặt được phòng. Để duy trì phương thức liên lạc này, A Bình cho biết, mỗi ngày anh đều phải đi bộ khoảng hai cây số lên đồi cao mới có sóng.

Từ đó, cứ khi nào Bình bảo “đi lên đồi” là mọi người hiểu, anh đi tìm cách kết nối với thế giới bên ngoài. Những “mẹo” làm du lịch như chào khách trên agoda, booking, traveloka (những trang web du lịch nổi tiếng) hay chọn lọc món ăn, chuẩn bị phòng ốc... Bình đều học “ở trên đồi” với những cột sóng chập chờn lúc có lúc không.

Từ năm 2018, A Bình mở homestay đầu tiên, đến nay ở Bản Liền có năm hộ cùng làm dịch vụ du lịch. Chợ xã mỗi tuần chỉ họp một lần vào Thứ Năm nhưng điều ấy không cản trở đến việc “tiếp khách” của A Bình. Mỗi mâm cơm nhà anh hầu như đều được làm ra từ các sản phẩm tự túc tự cấp: gà trong vườn, cá dưới ao, lợn cắp nách, dê lúc nào cũng có sẵn đôi ba con.

Bữa trưa đầu tiên ở Bản Liền chúng tôi được ăn những món Tày đúng nghĩa với trứng rán giảo cổ lam, cá suối rán giòn, nộm vịt với lá tía tô, bánh chưng đen truyền thống và uống rượu ổi đựng trong cốc bằng ống tre. A Bình bảo, nếu lên sớm vài ngày, anh có thể dẫn cả đoàn sang nhà hàng xóm ăn cỗ cúng nhà mới. Dân Bản Liền cũng đã quen với việc, thi thoảng nhà nào trong bản làm cỗ sẽ có vài vị khách lạ mặt đến góp vui. Họ chính là khách du lịch do chính những người chủ nhà nghỉ như A Bình dẫn tới.

Trà ống lam gác bếp

Thời điểm mới làm homestay, A Bình nói rằng khách nhà anh chủ yếu là người nước ngoài. Khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách giảm hẳn nhưng khách nội địa lại tăng.

Cũng vì dịch phải bó tay bó chân ở nhà, A Bình nghĩ đến việc làm trà ống lam gác bếp. Bản Liền là vùng nguyên liệu chè nổi tiếng ở Bắc Hà với những gốc chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, mọc cheo leo trên sườn núi ở độ cao 2.000-2.400m, thường xuyên được bao phủ bởi làn sương trắng xóa như tuyết.

Tuy nhiên, trước nay chè Shan tuyết Bản Liền chỉ bán cho hợp tác xã, ở dạng búp tươi. Ý định làm trà ống lam gác bếp của A Bình có từ thời bố anh nhưng vì “toàn thất bại” nên cứ gác lại. Dịch dã khiến lượng khách giảm đột ngột, A Bình có nhiều thời gian để thử nghiệm làm trà gác bếp.

“Thất bại nhiều lắm, đến mãi tháng 2 vừa rồi mới thành công. Đầu tiên tôi gửi đại lý bán, thỉnh thoảng bán được vài ống. Sau khi dịch đỡ, có khách đến, khách thích mua nhiều, thế là tôi có thị trường”, A Bình kể.

Ở nơi điện thoại chỉ dùng để chụp ảnh ảnh 2

Vàng A Bình hướng dẫn khách làm trà ống lam gác bếp

Thử nghiệm này của A Bình không chỉ tạo ra một sản phẩm du lịch cho Bản Liền, còn làm giàu thêm nội dung trải nghiệm trong sinh hoạt hàng ngày của khách. Những búp chè “một tôm hai lá” được hái từ sáng sớm, sau khi sao được lèn chặt vào ống tre, buộc kín miệng rồi gác lên bếp hun khói qua ít nhất ba tháng mới lấy xuống dùng.

Đây cũng chính là một sáng tạo của A Bình, khiến trà ống lam Bản Liền trở nên khác biệt. Sản phẩm sau khi hun khói lâu ngày sẽ tự tiết ra keo khiến trà bên trong đóng thành bánh. Khi uống, trà có màu sánh như mật ong, quyện mùi ống tre, vương chút khói bếp và đặc biệt có vị ngọt hậu dễ chịu, “khiến người đi làm nương không còn bị khát nước” như lời Bình giới thiệu.

Khách có thể tự tay tham gia làm trà ống lam ở tất cả công đoạn: từ chặt tre, sao chè cho đến lèn ống... Chờ đủ thời gian trà ngấm (từ 3-5 tháng), A Bình sẽ gửi thành phẩm đến địa chỉ khách lưu lại. Giá một ống trà (200gr) là 100 nghìn đồng. Có khách trong đoàn của tôi đặt mua 30 ống, người ít cũng năm mười ống. Nhờ sản phẩm này, homestay của A Bình vẫn túc tắc sống được.

Trong tương lai, anh còn muốn đẩy mạnh tiêu thụ, biến trà ống lam gác bếp thành một đặc sản của Bản Liền không chỉ bán cho khách du lịch, giúp bà con trong xã có thêm thu nhập.

Ở nơi điện thoại chỉ dùng để chụp ảnh ảnh 3

Khách Pháp ở Bản Liền

Người cả bản đều có thể là hướng dẫn viên

Chị Vàng Thị Cân, một hướng dẫn viên người Tày ở Bản Liền cho biết, dân Bản Liền rất hiếu khách, ai cũng có thể làm hướng dẫn viên miễn phí, nên khách đến đây đều có ấn tượng rất tốt.

Ở Bản Liền đến ngày thứ hai, chúng tôi được dẫn lên núi hái chè. Mỗi người được phát một cái gùi nhỏ đeo chéo bên hông, kích thước và công năng lẫn sự tinh xảo của nó đã thuyết phục một nhà thiết kế thời trang phải mua bằng được mấy cái mang về Hà Nội. Lá chè non có thể dùng để sao, cũng có thể ăn sống như rau ghém, có vị bùi, chát, ngọt nhẹ và lưu hương rất thú vị. Chúng tôi cũng được theo người dân ra suối bắt cá. Suối Bản Liền khá sạch, nước trong và chảy mạnh. Đặt cái vợt lưới tự tạo ở đầu dòng chảy một lúc là có cá suối bằng đầu ngón tay nhảy lách tách bên trong. Cá ấy về chỉ cần rán giòn là thành món tuyệt phối với rượu ổi do người dân tự chưng cất.

Mỗi ngày ở Bản Liền đều qua rất nhanh vì các hoạt động khám phá, trải nghiệm dường như cứ nối nhau không dứt. Chưa ngơi tay làm trà, A Bình đã rủ chúng tôi đi xem các già làng làm nón.

Khác với nón của người Kinh, nón của người Tày ở Bắc Hà làm từ hai tàu lá cọ còn nguyên bản. Sau khi cắt về phơi khô, bề ngoài của nón vẫn có sắc xanh chứ không trắng ngà như nón Chuông.

Khâu khó nhất để làm nón là phải bẻ cuống để 2 chiếc lá ráp khít vào nhau kiểu lá trong lá ngoài trong điều kiện không có khung, rồi khâu lại. Hiện ở Bản Liền chỉ còn vài người già biết làm nón. Trung bình phải mất 2 - 3 ngày các bà mới làm ra một chiếc, mỗi chiếc có giá từ 50.000đ đến 80.000đ.

Theo kế hoạch chúng tôi còn một lớp học đan gùi với ông Lâm A Liên nhưng vì trót sa đà ở chỗ làm nón nên việc học làm gùi đành gác lại. Khi về, A Bình “hẹn gặp lại” cả đoàn bằng ba thứ tiếng: tiếng phổ thông, tiếng Tày và tiếng Pháp.

Ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: “Chúng tôi xác định Bản Liền phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, dự án Great (Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch do chính phủ Úc tài trợ) đang hỗ trợ cho 5 hộ thực hiện. Các hộ đã hoàn thiện đến 80% rồi, có nhà cũng đã làm xong rồi. Đường giao thông đang thực hiện gần xong. Khó khăn là do dịch COVID-19 nên chưa có khách du lịch đến. Chúng tôi mong muốn huyện có chính sách hỗ trợ cho các hộ homestay, đặc biệt là về vốn vay ưu đãi lãi suất thấp để họ có thêm động lực thực hiện”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.