Tổ hợp tác nuôi tôm 30/4 ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu) có 15 hộ với khoảng 50 ha, chủ yếu nuôi tôm dưới tán rừng. Tôm rừng tận dụng lợi thế tự nhiên, không cần bỏ thêm thức ăn, không dùng hóa chất và đỡ công chăm sóc mà giá bán thường cao hơn 5- 10% so với tôm nuôi công nghiệp.
Tuy nhiên, hạn chế là manh mún, không thống nhất nên khó quản lý nguồn nước, dịch bệnh. Dự án đã hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm áp dụng BMP, thống nhất lịch thời vụ, ghi nhật ký quá trình nuôi.
Ông Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác 30/4, cho biết nhờ vậy giảm dịch bệnh, tăng năng suất và tôm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. “Gia đình tôi nuôi tôm rừng hơn 2,6 ha, mỗi năm trước đây chỉ thu được 500 triệu đồng, nay tăng gấp đôi”, ông Tuấn nói.
Áp dụng BMP còn xây dựng được cơ sở truy xuất nguồn gốc để đi tới các chứng nhận quốc tế như ASC. Dự án thành công đã mở rộng diện tích nuôi tôm ở Bạc Liêu và đang triển khai ra nhiều địa phương ở ĐBSCL, chú trọng thêm mối liên kết chuỗi từ các tổ hợp tác đến doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả hơn nữa.