Nuôi ong khởi nghiệp giữa Đồng Tháp Mười

Trần Thành Long với thương hiệu Mật ong Hương Tràm. Ảnh: H.H.
Trần Thành Long với thương hiệu Mật ong Hương Tràm. Ảnh: H.H.
TP - Trong một lần đi chơi ở Bến Tre, Trần Thành Long (ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thấy người dân nuôi ong trong vườn cây ăn trái có hiệu quả. Lân la hỏi chuyện, Long bật ra ý tưởng nuôi ong giữa bưng biền Đồng Tháp Mười với bạt ngàn rừng tràm.

Nhà của Trần Thành Long giáp với khu A4, thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông). Đây là khu vực rừng Tràm đặc dụng với diện tích hơn 2.000ha, cây tràm thường nở hoa 2 đợt, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau và từ tháng 8 đến tháng 10. “Đây là nguồn hoa rất phong phú thích hợp cho nghề nuôi ong lấy mật phát triển. Nhận thấy điều kiện thích hợp đó nên từ giữ năm 2016 đến nay tôi đã tìm tòi học hỏi và bắt đầu khởi nghiệp nghề nuôi ong lấy mật với thương hiệu Mật ong Hương Tràm”, Long chia sẻ.

Do khả năng tài chính có hạn nên bước đầu Long đầu tư 50 đàn ong, giống của Ý với tổng số tiền khoảng 80 triệu đồng. Sở dĩ Long chọn giống Ý để nuôi vì giống ong này có cơ thể to và chăm lấy mật hơn. Chưa kể, loại ong này sinh sản rất nhanh, nên năng suất mật cao hơn nhiều lần so với ong nội.

Với 50 đàn ong, ban đầu chỉ cho 50 lít mật/1 tháng, nay nhân lên được 100 đàn và cho sản lượng trung bình mỗi tháng cho từ 150 đến 200 lít mật ong tràm nguyên chất. Mật ong tại đây có hương hoa tràm đặc trưng, rất thơm ngon. Nhờ chất lượng đảm bảo nên lợi nhuận thu về khá cao, chỉ trong một tháng, Long có thể thu về 50 triệu đồng.

Không chỉ tạo nguồn thu nhập lớn cho gia đình, dự án nuôi ong của Long còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Nhiều bạn trẻ trước đây không có việc làm ổn định, thường vào Vườn Quốc gia Tràm Chim đánh bắt cá trái phép nay “gác kiếm” để theo Long nuôi ong.

Trần Thành Long cho biết, thời gian tới anh sẽ mở rộng quy mô đàn ong lên gấp đôi, hoặc gấp 3 so với hiện nay. “Hiện thị trường mật ong hương tràm rất lớn, mật ong làm ra không đủ để cung ứng”-Long nói. Cùng với tăng đàn, Long dự định sẽ chuyển giao kỹ thuật nuôi và bán con giống với giá ưu đãi hoặc cho các thanh niên ở địa phương mượn con giống để nuôi, sau đó thu mua lại mật ong để tạo sinh kế bền vững cho thanh niên. “Đây là giá trị cốt lõi nhất của dự án này”- Long nói và cho biết sẽ phối hợp với khu du lịch Tràm Chim đưa khách du lịch đến tham quan trải nghiệm nghề nuôi ong lấy mật hương tràm.

Anh Huỳnh Minh Thức - Phó bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đánh giá, dự án nuôi ong của Long giải quyết nhiều lao động nông thôn, góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, đánh bắt trái phép trong rừng Tràm Chim. Đây cũng là mô hình mang tính khả thi về kinh tế, kết nối và quảng bá du lịch địa phương.

“Tỉnh Đoàn đang tập trung đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là truyền cảm hứng cho thanh niên thông qua việc lồng ghép các diễn đàn, khóa tập huấn, đào tạo kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình khởi nghiệp như câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế, tổ hợp tác”, anh Thức nói.

MỚI - NÓNG