Khởi nghiệp để thoát bẫy thu nhập trung bình

Khởi nghiệp để thoát bẫy thu nhập trung bình
TP - Tới dự Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 (Techfest 2017) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức, sáng 14/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Phải đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo. Nếu cứ làm như trước, Việt Nam không ra khỏi bẫy thu nhập trung bình”.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KHCN, trong năm 2016 - 2017, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD. Mới nhất là doanh nghiệp Foody, mạng xã hội về ẩm thực đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại.

Hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với hơn 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hiện có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam, 500 start-up… tăng khoảng 30% so với năm 2016. Hiện tại đã có 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam.

Cũng theo lãnh đạo Bộ KHCN, hiện trong tổng số 600.000 doanh nghiệp trên cả nước mới có khoảng 3.000 doanh nghiệp start-up. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể hy vọng đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 19/2017 của Chính phủ đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó 0,5% là doanh nghiệp start-up.

Nhiều tập đoàn, công ty lớn, ngân hàng lớn của Việt Nam đã tham gia thành lập các quỹ đầu tư: Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV, VP Bank cũng đã quyết định hỗ trợ hơn 1 tỷ USD cho hoạt động khởi nghiệp. Các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor) ở Việt Nam đã bắt đầu kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có thể kể đến như: VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel (Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam) hay Angel4us.

Techfest 2017 được tổ chức với quy mô lớn hơn so với năm 2016, với sự tham gia của nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong 6 lĩnh vực tiềm năng là: Cộng đồng tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; Nông nghiệp; Giáo dục; Du lịch và Dịch vụ ẩm thực; Y tế; Công nghệ mới. Đây là những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, được các nhà đầu tư quan tâm và cũng chính là những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển để phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Khởi nghiệp để thoát bẫy thu nhập trung bình ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan một sản phẩm của DN Start - up tại Techfest 2017 (thiết bị bay siêu nhẹ dùng trong sản xuất nông nghiệp). Ảnh: Như Ý.

Khởi nghiệp không phải là phong trào vụt lên rồi lắng xuống

Phát biểu tại Lễ khai mạc Techfest 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại 10 vấn đề của khởi nghiệp sáng tạo được ông chia sẻ tại ngày hội khởi nghiệp sáng tạo 2016. Phó Thủ tướng cho rằng trong 10 điểm đó có những điểm mới chỉ bắt đầu khởi động như thuế, chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Nói về khởi nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong cộng đồng công nghệ thông tin có nói đi nhanh thì đi một mình nhưng đi xa phải có cộng đồng. Chúng ta cần cộng đồng startups. Bản thân Thủ tướng cũng rất quan tâm đến khởi nghiệp.  Tất cả mọi người đều phải vào cuộc. Làm sao để đặt được ra mục tiêu cụ thể, để biết mình đi đến đâu. “Mục tiêu đặt ra đến 2020, Việt Nam có 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Còn hai năm để có thêm 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp nữa. Giờ phải đặt ra câu hỏi về đích đó trước bao nhiêu tháng. Chúng ta không thoái thác được, buộc phải làm. Phải đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo. Nếu cứ làm như trước, Việt Nam không ra khỏi bẫy thu nhập trung bình” – Phó Thủ tướng nói.

Ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, Chủ tịch hội đồng quản trị VSVA (Vietnam Silicon Valley Accelerator) cho biết  năm 2013,  Bộ KHCN khởi động đề án thương mại hóa công nghệ  theo mô hình Thung lũng silicon tại Việt Nam. Ông may mắn là một trong những người đầu tiên tham gia đề án.  Nhiệm vụ lớn nhất của đề án là làm thế nào để hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam có thể phát triển được.  Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, theo ông Tuấn Linh có hai nhân vật chính: doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Startup) và các nhà đầu tư cũng như nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. “Chúng tôi làm một cuộc khảo sát ban đầu thì ở Mỹ  hàng năm có 0,3% doanh nghiệp mới thành lập được nhận vốn từ nhà đầu tư. Tính từ 1979 - 2013, 43% doanh nghiệp của Mỹ được đưa lên sàn trong giai đoạn này lại là những doanh nghiệp từng được nhận vốn đầu tư mạo hiểm. Quan trọng hơn nữa là 82% tổng chi cho các nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ đến từ các doanh nghiệp được nhận vốn này” - ông Linh cho hay.

Việt Nam cũng gặp các vấn đề như tất cả các hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới. Đó là việc đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn vốn mồi là một việc làm hết sức rủi ro và không có nhà đầu tư nào muốn tham gia vào giai đoạn này. “Sau 4 năm, VSVA đầu tư được cho 52 doanh nghiệp. Trong hai năm 2016, 2017, có khoảng 20%  - 30% doanh nghiệp nộp hồ sơ vào trong chương trình của VSVA  đến từ các nhà khởi nghiệp nước ngoài muốn đến Việt Nam. Trong năm 2017, 20% các thương vụ của VSVA đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp của nước ngoài đến Việt Nam đầu tư” - ông Linh cho hay.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã ấn nút chính thức ra mắt Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại địa chỉ startup.gov.vn.

MỚI - NÓNG