Nước thải đổ trực tiếp ra sông Hồng: Cần giải quyết từ gốc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong liên quan vấn đề xử lý nước thải của Hà Nội, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, vấn đề cốt lõi là cần bố trí nguồn vốn đủ để xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt nội đô, quyết liệt thúc đẩy tiến độ các nhà máy xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Hồng, tránh tình trạng lan rộng ô nhiễm môi trường.

Chỉ làm nhiệm vụ thoát nước!

Liên quan đến phản ánh của báo Tiền Phong về hiện tượng bọt trắng như băng nổi trên kênh dẫn nước Yên Sở đổ thẳng ra sông Hồng, trong văn bản phản hồi gửi đến báo, Cty TNHH MTV Thoát nước (Cty Thoát nước) Hà Nội xác nhận "qua công tác kiểm tra hiện trường, tại kênh xả trạm bơm Yên Sở ra sông Hồng có hiện tượng bọt trắng như bài báo phản ánh".

Cty Thoát nước Hà Nội khẳng định, Trạm bơm Yên Sở vận hành theo đúng quy trình công nghệ quản lý, vận hành cụm công trình đầu mối Yên Sở được ban hành theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, phía đơn vị này khẳng định, Cty TNHH MTV Thoát nước không có trách nhiệm xử lý nước thải trước khi ra nguồn tiếp nhận tại khu vực Yên Sở. Cty chỉ kiểm soát lưu lượng nước xả ra thông qua việc bơm nước thải của thành phố Hà Nội ra sông Hồng qua Trạm bơm Yên Sở.

Nước thải đổ trực tiếp ra sông Hồng: Cần giải quyết từ gốc ảnh 1

Nước thải của Hà Nội qua Kênh dẫn nước Yên Sở, nổi bọt trắng như băng chảy ra sông Hồng Ảnh: Trường Phong

Về hiện tượng bọt trắng nổi lên ở Kênh dẫn nước Yên Sở, Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, khi vận hành trạm bơm, các cánh bơm tạo áp năng và động năng làm nước chuyển động từ buồng bơm ra ngoài cửa xả. Quá trình này phát sinh các bọt khí và tạo thành các mảng bọt khí, đi qua bể điều áp và thoát ra kênh xả qua hệ thống cống qua đê. “Hiện tượng này chỉ giảm thiểu khi quy hoạch hệ thống xử lý nước thải được thành phố đầu tư xây dựng hoàn chỉnh”, Cty Thoát nước thông tin. Trao đổi với phóng viên, đơn vị chức năng của Sở Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định hiện tượng nổi bọt trắng như băng ở Kênh dẫn nước Yên Sở là hết sức bình thường.

Phải quyết liệt thu gom, xử lý nước thải ở nội đô

Mới đây, báo cáo tại cuộc giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công thông tin, hiện nay hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý hơn 276 nghìn m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Giám sát của HĐND thành phố nêu thực tế, nhiều dự án xây dựng trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng nhưng không đấu nối, không đi vào hoạt động.

“Muốn giải quyết được tận gốc vấn đề thì phải tốn rất nhiều tiền. Tôi nghĩ rằng, lãnh đạo thành phố cần đủ quyết tâm, bố trí đủ nguồn lực cần thiết để triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trong nội đô”, bà An nói, đồng thời cho rằng, nếu làm được như thế, các dòng sông nội đô sẽ “hồi sinh” và sông Hồng không phải hứng nước thải của thành phố nữa.

Ngoài ra, theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng tính đến tháng 8/2022, thành phố mới có 30 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn 11 cụm công nghiệp đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2022…

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, vấn đề xử lý nước thải của Hà Nội được dư luận, nhân dân rất quan tâm. Nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực, cố gắng nhiều, tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. “Những dòng sông nội đô như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét… đều trở thành những dòng sông chết vì nước thải sinh hoạt của người dân”, bà An nói. Theo bà An, vấn đề đặt ra ở đây là việc thu gom nước thải dọc các con sông chưa được đầu tư đồng bộ, chưa hoàn thiện. “Nếu thu gom được hết nước thải sinh hoạt và đưa về nhà máy xử lý thì sẽ giải quyết được vấn đề”, bà An nói. Cùng với đó, theo bà An, phải kiên quyết yêu cầu các khu, cụm công nghiệp xử lý nước thải trước khi xả thải ra hệ thống chung của thành phố.

Cùng chung quan điểm, một số chuyên gia cũng cho rằng, thành phố cần quyết liệt triển khai, hoàn thiện một số dự án nhà máy xử lý nước thải trọng điểm của thành phố như Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Mới đây, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Cty Tekken - Nhà thầu chính Gói thầu số 2 (Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và tuyến cống chính) Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá cho biết, phía nhà thầu đang nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ sớm đưa Dự án vào sử dụng để cải thiện môi trường, giúp cho cuộc sống của người dân Hà Nội tốt lên, có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm nữa.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.