Nước Pháp không sợ hãi

An ninh thắt chặt tại Pháp kỳ EURO 2016. Ảnh: BNC
An ninh thắt chặt tại Pháp kỳ EURO 2016. Ảnh: BNC
TP - Những người lạc quan nhất có lẽ cũng đã bắt đầu cảm thấy lo cho nước Pháp về một kỳ EURO nhiều vất vả. Khi mà giải đấu còn chưa qua nửa chặng đường của vòng đấu bảng, Pháp đang phải đối phó với muôn vàn khó khăn.

Từ thành phố Lille của Pháp sang thủ đô Brussels (Bỉ), du khách có nhiều phương án, nhưng xe bus là một lựa chọn không tồi. Mỗi ngày có nhiều chuyến xe khác nhau, với giá cả chỉ hơn trăm nghìn VNĐ cho chặng hành trình khoảng hơn 100 cây số. Thời gian di chuyển khoảng gần 2 giờ đồng hồ, nếu bằng bus.

Chúng tôi chọn xe của hãng Eurolines, vốn có mạng lưới qua nhiều nước châu Âu. Xe chạy êm, những ngôi nhà, hàng cây xanh mướt thoáng lướt qua ô cửa kính. Thủ đô của Bỉ hiện ra sau 1 giấc ngủ sâu, với những con đường rợp bóng cây, thoáng mát và sạch đẹp.

 Xen lẫn giữa những công trình kiến trúc hiện đại hoặc cổ kính, một góc phố nhỏ yên bình chợt hiện ra, gợi cảm giác cuốn hút đến bất tận. Ở đây, không khó để tìm thấy một cửa hiệu bán Chocolate, với hình chú bé Manneken Pis. Chú bé tồng ngồng đứng tè, tác phẩm của bật thầy điêu khắc Jerome Duquesnoy đã trở thành hình ảnh gắn liền với nước Bỉ.

Nổi bật ở trung tâm Brussels là Quảng trường lớn (Grand Palace), một địa điểm rất thu hút du khách nước ngoài. Tôi đọc được ở đâu đó, nơi đây có diện tích 20.000 m2, được xây từ thế kỷ XI với nền lát đá hoa cương. Tại Gare du Nord, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã “chớp” được cảnh một đôi trai gái đang đứng ôm hôn nhau say đắm giữa phố, như chẳng còn ai trên Trái đất.

Thật khó tin đây lại là nơi từng xảy ra vụ tấn công khủng bố của tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) cách đây dăm tháng, vốn gây chấn động cả châu Âu và thế giới.

Mất khoảng 4 giờ đồng hồ nữa để chúng tôi trở lại Paris vào chiều qua. Chưa đầy 24 tiếng, những khó khăn của nước Pháp dường như đã tăng lên gấp bội. Đình công phản đối Luật lao động mới vẫn tiếp diễn, bất chấp lời kêu gọi của chính phủ và Tổng thống Francois Hollande. 

Cảnh sát Paris ước tính có khoảng 50.000 người đã tham gia cuộc đình công đang diễn ra ở Pháp. Tổng đoàn Lao động Pháp (CGT) đã huy động khoảng 600 xe bus tới Paris để đình công! Paris đã phải đóng cửa tháp Eiffel, nơi thu hút tới 7 triệu du khách, với 80% là khách nước ngoài vào năm ngoái.

Tuy nhiên, căng thẳng nhất có lẽ là vụ tấn công ở Manangville, diễn ra tối thứ hai 13/6. Hai cảnh sát đã thiệt mạng, trong vụ tấn công do một thành phần cực đoan, có nghi ngờ liên quan tới IS thực hiện. Ông Francois Hollande đã phải triệu tập cuộc họp khẩn, với thành phần gồm các quan chức cao cấp về an ninh của Pháp.

Nhưng Paris dường như không có gì thay đổi. Dăm người đi lại trên phố, khuôn mặt chỉ hiện lên sự hối hả với cuộc sống thường nhật. Số lượng binh sĩ bồng súng trên đường phố và quanh khu vực sân vận động, fanzone cạnh tháp Eiffel vẫn vậy. Có vẻ như chính phủ Pháp cũng không thể tăng thêm quân số an ninh, cho dù Tổng thống Hollande phải lên tiếng cảnh báo, nước này đang đối diện với nguy cơ khủng bố ở quy mô lớn.

Tới lúc này, tôi phải thừa nhận đã có thoáng chút lo lắng, khi suốt đường đi lại giữa Brussels và các thành phố của Pháp, không hề thấy sự kiểm soát gắt gao của an ninh giữa hai nước. Vụ tấn công Paris hôm 13/11/2015, vốn khiến 130 người thiệt mạng, đã được những kẻ khủng bố lên kế hoạch từ Bỉ, thực hiện chớp nhoáng trước khi rút chạy. Mọi thứ đối với những kẻ khủng bố dường như quá thuận lợi, tới mức truyền thông châu Âu phải cảnh báo về những lỗ hổng an ninh của Pháp lẫn Bỉ.

Châu Âu vẫn đang trong Hiệp định tự do đi lại Schengen, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cả Pháp sợ hãi. Kéo theo cả sự sợ hãi của cả châu Âu. Cầu giời là không!

MỚI - NÓNG