Nước mắt Vinalines Queen

Nước mắt Vinalines Queen
TP - Phần lớn thủy thủ Hải Phòng trên tàu Vinalines Queen còn rất trẻ, họ đi tàu để nuôi sống cả gia đình và trang trải nợ nần. Bảo hiểm Dầu khí đang chuẩn bị xúc tiến chi trả bảo hiểm cho người thân của họ.

> Lời kể của người trở về từ cõi chết
> Mất tích trong chính ngày cưới

Ông Vinh trải lòng về con trai, thuyền phó 1 Đức
Ông Vinh trải lòng về con trai, thuyền phó 1 Đức.
Ảnh: Phạm Duẩn.

Đi tàu trả nợ

Ông Hồ Sỹ Vinh, 58 tuổi, có người con trai là thuyền phó 1 Hồ Quang Đức đã mất tích cùng con tàu đắm Vinalines Queen. Trưa 31-12, ông nói với PV: “Đến giờ, gia đình tôi vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan chức năng mà đêm qua (30-12) biết tin qua các báo, tôi đã ngất vì niềm hi vọng mong manh đã tắt...”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Đức, từ đêm qua, chị Nguyễn Thị Hằng, 27 tuổi, vợ Đức khóc ngất. Mỗi lần nghe ai nói về tàu đắm là chị lại gào lên: “Chồng con chưa chết, chồng em chưa chết, chồng em sẽ về...” rồi ôm riết đứa con gái đầu lòng mới 14 tháng tuổi.

Cách đây gần 4 tháng, anh trai Đức là Hồ Quang Tình (34 tuổi) qua đời vì ung thư. Hiện, cả đại gia đình nhà thuyền phó 1 Đức gồm 9 người sống trong ngôi nhà vỏn vẹn 30 mét vuông trong ngõ sâu 162 Hàng Kênh (Hải Phòng). Đức là con út và mới 30 tuổi.

Ông Vinh nói: “Vợ chồng tôi li thân mấy chục năm nay rồi. Tôi gà trống nuôi 4 đứa con trai. Năm 1997 từ Hong Kong bị đuổi về nước, hai bàn tay trắng. Đức là đứa con chăm chỉ, hiền lành, chịu thương chịu khó nhất. Biết gia cảnh nghèo, không nhà cửa, Đức vừa học vừa đi mót than bán kiếm sống qua ngày cùng gia đình khi còn ở Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp THPT, Đức quyết tâm thi vào Đại học Cảnh sát nhưng thi mấy năm liền vẫn trượt. Đức luyện thi và đậu Đại học Hàng hải.

Ra trường, Đức xin đi tàu ngay để kiếm tiền trả nợ thay gia đình. Chuyến đi đầu đời của Đức là cho một con tàu của Vinashin vào năm 2007. Mấy tháng lương đầu, ông Vinh đến tận văn phòng Vinashin ở Hải Phòng nhận tiền lương của con với số tiền... 68 nghìn đồng/tháng. Không tin vào mắt mình, ông Vinh hỏi thì họ bảo là trừ các tiền vé máy bay nọ kia... Chuyến sau đi tàu cho một công ty khác. Vài tháng sau, công ty này vỡ nợ nên cũng không trả lương.

“Trước khi đi chuyến tàu Vinalines Queen định mệnh, Đức rất vui và tâm sự với gia đình rằng khi về sẽ vay mượn thêm của bạn bè cố mua một căn nhà nhỏ để hai vợ chồng cùng con gái nhỏ ra ở riêng. Đức cũng nhận nuôi hai đứa cháu gái (con anh trai) mới mồ côi cha 4 tháng về nuôi ăn học. Nhà nghèo, tôi phải đi vay tiền cho con ăn học, chữa bệnh, rồi cả tiền cưới vợ cho Đức năm 2009 cũng chưa trả được. Tổng cộng, tôi nợ hơn 300 triệu đồng. Đức luôn an ủi tôi là sẽ cố đi tàu liên tục để có tiền trả nợ cho gia đình và tôi cũng hi vọng như thế. Nhưng giờ đây không biết làm sao...

Mới đây chủ nợ đến đòi 34 triệu đồng, tôi khất. Chủ nợ cho đầu gấu đến dọa giết”. Ông Vinh chỉ sang người đàn ông ngồi cạnh. Đó là anh Trần Xuân Điềm (ở phường Ngọc Sơn, Kiến An, Hải Phòng). Ông Vinh còn nợ anh Điềm cả trăm triệu đồng. Anh Điềm nói: “Mỗi lần anh Vinh đến hỏi vay tiền nuôi con ăn học, vợ chồng tôi không tiếc cho vay ngay và hi vọng sau này Đức đi tàu sẽ có tiền trả. Giờ Đức như thế cũng khó thật... ”.

Bảo hiểm thuyền viên là 25 nghìn USD/ người

Hy vọng mong manh về con tàu Vinalines Queen vụt tắt. Ngày 31-12, không khí u buồn, tang tóc phủ lên 22 gia đình thuyền viên mất tích. Trong ngõ 2B đường Phạm Ngũ Lão (Hải Phòng), ngôi nhà thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện đóng cửa im ỉm. Sau nhiều lần gõ cửa, người nhà mở và nói hiện chị Nguyễn Thị Tâm (40 tuổi, vợ anh Thiện) không muốn tiếp ai cả. Vợ chồng anh Thiện có hai con, cháu lớn 10 tuổi, cháu nhỏ mới 5 tuổi.

Ngay khi biết tin tàu đắm tối qua, chị Vũ Hồng Nhung (23 tuổi, em gái thợ máy Vũ Thiện Phong) nằm liệt giường luôn. Gia đình phải gọi bác sĩ đến. Ngày 31-12, ngôi nhà anh Phong ở trong ngõ 139 Ngô Gia Tự (Hải Phòng) rất đông họ hàng đến chia sẻ. Mọi người thương Phong, bởi bố anh mới qua đời năm ngoái ở tuổi 51 vì ung thư.

Gia đình Đỗ Anh Đức suốt mấy ngày qua luôn túc trực bên tivi và quét internet chờ thông tin số phận con tàu Vinalines Queen. Ông Đỗ Văn Tính (59 tuổi), bố Đức ngồi trân trân: “Khi được đi tàu Vinalines Queen, một trong số ít tàu biển lớn, hiện đại, trẻ nhất Việt Nam, Đức gọi điện về nhà khoe là chú máy trưởng cũng bằng tuổi bố. Mọi người sống với nhau rất chan hòa. Gia đình yên tâm...”.

Trong số 22 thuyền viên tàu Vinalines Queen mất tích, 18 người còn rất trẻ, lứa tuổi 8X và phần lớn chưa vợ. Hầu hết thuyền viên đều là lao động trụ cột gia đình. Đến các gia đình thuyền viên mới biết đi tàu biển thời bây giờ chỉ là nghề kiếm kế sinh nhai chứ không làm giàu được như những thập kỉ 1970- 1980. Nhiều gia đình thủy thủ thậm chí chỉ đủ ăn, hoặc rất nghèo.

Chiều qua, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) chi nhánh miền Duyên hải cho biết, 23 thuyền viên của Vinalines Queen được chủ tàu mua bảo hiểm thân thể trị giá 25 nghìn USD/người. Phía bảo hiểm đang đến chia sẻ với các gia đình thuyền viên và sẵn sàng hoàn thành các thủ tục cần thiết để sớm chi trả tiền bảo hiểm cho các gia đình có thuyền viên không may mắn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG