Nước mắt rơi bên nghĩa địa tàu trên cát

Thuyền trưởng Trần Văn Tẩn khóc và nói đã kiệt sức cứu tàu. Ảnh: H.A
Thuyền trưởng Trần Văn Tẩn khóc và nói đã kiệt sức cứu tàu. Ảnh: H.A
TP - Bãi biển Đề Gi (xã Cát Khánh, Phù Cát, tỉnh Bình Định) sau lũ đã trở thành nghĩa địa tàu. Xác tàu la liệt, xe ủi ùn ùn kéo tàu nằm nghiêng, bước chân các ngư dân thẫn thờ. Ngư dân Nguyễn Văn Tẩn khóc, nói: “Dân đã kiệt sức, nhà nước hãy giúp chúng tôi!”.

Đại nạn xảy ra đối với ngư dân tỉnh Bình Định vào nửa đêm 15/12, nước lũ trên nguồn đột ngột đổ xuống như dòng thác và cuốn tàu của ngư dân ở cửa biển Đề Gi ra biển. Ngư dân Đỗ Thanh Trúc kể lại: “20 giờ là điện tắt hết, trời thì mưa mù mịt. Tới nửa đêm thì la hét rầm trời, 6 tàu bị cuốn lao như mũi tên ra ngoài cửa biển, sóng đánh nát ra thành củi”.

Tổng cộng có 8 tàu cá bị hư hỏng hoàn toàn, 7 tàu bị chôn trên bãi biển. Gió chướng đẩy đoàn tàu trôi dạt từ ngoài biển ngược vào bờ. Hàng ngàn người dân và bộ đội đã buộc dây kéo tàu vào mép nước. Đoàn tàu chìm đã tạo thành khung cảnh “nghĩa địa tàu”.

“Nghĩa địa tàu” ở Đề Gi trải dài 3 km trên bờ cát và chia thành 2 khu. Khu thứ 2 nằm giữa bãi biển vắng. 5 tàu cá nằm kẹt giữa núi cát ngổn ngang. Hàng chục xe xúc đang ầm ầm cẩu máy ra khỏi tàu, lùa cát đào rãnh, hàng trăm người đang đóng cọc làm hàng.

Những con tàu mắc giữa núi cát nằm cách mép nước chưa đầy 20 m. Ngư dân không thể kéo tàu ra biển và cũng không thể đưa tàu vào sâu hơn trong bãi. Theo vệt nước thủy triều, nếu nước dâng cao và gặp thời tiết xấu thì nơi đoàn tàu mắc cạn sẽ bị sóng nuốt chửng.

Giải pháp trước mắt của bà con là đóng cọc vây, làm hàng rào, dồn bao cát chèn cản sóng. Những biện pháp kiệt sức trên được cho là không đủ và tàu nhiều khả năng sụp đổ trước đợt biển động vào những ngày sắp tới.

Biết trước số phận những con tàu này, ngư dân vẫn phải làm tất cả những gì có thể. “Thuê xe xúc, thuê người, mua bao làm kè, chúng tôi coi như kiệt sức hết rồi, nhà báo nói giúp xem nhà nước có biện pháp gì giúp chúng tôi. Đoàn tàu này bữa nay còn thấy mặt, chứ vài bữa nữa biển động thì chắc cũng đi hết!”, một ngư dân nói.

Nước mắt rơi bên nghĩa địa tàu trên cát ảnh 1

Đoàn tàu mắc giữa bãi cát chờ chết

Từ “nghĩa địa tàu” thứ hai đi ngược về phía cửa biển Đề Gi, từng mảng gỗ nằm rải rác khắp trên bờ cát. Tàu BĐ 0466 H của đại lý bán dầu Ngọc Châu đang được chủ dồn sức cứu. Ông Trần Minh Nguyên cho biết, đã nhờ lực lượng biên phòng cùng vận chuyển toàn bộ 3.000 lít dầu để chống tràn dầu, bây giờ làm hết sức mà không kéo nổi xác tàu nổi.

Con tàu này được cứu nạn ở mức quy mô nhất so với các tàu khác. Tại hiện trường, ông Nguyên thuê 3 xe xúc ủi, 1 xe kéo; huy động thợ kích cao tàu, đặt con lăn, lót ván. Nhưng tàu chưa kéo vào thì sóng đã ùa đến vít con tàu lún dần trong cát. Ông Nguyên nhìn tàu với ánh mắt tuyệt vọng: “Nhà nước nên cho những người có chuyên môn về lai kéo tới đây tư vấn giúp, nếu không thì vài ngày nữa sẽ phải bỏ tàu”.

Xác tàu gần cửa biển Đề Gi nhất là của ngư dân Nguyễn Trực. Con tàu BĐ 93141 dài 15,5m, công suất máy 275 mã lực, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng đã bị xé nát thành đống gỗ nham nhở. “Mấy bữa anh em biên phòng cũng ra cứu, nhưng sóng đánh tàu bể làm đôi. Giờ bà con đang tranh thủ tháo gỡ ván, đào lấy máy tàu, vì vài ngày nữa biển có sóng lớn thì coi như mất ráo trọi”, chủ tàu nói.

Cách đó không xa là đống gỗ nát được gom từ 2 tàu cá của ngư dân Mai Văn Khuông và Nguyễn Thị Tương. Chị Hoa, vợ ông Khuông cho biết, toàn bộ tàu, máy, lưới và đồ đạc bị cuốn chôn sâu dưới cát. Lưới xõa ra và cuộn cả xác tàu. Ngư dân phải moi cát, cắt lưới, lôi từng thứ ra.

Chị Hoa kể, trong đêm 15/12, tàu mất, nhiều người suýt chết trong dòng nước dữ. Vì từ xã Cát Thanh chạy xuống cửa biển Đề Gi phải lội nước tới ngực suốt mấy cây số. Gần 2 giờ sáng mới đến cửa biển. Khi ra tới nơi thì tàu không còn, chỉ nghe tiếng than khóc, tiếng gọi người thân: nhiều gia đình sợ người nhà bám theo tàu bị trôi ra biển.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà dân vùng lũ Quảng Nam

Chiều 19/12, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đoàn công tác Trung ương có chuyến thăm và tặng quà người dân chịu thiệt hại do mưa lũ tại Quảng Nam. Phó Chủ tịch nước đánh giá những thiệt hại về người và tài sản tại Quảng Nam do mưa lũ vừa qua gây nên là rất lớn, đồng thời động viên, chia sẻ với bà con cố gắng vượt qua: “Cả nước đang hướng về miền Trung, thương về miền Trung. Tôi xin được chia sẻ với những thiệt hại với bà con do mưa lũ gây nên”. 

Phó Chủ tịch nước trao 105 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho người dân xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) chịu ảnh hưởng mưa lũ; 115 suất (1 triệu đồng/ suất) cho các hộ đặc biệt khó khăn chịu thiệt hại mưa lũ tại xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên). Đồng thời trao 100 suất cho UBND huyện Duy Xuyên. Dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao 300 triệu đồng cho UBND tỉnh Quảng Nam.

                Hoài Văn

MỚI - NÓNG