Nước mắt người trồng mía

Mía nhà anh Sơn chặt cả tháng chưa được thu mua.
Mía nhà anh Sơn chặt cả tháng chưa được thu mua.
TP - Ðể cho ra những hạt đường mía trắng tinh ngọt lịm, người trồng mía phải lam lũ ròng rã cả năm vun trồng. Thế nhưng cứ đến ngày thu hoạch, là tái diễn cảnh  bán mía giá rẻ, nhà máy thu mua không kịp khiến mía khô, trổ cờ trắng đồng. Lỡ mía bén lửa, họ chỉ còn biết... khóc.

Mặn như ... mía!

Về huyện Ea Súp - nơi có diện tích mía lớn nhất tỉnh Ðắk Lắk vào những ngày mưa, chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi khổ của người nông dân khi đứng nhìn hàng trăm ha mía quá lứa héo rũ trên đồng.

Ông Nguyễn Minh Ðiệp (thôn 3, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) cho biết: Niên vụ 2017 - 2018 gia đình ông ký hợp đồng đầu tư trồng và tiêu thụ hơn 5 ha với Công ty cổ phần Mía đường Ðắk Lắk. Theo hợp đồng, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm mía với giá 800 đồng/kg. Thời gian thu mua là tháng 5/2018 (khi cây mía trồng đủ 1 năm), thế nhưng đến nay quá thời hạn thu hoạch hơn 1 tháng, gia đình ông vẫn chưa được chặt.

Ðể trồng được 5 ha mía, ông Ðiệp đã gom góp đầu tư hơn 250 triệu đồng. Trong đó, công ty hỗ trợ 30 triệu đồng/ha, còn lại phải đi vay ngoài. Trồng mía rất vất vả, từ khi trồng đến thu hoạch mất 1 năm, qua nhiều công đoạn chọn giống, làm đất, tưới tiêu, diệt sâu bệnh hại… nên rất tốn công. Nhà nông phải quần quật trên đồng cả ngày. Nhất là khi thời tiết nắng nóng, rất dễ xảy ra cháy mía. Ðã từng xảy ra nhiều vụ, chỉ cần một mồi lửa nhỏ là ruộng mía biến thành biển lửa. Kỳ công chăm sóc, đến ngày thu hoạch, nhà nông tiếp tục bị “hành” khi nhà máy chậm thu mua để mía quá lứa phơi ngoài đồng.

Anh Ðoàn Văn Sơn (thôn 4, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) cũng ký hợp đồng trồng 9 ha mía nhưng mới thu được 5 ha, 4 ha còn lại “đứng chờ” lịch chặt. Nóng ruột, anh chặt 2 ha, bỏ tiền túi thuê xe chở đến tận nhà máy nhưng công ty không đồng ý. Anh đành chất đống mía đã chặt như củi, và bất lực nhìn ruộng mía từng ngày héo khô vì quá kỳ thu hoạch. Công ty “vỡ” hợp đồng, thu mua chậm tiến độ khiến nhiều hộ dân Ea Súp rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Mía trồng quá lứa chưa chặt, trong khi thời điểm chăm sóc niên vụ sau đã đến. Người dân không thể phá bỏ, lấy đất tái sản xuất cho vụ sau. Còn nếu “đợi” thu xong, gốc mía bị khô chết, tỉ lệ lên mầm thấp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía vụ sau.

Hàng ngàn ha mía phơi đồng

Niên vụ 2016 -2017 toàn huyện Ea Súp có hơn 2.000 ha mía, đến niên vụ 2017-2018 diện tích tăng lên hơn 4.000 ha, vẫn theo quy hoạch của địa phương, tập trung tại các xã Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Ea Bung, Cư Kbang…

Tại xã Cư M’lan, ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 550 ha mía đều ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ với Công ty cổ phần Mía đường Ðắk Lắk. Thời điểm hiện tại, công ty mới thu mua khoảng 469 ha, còn lại 81 ha (trong đó có 6,8 ha đã chặt nằm tại đồng) dù đã quá hạn hợp đồng thu mua hơn 1 tháng. Xã cũng nhận đơn người dân phản ánh công ty vi phạm hợp đồng, đẩy họ vào cảnh khó khăn, thua lỗ.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Mía đường Ðắk Lắk, hiện trên địa bàn huyện Ea Súp còn khoảng 180 ha mía nguyên liệu chưa thu hoạch, tập trung nhiều nhất tại các xã Cư M’lan 70 ha, Ea Bung 40 ha, Ya Tờ Mốt 30 ha…Ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Ðắk Lắk lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hoạch mía không đúng tiến độ, là do từ cuối tháng 4/2018 đến nửa đầu tháng 5/2018 khan hiếm nhân công lao động. Cuối tháng 5/2018, trời lại mưa nhiều, ảnh hưởng đến việc thu hoạch. Vậy nên, toàn bộ diện tích chưa thu hoạch, công ty sẽ tổ chức thu và mua từ nay tới tháng 11/2018. Ðối với mía thu hoạch chậm bị suy giảm chất lượng, công ty sẽ có chính sách hỗ trợ phần chất lượng bị suy giảm.

Ông Trần Quang Trịnh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (Ðắk Lắk) cho hay, hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với công ty tổ chức đối thoại với người dân, tìm kiếm hướng giải quyết, khắc phục thiệt hại trước mắt và ổn định sinh kế lâu dài cho người trồng mía.

 

Giá mía thấp nhất trong 5 năm qua

Ngoài Ðắk Lắk, Gia Lai cũng là vùng nguyên liệu mía lớn của Tây Nguyên. Hiện giá mía nguyên liệu quá thấp đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ông Ðinh Xuân Duyên- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết: Niên vụ 2017-2018, toàn huyện có 1.280 ha mía, tập trung tại các xã Ia M’lát, Ia Rsai và thị trấn Phú Túc. Năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất mía tương đối cao (70 tấn/ha) nhưng giá lại thấp (chỉ từ 720-730 nghìn đồng/tấn), đây là mức giá thấp nhất trong 5 năm qua. Trồng mía đòi hỏi kỹ thuật, công sức chăm bón của nông dân rất lớn nhưng lợi nhuận lại kém. Những năm bán được giá cao, nông dân mới lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Còn năm nay giá thấp, nhà máy lại thu mua kéo dài làm tăng chi phí thu hoạch, giữ đồng nên vụ mía năm nay nông dân chắc chắn lỗ công.

Anh Ðoàn Văn Sơn (thôn 4, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) cũng ký hợp đồng trồng 9 ha mía nhưng mới thu được 5 ha, 4 ha còn lại “đứng chờ” lịch chặt. Nóng ruột, anh chặt 2 ha, bỏ tiền túi thuê xe chở đến tận nhà máy nhưng công ty không đồng ý. Anh đành chất đống mía đã chặt như củi, và bất lực nhìn ruộng mía từng ngày héo khô vì quá kỳ thu hoạch.

MỚI - NÓNG