Người trồng mía Sóc Trăng kêu cứu vì nhà máy 'chậm' tiền

Người dân địa phương đang tất bật đốn mía thuê cho biết, giá mía hiện tại được chủ ruộng mía thuê thu hoạch với giá 8 ngàn đồng/bó (12 cây) tính cả chuyển lên xe, hoặc xuống ghe để chở đến nhà máy. Ảnh Nhật Huy.
Người dân địa phương đang tất bật đốn mía thuê cho biết, giá mía hiện tại được chủ ruộng mía thuê thu hoạch với giá 8 ngàn đồng/bó (12 cây) tính cả chuyển lên xe, hoặc xuống ghe để chở đến nhà máy. Ảnh Nhật Huy.
TPO - Giá mía rớt thảm hại, nhà máy chậm chi trả tiền, hàng trăm hộ dân đã đến UBND huyện Cù Lao Dung, thậm chí đến Cty Cổ phần mía đường Sóc Trăng để "kêu cứu".

Sáng 6/6, nhiều hộ dân trồng mía đến trụ sở UBND huyện Cù Lao Dung để "kêu cứu" về việc đã bán mía cho nhà máy hơn 3 tháng nay nhưng chưa được trả tiền khiến nợ nần chồng chất. Ông Phạm Văn Lạc (ngụ xã An Thạnh Tây) bức xúc nói: “Gia đình tôi đã bán khoảng 30 tấn mía cho tổ thu mua của Nhà máy đường Sóc Trăng gần 3 tháng nay nhưng nhà máy còn nợ tiền chưa trả, khiến tôi không tiền trả tiền nhân công, trả tiền thuê ghe".

Người trồng mía Sóc Trăng kêu cứu vì nhà máy 'chậm' tiền ảnh 1 Người dân đến trụ sở UBND huyện Cù Lao Dung “kêu cứu” vì bị Nhà máy đường Sóc Trăng nợ tiền mía.

Cũng theo lời ông Lạc, do nguồn lao động không có mà nhân công làm ngày nào thì đòi lấy tiền ngày đó không cho nợ nên người trồng mía lâm vào hoàn cảnh điêu đứng.

Còn ông Sơn Biển (ngụ xã An Thạnh 2) cũng bức xúc: “Gia đình chỉ có 4 công đất mía, vừa rồi bán được 80 triệu đồng nhưng 2 tháng nay nhà máy chưa trả tiền nên không biết xoay sở làm sao để sinh sống. Đất thu hoạch xong thì để trống. Chắc xong vụ này tôi chuyển sang trồng cây khác chứ không trồng mía”.

Ông Tô Thanh Xuân - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cù Lao Dung  cho biết, ngày 6/6 có khoảng 120 người dân đến trụ sở tiếp công dân của huyện để nhờ được giúp đỡ việc Nhà máy đường Sóc Trăng còn nợ tiền sau khi đã bán mía cho nhà máy. 

“Từ trước đến giờ, chưa năm nào người dân phải kéo nhau lên huyện nhờ đòi tiền mía như năm nay. Chúng tôi cũng báo cáo vụ việc về tỉnh để có hưởng giải quyết cho người dân" - ông Xuân nói. 

Cũng theo ông Xuân, những hộ dân trồng mía này không bán mía trực tiếp cho Nhà máy đường Sóc Trăng mà bán qua các thương lái. Sau khi thu gom, họ đưa về nhập cho các tổ của Nhà máy đường Sóc Trăng. 

Ông Lê Văn Hải, người chuyên thu hoạch mía tại huyện Cù Lao Dung cho biết, giá hiện tại được chủ ruộng thuê là 8 ngàn đồng/bó (12 cây) tính cả chuyển vận lên xe, hoặc xuống ghe để chở đến nhà máy. 

"Người làm thuê có thể nhận làm theo bó, theo tấn, hoặc tính theo diện tích chứ không nhận theo ngày công lao động nữa. Nhận theo ngày công thấp bây giờ không ai làm. Bình quân mỗi ngày tôi kiếm được chừng 500 ngàn đồng. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi có 3 người đi làm liên tục nên kiếm được kha khá tiền”, ông Hải nói.

Ông Trần Văn Thái (ngụ xã An Thạnh 2) cho biết, nguồn lao động tại địa phương khan hiếm nên xảy ra tình trạng nhân công nhân công “hét giá” liên tục: “Lúc đầu họ nhận mức giá 180 ngàn đồng/tấn mía, sau đó đòi 320 ngàn đồng/tấn mới chịu làm. Vì không có người, mưa nhiều sợ mía mất chữ đường nên dân chúng tôi cắn răng chấp nhận”, ông Thanh bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Đắc - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung thông tin, cây mía đang là cây chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, do giá mía thấp trong những năm gần đây và theo cơ cấu của địa phương nên năm 2018 toàn huyện trồng hơn 5.400ha. Dù đã giảm diện tích, nhưng năm nay, nông dân vẫn gặp khó khăn khi giá mía thấp, lại càng khó khăn thêm khi bị nợ tiền mía kéo dài. 

“Do khó khăn nên năm nay, khoảng 5.400ha quy hoạch trồng mía, thì người dân mới chỉ trồng khoảng 3.000ha và hơn 400ha đã chuyển qua trồng cây ăn trái, hơn 1.300ha đang bỏ hoang sau khi đã thu hoạch mía. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ đi làm công nhân ở ngoài tỉnh nhiều nên thiếu nguồn thu hoạch mía, dẫn đến tiền công đắt”, ông Đắc nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Hiểu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa qua người dân có đến UBND tỉnh “kêu cứu”, trước hết địa phương cũng chia sẻ với người dân về tình hình giá mía năm nay quá thấp. 

“Tôi cũng giao nhiệm vụ cho nhà máy phải trả trả tiền mía còn nợ của bà con. Hiện nay nhà máy bán đường về TP. HCM, tuy nhiên ở đây còn nợ nhà máy số tiền vài trăm tỉ. Đường tồn kho tại Nhà máy Sóc Trăng còn 20 ngàn tấn tương đương 400 tỉ đồng. Trong khi đó nhà máy còn nợ người dân khoảng 100 tỉ. Tôi đã chỉ đạo đồng thời phía nhà máy cũng cam kết sẽ trả dứt điểm cho bà con từ nay đến cuối tháng 7 để người dân trang trải chi phí”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiểu, sáng nay (7/6) phía nhà máy có làm thủ tục gửi đến UBND tỉnh nhờ xem xét cho nhà máy thế chấp số lượng đường tồn kho để vay ngân hàng số tiền khoảng 50 – 100 tỉ: “Tỉnh cũng thống nhất và sẽ ra văn bản yêu cầu ngân hàng hỗ trợ cho nhà máy vay để trả nợ cho bà con”, ông Hiểu nói.

MỚI - NÓNG