Nước Hà Nội không tiêu thoát vì... chưa có tiền

Theo lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội, việc thoát nước gặp khó do thiếu tiền đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ​
Theo lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội, việc thoát nước gặp khó do thiếu tiền đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ​
TP - Theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội, thành phố Hà Nội rất trăn trở với công tác thoát nước, tuy nhiên, đang gặp khó khăn vì… chưa có tiền.

Hệ thống chưa hoàn chỉnh

Trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội (12 quận) có diện tích khoảng trên 200km2. Tuy nhiên, mới chỉ đầu tư được khoảng 77km2 lưu vực sông Tô Lịch. “Thành phố cũng rất trăn trở nhưng chưa có tiền”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng phân tích, giải quyết thoát nước lưu vực sông Nhuệ phải có trạm bơm Liên Mạc với công suất 170 mét khối/giây… hay như quận Long Biên việc thoát nước vẫn hoàn toàn tự chảy qua sông Cầu Bây. “Đầu tư ở đây phải có 2 trạm bơm ở Cự Khối và Thượng Thanh mới đảm bảo được”, ông Hùng nói thêm.

Lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, dù thành phố đã đầu tư, duy tu, cải tạo, sửa chữa, giảm úng ngập trong nhiều năm qua, nhưng hiện vẫn còn 12 điểm úng ngập trong nội thành. Trong số này có 4 điểm cố hữu, đã đề xuất các giải pháp bằng bể nước ngầm. “Đây là các điểm tụ thủy, nước mưa dồn về rất nhiều. Để giải quyết chỉ có giải pháp xây hồ chứa ngầm. Như chỗ đường Nguyễn Khuyến, hiện quận Đống Đa đang xây bể ngầm, 3 tháng nữa sẽ hoàn thành.

Chỗ đường Cao Bá Quát cũng sẽ giải quyết được nếu dự án bể ngầm hoàn thành. Điểm Ngã 5 Đường Thành, Bát Đàn, Nhà Hỏa cũng đang chuẩn bị triển khai. Điểm đường Phan Bội Châu đang cùng với dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội phối hợp nâng cao tiết diện thoát nước…”, ông Hùng thông tin. Ông Hùng cũng cho biết, 8 điểm còn lại, khi các dự án làm xong, sẽ cơ bản giải quyết được úng ngập.

Theo lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội, do hệ thống thoát nước sông Tô Lịch đã hoàn chỉnh, nên đảm bảo giải quyết được lượng mưa 310mm/2 ngày. Các khu vực còn lại, nếu mưa 50mm/2h thì cơ bản không có úng ngập. Mưa 50 - 100mm/2h thì vẫn còn 12 điểm úng ngập. “Trường hợp mưa lớn hơn, vượt qua khung thiết kế thì phụ thuộc vào lượng mưa trên diện rộng và thời gian mưa. Như năm 2008, lượng mưa hơn 500mm thì toàn thành phố bị ngập”, ông Hùng nói.

Lại um sùm công nghệ làm sạch sông Tô Lịch

Liên quan đến công tác xử lý nước thải, đặc biệt là việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật của Cty Môi trường Việt Nhật (JVE), ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước đây, thành phố đã có yêu cầu đơn vị báo cáo rõ về kết quả thí nghiệm, văn bản pháp lý liên quan đến công nghệ xử lý nước thải… “Cho đến nay chúng tôi không nhận được phản hồi và Cty cũng không liên hệ. Chúng tôi hiểu là Cty đã từ bỏ”, ông Thắng nói.

Sau khi có thông tin này, phía JVE đã lên tiếng phản hồi. Đơn vị này cho biết, thông tin tài liệu liên quan mà các cơ quan của Hà Nội yêu cầu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập. JVE không có thẩm quyền thay thế phía đơn vị Nhật Bản để hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra

. “JVE chúng tôi chưa từng có phát ngôn hay có công văn nào nói rằng chúng tôi từ bỏ việc xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch và qua đây, chúng tôi khẳng định ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - không phải là “người phát ngôn” của JVE chúng tôi”, nội dung công văn của JVE khẳng định.

Bên cạnh đó, phía JVE cho biết thêm, hiện nay phía đơn vị Nhật Bản đang xây dựng phương án xử lý tổng thể kết hợp giữa cả việc thu gom nước thải bên ngoài bằng cống ngầm và giải pháp xử lý triệt để tận gốc ô nhiễm bên trong “cơ thể sống” của sông Tô Lịch. Từ đó, phía Nhật Bản sẽ báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu tham quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

MỚI - NÓNG