Ngày 27/12, UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông), tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang (thuộc xã Buôn Choah và xã Nam Đà, huyện Krông Nô).
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang. Ảnh: Trần Hồng Vân. |
Theo ban tổ chức, danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’lang phân bố ở độ cao khoảng 601 m so với mực nước biển. Nhìn từ xa, núi lửa Nâm B’Lang có hình thang cân và từ trên cao nhìn xuống có dạng hình phễu, khe thoát dòng rất đặc trưng.
Đây là núi lửa đã tạo ra hệ thống hang động có quy mô và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á. Có ít nhất 4 đợt phun trào chảy theo 4 hướng khác nhau (Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam, Đông Nam) và tạo ra 4 hệ thống hang động khác nhau.
Trong đó, hệ thống hang động phía Tây Bắc miệng núi lửa được phân bố xa miệng núi lửa nhất và có đặc điểm phân bố cũng như cơ chế hình thành tạo hang, cửa hang ở đây rất phong phú và đa dạng.
Núi lửa Nâm B'Lang. Ảnh: Trần Hồng Vân |
Núi lửa Nâm B’lang bao gồm hệ thống hang động nằm rải rác, phân bố xung quanh khu vực, có di cốt của người tiền sử với niên đại từ 6.500-7.000 năm, được đánh giá là một trong những núi lửa có hệ thống hang động dài độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Cùng với cảnh quan địa hình địa mạo, danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’Lang có thể trở thành bảo tàng địa chất ngoài trời về núi lửa, rất tốt cho việc nghiên cứu chuyên nghiệp lẫn thưởng ngoạn ngoài trời.
Ngoài ra, đây là nơi tập trung nhiều dân tộc anh em sinh sống, có bề dày văn hóa truyền thống phong phú.
Núi lửa Nâm B’Lang nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Hồng Vân. |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết Núi lửa Nâm B’Lang là danh lam thắng cảnh có giá trị đặc biệt, hiếm có, vừa mang vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa, vừa ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (địa chất, địa mạo...) tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông.
Đặc biệt, danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’Lang là mẫu khá điển hình cho núi lửa Việt Nam, nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Bà Hạnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các ngành có liên quan và UBND huyện Krông Nô xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích, danh thắng, di sản địa chất thật khoa học và hiệu quả, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.