Hà Nội tiên phong đồng ý chủ trương đề án triển khai 100 tuyến phố kiểu mẫu, xanh, sạch, đẹp và phong cách với phạm vi thực hiện tại các quận nội thành do một công ty truyền thông cầm trịch. Với cách áp dụng hình mẫu của "Tây" vào ta mà công ty này vẽ ra, sau hơn 2 năm, đề án gần như phá sản, các tuyến phố vẫn nguyên bản như vốn có.
Hai tuyến phố thí điểm kiểu mẫu là Lê Trọng Tấn và Đình Thôn được người dân cho là “không phù hợp” với biển hiệu đồng màu gây bất tiện, những chiếc cột sơn màu đỏ mọc san sát trên vỉa hè…nay đã được thay thế. Nó không làm mẫu cho một tuyến phố nào noi theo và cũng không làm cho Hà Nội đẹp lên trong mắt du khách.
Lúc ấy, thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều mô hình kiểu mẫu như xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tuyến đường, khu vườn, chợ kiểu mẫu… Thành công có nhưng thất bại cũng không ít. Điển hình là Trung tâm Thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế mà người dân quen gọi là “chợ dược Tô Hiến Thành”. Nơi này, được ví như hình mẫu hình lý tưởng khi xây dựng một hệ thống kinh doanh buôn bán thuốc, thiết bị y tế kiểu mẫu lớn nhất Việt Nam. Với quy mô gần 300 gian hàng, hơn 5.000 lượt người/ngày, diện tích 15 nghìn m2, định hướng phát triển thành trung tâm phân phối thuốc quốc gia. Hai năm trước, “chợ dược” này được thành phố công nhận là “Trung tâm chuyên kinh doanh kiểu mẫu”. Nhưng danh hiệu ấy vội vàng qua nhanh, bởi bản thân nó không thể bảo toàn được sứ mệnh của mình.
Bằng chứng là từ khi “cha đẻ” của trung tâm này buông tay (thuộc sở hữu của một tập đoàn không có kinh nghiệm quản lý về y tế), chợ dược này trở về với nguyên bản vốn có từ lúc sơ khai. Hình bóng “chợ bán sỉ dược phẩm” lại hiển hiện, bát nháo, nhếch nhác với xe cộ và thuốc men bày biện trước cửa hàng, lòng đường, thậm chí bán cả thuốc giả, thuốc không nguồn gốc và hết hạn dùng.
Không ai phủ nhận lợi ích của mô hình kiểu mẫu. Đường kiểu mẫu sẽ nhiều rác, nó có thể được dọn sạch bởi người lao công, nhưng thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, vì vậy dọn dẹp nó không dễ như dọn rác. Người quản lý “chợ dược” cũng vậy, họ chỉ biết thu tiền tháng của các gian hàng, tô son điểm phấn cho trung tâm sáng sủa nhưng lại không có chuyên môn, không có trách nhiệm quản lý giá thuốc để thuốc giả, thuốc nhái, không nguồn gốc trà trộn vào chợ. Công việc đó là của ngành y tế và quản lý thị trường, đặc biệt là ý thức, đạo đức kinh doanh của những người buôn bán trên sức khỏe người dân.