Nữ tiến sĩ hoá giải xung đột giữa người và voi

Anh Y Nguyên cắt tỉa vườn me thái
Anh Y Nguyên cắt tỉa vườn me thái
TPO - Trước thực trạng voi rừng liên tục kéo về phá hoa màu, đẩy cuộc xung đột voi –người lên mức gay gắt, nữ tiến sĩ trường Đại học Tây Nguyên tìm ra những giống cây trồng để giải quyết xung đột giữa người và voi.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cây cà ri (điều màu) xen cây tếch rộng gần 1 ha, anh Y Chuôn K’brông (buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết, khu vực này nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn nên voi rừng hay về. Voi về từng đàn từ 3-7 con, mỗi năm ghé 3-5 lần, cũng có năm tới 10 lần. Rẫy nhà anh thường trồng mì (sắn), bắp, lúa (toàn món khoái khẩu của voi) nên luôn đối mặt với nỗi lo mất mùa.

Nữ tiến sĩ hoá giải xung đột giữa người và voi ảnh 1

Voi rừng thường xuyên về khu vực xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Ảnh: Viết Thụ

Tháng 6/2018, anh bắt đầu trồng cây cà ri, tếch và khoai sọ theo mô hình “trồng cây voi không ưa thích” của Tiến sĩ (TS) Cao Thị Lý-giảng viên Khoa Nông lâm nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên).

“Đang lúc không biết trồng cây gì cho voi khỏi phá thì tôi được cô Lý hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cây cà ri, tếch…Từ khi chuyển đổi cây trồng đến nay, đàn voi có về nhưng không phá cây trồng của tôi nữa. Như đầu tháng 12/2020, đàn voi 5 con về 4 lần, chỉ phá cây sắn chứ không bén mảng tới vườn cà ri. Hiện, môn sọ, cà ri đã cho thu hoạch, còn cây tếch đã cao gần 2 mét. Tìm được cây trồng mà voi không phá tôi mừng lắm”, ông Y Chuôn bày tỏ.

Nữ tiến sĩ hoá giải xung đột giữa người và voi ảnh 2

Voi rừng phá rẫy sắn của người dân buôn Đrăng Phôk

Ngoài anh Y Chuôn, gia đình Y Nguyên Knul (buôn Đrăng Phôk) cũng mạnh dạn thử nghiệm mô hình trồng cây cà ri xen me thái, bước đầu cho hiệu quả. Anh Y Nguyên kể, từ đầu năm đến nay, đàn voi rừng ghé rẫy của anh 4 lần. “Trong lúc chờ cây me, cà ri lớn, mình có xen cây sắn vào. Đúng món khoái khẩu nên voi hay ghé. Tuy nhiên, đàn voi chỉ quật phá chòi, ăn cây sắn; còn cà ri hay me thái, voi không đụng đến”, anh Y Nguyên thông tin.

Nữ tiến sĩ hoá giải xung đột giữa người và voi ảnh 3

Vườn cây cà ri của ông Y Chuôn không bị voi rừng phá

Chia sẻ lý do nghiên cứu những cây trồng trong vùng voi hay xuất hiện, TS Lý tâm sự, tận thấy nỗi khổ của người dân. Ban ngày, họ chăm bón cây trồng, tối đến phải ngủ rừng để giữ nguồn sống. Mỗi lần voi xuất hiện, họ lại xua đuổi, càng ngày xung đột giữa voi- người càng gay gắt. Chính điều này đã thôi thúc Tiến sĩ Lý tìm những loại cây voi không ưa thích để trồng ở những khu vực hành lang voi di chuyển.

Nữ tiến sĩ hoá giải xung đột giữa người và voi ảnh 4

Đo dấu chân để xác định độ tuổi của voi

Gần 3 năm qua, Tiến sĩ Lý cùng các cộng sự xác định được 12 loài cây dài ngày và 10 loài cây ngắn ngày thuộc danh mục voi không ưa thích.

Tiến sĩ Lý cũng  thuyết phục 6 hộ dân có đất trong khu vực voi thường xuyên xuất hiện, trồng thử nghiệm 4 loại cây dài ngày (tếch, me thái, bưởi da xanh, táo xanh) xen với cây ngắn ngày (môn sọ, nghệ, cà ri…).

Nữ tiến sĩ hoá giải xung đột giữa người và voi ảnh 5

Người dân dùng đèn pin để xua đuổi voi rừng

Nhiều năm kiên trì, Tiến sĩ Lý đã đạt được kết quả khả quan. Voi rừng có xuất hiện và đột nhập các khu vực rẫy, nhưng không ăn và phá các loài cây trồng thử nghiệm. Tiến sĩ Lý cho biết thêm, quả cà ri có màu sắc bắt mắt nhưng hạt lại có mùi hương nên voi không thích; tương tự, lá cây me thái có vị cũng không phải là khẩu vị của voi; bưởi da xanh có nhiều tinh dầu rất khó chịu; còn táo xanh lại có gai nên voi không xâm phạm được.

Nữ tiến sĩ hoá giải xung đột giữa người và voi ảnh 6

Mô hình trồng cây cà ri xe tếch ngăn voi rừng

“Sắp tới, tôi tiếp tục nghiên cứu. Nếu mô hình được nhân rộng, sẽ giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn yên tâm canh tác trên diện tích rẫy hiện có của mình, trong khu vực có voi thường xuyên xuất hiện; vừa có thu nhập lại tránh được xung đột giữa voi và người”, Tiến sĩ Lý cho biết.

MỚI - NÓNG