Đổi mới trong tổ chức các hoạt động Đoàn
Là địa bàn có nhiều khó khăn với sự chia cắt của địa hình núi non hiểm trở, tuy nhiên, hoạt động Đoàn của thị trấn Thạch Giám nhiều năm qua luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đã đề ra. Thành công đó có một phần quan trọng đến từ nữ thủ lĩnh đoàn Lô Thị Lan.
Chị Lô Thị Lan tặng quà cho em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn |
Trong quá trình công tác, chị Lô Thị Lan đã có nhiều đổi mới trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động của Đoàn, đặc biệt là tư duy đổi mới hoạt động gây quỹ trong triển khai hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Cụ thể, để gây quỹ phòng, chống COVID-19 tại địa phương, chị Lan đã vận động các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tổ chức vẽ tranh 3D trên đá cuội để biến các hòn đá này trở thành vật dụng hữu ích như dùng làm quà tặng, trang trí phòng học, phòng làm việc, chèn tài liệu văn phòng, trang trí hay làm đồ chơi tại các trường học.
Chị Lan (ngoài cùng bên trái) tham gia đổ bê tông cho nhà dân. |
Sau khi hoàn thiện, các sản phẩm này đã được thị trường và nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra thu mua với số lượng lớn. Kết thúc chiến dịch, đoàn thanh niên thị trấn Thạch Giám đã thu về gần 30 triệu đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch của tuổi trẻ địa phương. Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình này đã được áp dụng đối với các chi đoàn trường học mầm non trong việc tạo không gian sân vui chơi, các hoạt động trải nghiệm, khám phá sáng tạo cho trẻ.
Mô hình cảnh báo đuối nước, tai nạn giao thông bằng lốp xe. |
Nữ Bí thư Đoàn còn đứng ra tổ chức thành công nhiều chương trình “Rửa xe gây quỹ” để thăm hỏi, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ; giúp đỡ người nghèo và đoàn viên, thanh niên gặp hoạn nạn; chương trình cắt tóc tri ân các thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam và thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và trao quà cho các thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên các khối bản; “bán nước mía gây quỹ” ủng hộ kinh phí cho thiếu nhi điều trị bệnh đạt con số lên tới hàng chục triệu đồng.
Công trình nguồn sáng xanh tri ân cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. |
Phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, chị Lan đã triển khai mô hình "Chợ số" tại chợ Hòa Bình và các hộ kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn thị trấn; tổ chức rà soát, thống kê các hộ kinh doanh chưa có số tài khoản ngân hàng, mở tài khoản hoặc có nhu cầu làm biển mã QR hoàn toàn miễn phí... Ngoài ra, xây dựng hệ thống dữ liệu, tổ chức ra mắt, bàn giao số hóa Nghĩa trang Liệt sĩ huyện.
Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Là nữ cán bộ Đoàn ở xã vùng sâu, vùng xa nhưng bằng nhiệt huyết, sức trẻ, khát khao được cống hiến, chị Lô Thị Lan luôn trăn trở làm thế nào để các hoạt động luôn gắn với những quyền lợi và lợi ích của đoàn viên thanh niên, lôi cuốn họ đến với tổ chức đoàn. Từ đó, chị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy được tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ tại địa phương; thay đổi được suy nghĩ của các đoàn viên thanh niên học tập, vươn lên phát triển kinh tế.
Triển khai mô hình "Chợ số", thanh toán không dùng tiền mặt |
“Là người dân tộc thiểu số, tôi hiểu được những khó khăn cũng như nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên địa phương. Vì thế, tôi luôn suy nghĩ, trăn trở để tìm cách phát huy sức trẻ, nhiệt huyết, để đoàn viên, thanh niên ra sức làm ăn sản xuất, xây dựng quê hương. Ngoài ra, cố gắng tổ chức nhiều sân chơi để thanh niên hòa nhập, giao lưu chia sẻ, có tinh thần tốt mới làm được nhiều việc”, chị Lan chia sẻ.
Theo chị Lan, trong mỗi dịp hè, trẻ em trên địa bàn thiếu sân chơi lành mạnh. Do đó, gần như năm nào, Đoàn xã cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ như: Thư viện cho trẻ, tổ chức dạy múa lăm vông, các trò chơi dân gian, hướng dẫn cách phòng chống đuối nước… Tất cả các hoạt động đều thu hút được đông đảo thanh thiếu nhi tham gia và được các bậc phụ huynh đánh giá cao.
Chị Lô Thị Lan (thứ 3 từ trái qua) tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. |
Đặc biệt, dịp hè 2023, chị Lan đã tham mưu, phối hợp với CLB Bảo tồn và Phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho các em nhỏ trên địa bàn.
Trong khoảng thời gian này, các nghệ nhân sẽ truyền dạy cho các em thành thạo những nhạc cụ mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc như sáo, pí, tùng tinh, xập xèng,... Từ đó, kịp thời phát hiện bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ, góp phần từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho đoàn viên thanh niên. |
“Lớp học nhạc cụ dân tộc là một trong những hoạt động ý nghĩa của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2023 của tuổi trẻ huyện nhà nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em thanh thiếu nhi trên địa bàn. Đồng thời, khơi nguồn cảm hứng, vun đắp đam mê về nhạc cụ dân tộc, tạo tiền đề đưa các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến với thế hệ trẻ”, chị Lan tâm sự.
Chị Lô Thị Lan nhận giải thưởng Lý Tự Trọng cấp T.Ư năm 2022 |
Sau những nỗ lực trong quá trình công tác, chị Lô Thị Lan được cấp ủy Đảng, Đoàn cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2022, chị vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng cấp T.Ư. Hai năm liền (2022, 2023), chị nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Trong 3 năm (2019, 2020, 2021), chị Lô Thị Lan nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Nghệ An vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chiến dịch tình nguyện mùa Hè xanh. Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Tương Dương vì đã có thành tích xuất sắc trong Công tác đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi nhân dịp kỷ niệm 90 năm Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Giấy khen của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An hai năm liền (2020, 2021) vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác Tổng Điều tra kinh tế.