Nữ sinh Việt tình nguyện trong vùng thảm họa

Nữ sinh Việt tình nguyện trong vùng thảm họa
TP - Nguyễn Thu Hồng, học viên thạc sĩ năm thứ nhất khoa Nông nghiệp ĐH Tokyo (Nhật Bản), là người Việt Nam duy nhất trong nhóm sinh viên tình nguyện đầu tiên đến thành phố Ishinomaki (tỉnh Miyagi), một trong những nơi đổ nát nhất sau thảm họa động đất sóng thần.

Nhật Bản:

Nữ sinh Việt tình nguyện trong vùng thảm họa

Sinh viên nhiều nước, trong đó có đông đảo bạn trẻ Việt Nam tại Nhật Bản, đăng ký làm tình nguyện. Hồng và bạn bè trong lớp nhận được thư của thầy giáo giới thiệu và ghi danh với Quỹ Nippon Foundation (NF). Hồng là người may mắn được tham gia đội tình nguyện do NF thành lập. Có nhiều đợt tình nguyện và nhóm của Hồng mở màn cho chiến dịch dọn bùn trong 5 ngày, từ 15 đến 19 - 4.

Nhóm của Hồng có 72 sinh viên, trong đó có 3 sinh viên nước ngoài đến từ Việt Nam, Canada và Mỹ. Tuy nhiên, sau một ngày lao động trong vùng thảm họa, sinh viên người Mỹ quay về Tokyo.

Nhóm sinh viên đảm nhận việc dọn bùn một số nơi công cộng như trường học và đền chùa. Thời gian làm việc liên tục từ tờ mờ sáng đến lúc tối mịt, không ai quan tâm đến thời gian bởi công việc quá bộn bề. Họ nghỉ khoảng 30 phút ăn trưa.

“Năm ngày làm tình nguyện là 5 ngày trái tim tôi như vỡ vụn bởi sự hoang tàn. Tôi đã từng rất hãi hùng khi xem cảnh đổ nát qua tivi, báo chí, nhưng dường như không thấm thía vào đâu khi được tận mắt chứng kiến”, Hồng chia sẻ.

Ngày đầu, Hồng và các bạn dọn sạch rác tại một trường cấp 2. Chiều hôm đó, nhóm của Hồng được đưa đến một trường cấp 1 gần bờ sông để dọn dẹp. Cả nhóm bàng hoàng khi biết tất cả học sinh của trường thiệt mạng, ngôi trường kiên cố giờ trơ lại bộ khung. Nhà cửa xung quanh khu vực bị tàn phá hoàn toàn và hầu như gia đình nào cũng mất ít nhất một người thân.

Hai ngày tiếp theo, nhóm của Hồng dọn dẹp tại một ngôi chùa gần bờ biển. Cả khu vực xung quanh không còn bất cứ khung nhà nào; tất cả vỡ vụn, ngoại trừ khung của ngôi chùa. Cảnh vật tối tăm và hoang tàn hơn rất nhiều so với những gì họ được thấy trong ngày đầu tiên. Sinh viên Nhật cho biết, ngôi chùa này đã được hai nhóm tình nguyện đến dọn trước. Nhóm đầu tiên thu dọn xác người, nhóm thứ hai dọn bùn nước, nhóm của Hồng tiếp tục dọn bùn ướt và rửa sạch các vật dụng còn sót lại. Phía sau chùa, các ngôi mộ ngã chồng lên nhau và bị lớp rác dày che kín. Nam sinh xúc bùn, nữ sinh quét dọn, lau chùi tất cả đồ dùng.

Tranh thủ giờ ăn trưa ngày thứ hai, Hồng cùng anh bạn Canada (2 sinh viên quốc tế duy nhất trong nhóm tình nguyện) đi lòng vòng. “Chúng tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau khi thấy một vài gia đình đào bới đống đổ nát tìm kiếm người thân”, Hồng kể. Do không có nhà vệ sinh nên nếu ai muốn đi vệ sinh có xe chở đi lúc 13h15. Họ được đưa đến một trường tiểu học với thời gian 10 phút để giải quyết. Sân trường dựng nhiều lều trại làm nơi ở tạm cho nạn nhân và đội ngũ y tế thay phiên nhau chăm sóc. Hồng không nói được tiếng Nhật nhiều nên cô chỉ cúi đầu chào. Có người chào đáp trả lại, có người lẳng lặng cúi đầu, ánh mắt trĩu buồn.

Hồng và người bạn Canada thường tranh thủ vừa ăn trưa vừa đi thăm các khu vực. Tất cả các nhà máy dọc bờ biển bị xoá sổ, có những con tàu nặng hàng ngàn tấn giờ nằm chỏng chơ trên bờ. Hầu hết công nhân không chạy thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Ngày cuối, nhóm Hồng được đi quanh thành phố Ishinomaki, thăm những nơi bị tàn phá nặng nề nhất. “Không thể không khóc khi hai bên đường giờ là đống đổ nát”, Hồng nói.

"Trở về Tokyo sau thời gian tình nguyện, tôi cảm giác cuộc sống ở thủ đô Nhật Bản quá xa xỉ và càng thương những người dân vùng thảm họa. Tôi tự vấn, họ sẽ bắt đầu từ đâu? Dù chuyến tình nguyện của tôi không dài, chưa làm được nhiều nhưng ít nhất chúng tôi đã đem lại cho nạn nhân vùng thảm họa chút tình cảm ấm áp, giúp họ vơi đi phần nào nỗi đau quá lớn mà họ phải gánh chịu."

Nguyễn Thu Hồng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.