Nữ sinh mê khám phá công nghệ

TP - Từ mục tiêu giản dị là có được công việc ổn định trong ngành dệt may, sau 4 năm học đại học đã thay đổi tư duy của nữ sinh viên Đào Thị Thủy Tiên, khiến cô theo đuổi con đường nghiên cứu công nghiệp dệt may thân thiện với môi trường.
Nữ sinh mê khám phá công nghệ ảnh 1
Thủy Tiên (ngoài cùng, bên phải) tham quan triển lãm quốc tế về thiết bị, công nghệ dệt ITMA Milan, Ý

Thủy Tiên hiện là sinh viên ngành Công nghệ dệt may thuộc bộ môn Kỹ thuật Dệt may của khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa- ĐHQG TPHCM. Tiên là một trong 20 nữ sinh viên tiêu biểu trên toàn quốc nhận Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023 do T.Ư Đoàn trao tặng.

Cú hích từ nghiên cứu đầu tay

Chia sẻ về lựa chọn ngành học của mình, Tiên cho biết, sinh ra trong gia đình thuần nông nên cô chỉ mong sau khi tốt nghiệp đại học tìm được một công việc ổn định và dệt may là một trong những ngành có nhu cầu lao động cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi học càng sâu hơn về ngành này, Thủy Tiên thấy hứng thú, vì kiến thức và ứng dụng không chỉ gói gọn trong ngành dệt may mà còn liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác như: y học, điện tử, hàng không vũ trụ, vải địa kỹ thuật…

Cuối năm thứ nhất bậc đại học, Tiên chủ động liên hệ thầy cô ở bộ môn Kỹ thuật Dệt may để tham gia hỗ trợ dự án nghiên cứu khoa học. Và nữ sinh đã được thầy cô tin tưởng cho tham gia vào dự án phi lợi nhuận đầu tiên về Đệm chức năng kháng khuẩn dành cho đối tượng là người già, trẻ nhỏ và người khuyết tật được tài trợ bởi quỹ học bổng Murata (Nhật Bản). Tiên may mắn được trải nghiệm toàn bộ quy trình từ thu mua nguyên liệu, hoá chất, tiến hành thí nghiệm, xử lý vật liệu, thiết kế và cuối cùng là mang sản phẩm thử nghiệm thực tế.

Chính dự án đầu tiên này đã thúc đẩy Thủy Tiên nghiên cứu sâu hơn về khía cạnh môi trường trong vật liệu dệt may. Toàn bộ các dự án mà cô tham gia về sau dưới vai trò đồng tác giả, gồm: 1 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Q2; 2 bài báo công bố trên tạp chí trong nước; 2 báo cáo khoa học đăng toàn văn trên kỷ yếu Hội thảo quốc gia đều liên quan đến vật liệu và thuốc nhuộm dệt may, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho ngành nghề vốn gây ô nhiễm thứ 2 thế giới này.

Trong đó, bài báo công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Q2 nhằm nghiên cứu về chất tạo màu tự nhiên chiết xuất từ lá C.odorata (cây Cỏ Lào), được sử dụng để nhuộm vải len... Nghiên cứu này tập trung vào phát triển và xây dựng quy trình chất tạo màu (thuốc nhuộm) có nguồn gốc sinh học tự nhiên bền vững cho quần áo chức năng hoặc các sản phẩm chức năng.

“Đóng góp của dự án là xây dựng được các quy trình công nghệ chiết tách dịch C. odorata, giúp mang lại hiệu quả tạo màu và bền màu cao như một thuốc nhuộm tự nhiên, thay thế cho các loại thuốc nhuộm hoá học khác. Điều này mang lại sự mới lạ và đổi mới trong sản xuất sản phẩm dệt may sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành dệt may”, Thủy Tiên cho biết.

Thủy Tiên cho biết, bản thân luôn ưu tiên việc học tập tại trường. Nghỉ hè là khoảng thời gian Tiên dành cho nghiên cứu khoa học, thực tập ngoài trường, tham gia các chương trình học bổng trao đổi tại nước ngoài, các hoạt động tình nguyện của Đoàn, Hội. “Mình rất hạn chế đi chơi hay ra ngoài vào buổi tối, vì đó là thời gian làm việc và học tập hiệu quả nhất”, Tiên chia sẻ.

Thay đổi tư duy

Những ý tưởng và hướng đi mới trong lĩnh vực vật liệu thân thiện với môi trường cho ngành dệt may đã mở ra nhiều cơ hội cho Thủy Tiên được tham gia các học bổng, chương trình giao lưu quốc tế. Trong đó, bài luận về công nghệ Hydroentanglement cho vải không dệt (công nghệ dùng tia nước để tạo liên kết giữ các xơ tạo màng vải không dệt- vải thường dùng trong lĩnh vực y tế, khăn ướt vệ sinh…) là 1 trong 3 bài luận xuất sắc nhất cuộc thi Italian Textile Technology Award.

Điểm mới của bài luận là Thủy Tiên đề xuất ý tưởng hướng phát triển cải tiến công nghệ màng lọc cho hệ thống thu hồi nước từ màng lọc thông thường (vải) sang màng lọc nanocellulose, vừa đạt hiệu quả lọc tốt vừa thân thiện với môi trường (vì màng lọc sau khi sử dụng có thể phân huỷ hoàn toàn).

Giải thưởng của cuộc thi đã mang đến cơ hội cho Thủy Tiên được tham gia chuyến đi 5 ngày do ACIMIT và Thương vụ Ý tổ chức tham quan Milan và triển lãm quốc tế về thiết bị, công nghệ dệt ITMA Milan. Cô được trải nghiệm trực tiếp với công nghệ tiên tiến do các công ty máy móc dệt may của Ý cung cấp.

Thủy Tiên còn được tham gia chương trình giao lưu văn hóa sinh viên kết hợp học tập cộng đồng năm 2022 tại Singapore, chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do Chính phủ Hoa Kỳ tổ chức.

Những bài nghiên cứu khoa học và các chương trình trao đổi, giao lưu quốc tế đã thay đổi tư duy của nữ sinh Đào Thị Thủy Tiên. Từ mục tiêu ban đầu học ngành dệt may để tìm “công việc ổn định”, Tiên dự định sau tốt nghiệp đại học sẽ tìm kiếm các cơ hội học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, để có nhiều cơ hội va chạm, tiếp cận nhiều hơn với khoa học chuyên sâu về ngành công nghệ dệt may thân thiện với môi trường.

MỚI - NÓNG