Diện tích chè cao cấp dùng để chế biến chè Ô long mà Cty Hà Linh liên kết sản xuất và nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân các xã Xuân Trường và Trạm Hành lên đến 200ha.
Ngay sau khi xảy ra sự cố ở Cty Hà Linh, mới đây Cty TNHH Fusheng (doanh nghiệp Đài Loan đóng tại xã Trạm Hành) ra thông báo sẽ ngừng việc thu mua nguyên liệu chè từ tháng 1/2016. Điều này khiến có thêm hàng chục hộ nông dân của hai xã trên điêu đứng. Lý do mà Fusheng đưa ra là không còn khả năng chi trả chi phí thu mua chè tươi cho hộ nông dân do lượng chè khô sản xuất vẫn còn tồn kho đến 60 tấn. Thời gian tới Fusheng sẽ phát triển sang lĩnh vực trồng, chăm sóc lan vũ nữ.
“Vốn trồng và chăm sóc chè cao cấp rất lớn. Trung bình cứ 2 tháng một lần phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để chăm bón 1ha chè. Loại chè này phải thu hoạch đúng ngày, đúng giờ, nếu chậm 5 ngày thì chè không còn giá trị. Chúng tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì sắp tới không biết bán chè tươi cho ai”, anh Cường (xã Trạm Hành), nói. Nhiều nông dân phản ánh Cty Hà Linh đang nợ tiền gối đầu mua chè của họ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm S. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) nói cũng vừa nghe phản ánh tình trạng này. Chủ doanh nghiệp Hà Linh bị nạn là việc ngoài ý muốn, nay lại thêm sự cố ở Cty Fusheng thì nông dân sẽ rất khó khăn. Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT xuống kiểm tra tình hình thu mua nguyên liệu chè cao cấp tại các xã Xuân Trường và Trạm Hành (thành phố Đà Lạt) và sớm đề xuất phương án xử lý.