Những dự cảm đau đớn đã có kể từ lúc bà rơi vào vô thức trên giường bệnh song sự ra đi của bà vẫn làm nhiều đồng đội, đồng chí thân thiết đau đớn, bàng hoàng. Ai cũng hy vọng người phụ nữ kiên cường ấy sẽ chống chọi và chiến thắng căn bệnh nan y, như đã bao lần đối mặt và chiến thắng quân thù.
Sáng 23/8, bầu trời TPHCM xám xịt, ướt sũng. Những cơn mưa chợt đến, chợt đi càng cho nỗi buồn về sự chia xa thêm lắng đọng, tê tái. Dòng người nối dài từ các ngả đường chầm chậm đổ về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp) để vĩnh biệt một người con ưu tú của dân tộc vừa đi xa.
Bên trong nhà tang lễ, hương khói trầm mặt. Khúc nhạc “hồn tử sỹ” tấu lên se sắt. Từng đoàn người lần lượt tiến vào thắp hương và đi qua linh cữu để nhìn bà lần cuối, trong đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ông dừng thật lâu bên linh cữu người đồng chí thân thiết, mắt đỏ hoe.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đến viếng từ rất sớm. Thủ tướng xúc động ghi trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Võ Thị Thắng, người đảng viên cộng sản kiên trung bất khuất - Nụ cười Võ Thị Thắng sống mãi với dân tộc Việt Nam. Xin chia buồn sâu sắc với gia quyến đồng chí Võ Thị Thắng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam, Vũ Văn Ninh, Phạm Bình Minh gửi vòng hoa đến viếng bà Võ Thị Thắng.
Trong sổ tang, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động ghi: “…Chị mất đi nhưng nụ cười chiến thắng sẽ còn mãi đối với thế hệ trẻ Việt Nam”.
Trong hồi ức của nhiều đồng đội, đồng chí thân thiết, nụ cười ấy của bà Thắng trường tồn với thời gian. Bà Chu Hà Lan, nguyên thư ký của bà Võ Thị Thắng kể lại: Ngày 2/8/1968, khi bị Tòa án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn kết án 20 năm tù, chị Thắng đã nở nụ cười và dõng dạc tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”. Nụ cười ấy đã làm chấn động cả thế giới và đi vào lịch sử vì đó là hình tượng tiêu biểu của khí phách người phụ nữ Việt Nam.
Bà Lan nói khoảng thời gian ngắn ngủi, thật khó kể hết những đức tính cao quý của người phụ nữ kiên cường ấy song là người gắn bó lâu năm với bà Thắng, trong ký ức của bà, bà Thắng là một người khiêm tốn, giản dị, dám nghĩ, dám làm, thẳng thắn, bộc trực và rất giàu tình cảm.
“Chị Thắng được Chủ tịch Cu Ba Phidel Castro nhận làm con nuôi, tên của chị còn được đặt cho hai trường học ở Cu Ba. Có lần sang thăm nước bạn, chứng kiến sự thiếu thốn của các thầy cô giáo và học sinh, chị ấy rút hết tiền dành dụm mang theo và vận động anh em trong đoàn quyên góp, ủng hộ”- bà Lan nhớ lại.
Những ngày cùng bà Thắng trải qua cuộc sống ngục tù đau thương chợt ùa về trong trí nhớ của bà Võ Thị Tâm (70 tuổi), anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bà Tâm nhớ lại: Ngày ấy Thắng đẹp lắm.
Trắng trẻo, mảnh dẻ, gương mặt rất có duyên. Hai chị em cùng ở nhà tù Côn Đảo, cùng đấu tranh, bảo bọc nhau. Bọn địch nhốt hai chị em trong “chuồng cọp” nằm cạnh nhau.
Trong tù, Thắng luôn nhường chỗ tốt hơn và chăm sóc những chị lớn tuổi. Thắng là người được cai ngục để mắt tới nhiều nhất. Có nhiều hôm, đang nửa đêm, chúng dựng hai chị em dậy đưa đi tra tấn. Thắng bị đòn nhiều hơn tôi. Chúng tuyên bố: lúc xử án, mày ngạo mạn lắm. Vô nhà tù coi có cười được không.
Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng Thắng chưa bao giờ đầu hàng. Tài liệu chuyển vào tù bị lộ, bị địch đánh mấy, Thắng vẫn cắn răng chịu đựng, nhất quyết không khai. Nhiều hôm, cô bị đưa về lại chuồng cọp, cả người loang đầy máu, bầm dập, thương tích khắp người. Ai cũng nghĩ Thắng không qua khỏi. Vậy mà Thắng vẫn sống và chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất.
Giọng bà Tâm nghẹn lại: Gần một tháng trước, tôi nghe bạn bè báo tin Thắng hôn mê trong bệnh viện. Di chứng của những trận đòn tra khảo thường xuyên hành hạ khiến sức khỏe của bà ngày càng yếu dần. Tôi vẫn hy vọng Thắng sẽ vượt qua như những ngày khắc nghiệt trong tù. Vậy mà, … Nghe bên Quân khu 7 báo bà ra đi, đến giờ tôi vẫn chưa tin đó là sự thật.
Nhớ về bà Thắng khi còn giữ chức tư lệnh ngành du lịch, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Hoa Lệ, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty du lịch Hòa Bình kể: Có nhiều thời điểm ngành du lịch gặp rất khó khăn nhưng chị ấy đã lèo lái con thuyền qua sóng dữ nhờ tinh thần trách nhiệm rất cao và luôn kiên trì bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải.?
“Nụ cười của chị không chỉ là nụ cười chiến thắng trong chiến tranh mà cả trong thời bình. Thật không thể nào quên những gì chị đã làm được cho ngành du lịch nước nhà và cả những lần chị bảo vệ bình đẳng giới để giành quyền lợi cho chị em phụ nữ”.
Trong lễ tang, nhiều người đã chùi vội dòng nước mắt và đọc lại những câu thơ đề tặng rất xúc động của Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri: Kể chi hai chục năm tù/Ngày xuân phơi phới hẹn hò núi sông/Mặt em như tỏa ánh hồng/Miệng em như tận đáy lòng nở hoa
Tính đến cuối giờ chiều, đã có khoảng ba trăm đoàn đại biểu đến viếng “nụ cười chiến thắng”, vĩnh biệt một tượng đài anh hùng của lịch sử Việt Nam.
Võ Thị Thắng sinh năm 1945 quê ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An), tham gia cách mạng lúc mới lên 9 tuổi. Tháng 7/1968, Võ Thị Thắng được giao nhiệm vụ ám sát một tên mật vụ chỉ điểm và bị địch bắt, đày ra Côn Đảo với án tù 20 năm.
Năm 1974, bà được trả tự do theo hiệp định Paris. Sau 1975, bà tham gia công tác đoàn thanh niên tại Thành Đoàn TPHCM rồi chuyển về Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM, sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bà là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Khoá VIII và Khóa IX; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và XI, rồi Tổng cục trưởng Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Bà mất ngày 22/8 tại TPHCM.
Bà Võ Thị Thắng ngày được trao trả. Ảnh: Tư liệuVõ Thị Thắng, tôi cảm phục bà!
Hay tin bà qua đời, tôi-một người đơn thuần có quan tâm tới lịch sử dân tộc-không khỏi cảm thấy bùi ngùi, tiếc nuối. Với thế hệ chúng tôi, Võ Thị Thắng-tên bà là biểu tượng của tinh thần dũng cảm, tượng trưng cho một lối sống đẹp, của một thế hệ cũng rất đẹp: thế hệ thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ…Khi ngồi viết những dòng này, tôi tự hỏi ở tuổi hai mươi người ta thường nghĩ gì và làm gì? Không ít người vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm lối vào đời. Tệ hơn, nhiều người chạy theo lối sống thực dụng, ích kỷ; không ít suy nghĩ, việc làm của họ đang còn khiến gia đình, xã hội lo lắng…
Bà, rộng hơn là thế hệ bà lại khác. Mới ở tuổi hai mươi đã xác định được cho mình lý tưởng sống rõ ràng: chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc. Vì lý tưởng ấy, thế hệ bà, có những người mới 15, 16 tuổi đã sẵn sàng rời gia đình, rời ánh sáng đô thành để ra chiến khu, vào bưng biền hoạt động cách mạng. Như trường hợp của bà là đã sớm tham gia phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn.
Nhưng, nếu chỉ có vậy, hôm nay chúng tôi đã không có một cái tên Võ Thị Thắng để tưởng nhớ. Như đã biết, trong một lần thực thi nhiệm vụ tiêu diệt một tên ác ôn, bà bị bắt, bị chế độ cũ kết án 20 năm tù khổ sai. Bà, khi ấy mới 23 tuổi-trở thành biểu tượng của tinh thần tuổi trẻ dũng cảm khi ngay giữa phiên tòa, đối diện với họng súng, lưỡi lê đã bình thản đón nhận bản án bằng một nụ cười.
Cùng với đó là lời tuyên bố không thể dõng dạc, đanh thép hơn: “Liệu chế độ của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”. Phải tin vào sức mạnh của chính nghĩa, tin vào lý tưởng cao đẹp mình đã chọn, đã dấn thân đến thế nào, Võ Thị Thắng, rộng hơn là thế hệ bà mới có được nụ cười rạng rỡ ấy, khí phách ấy ngay khi phải đối diện với ngục tù, khổ sai. Tuyệt vời thay, niềm tin ấy, câu nói ấy của bà sau này đã được lịch sử chứng minh…
Cảm ơn phóng viên người Nhật nào đó cách nay mấy chục năm đã ghi lại được hình ảnh “Nụ cười chiến thắng”, để thế hệ sau như chúng tôi biết được thế hệ đi trước mình đã sống, chiến đấu kiên cường, quả cảm như vậy, để rồi có lúc tự vấn mình đã chẳng “sống đẹp” được như bà, như thế hệ của bà. Võ Thị Thắng, tôi cảm phục bà, cảm phục một thế hệ! Chúc bà yên giấc
ngàn thu!Trần Duy Hưng