Live Science đưa tin, người phụ nữ 50 tuổi vốn là chuyên gia y học phương Đông đã dùng bạch anh để chữa bệnh mất ngủ. Một đêm bà đi xuống nhà vì không ngủ được. Lát sau chồng bà nghe tiếng động lạ nên chạy ra và thấy vợ đang cười khúc khích một mình. Bà hành động như một người say dù không bao giờ đụng đến rượu.
Người phụ nữ được chồng dìu lên giường. Chỉ một lúc sau, bà lại đi ra ngoài và bị ngã. Bà tiếp tục ở trong trạng thái mộng mị khiến người chồng phải gọi cấp cứu. Bệnh nhân được bác sĩ xác định bị ngộ độc cây bạch anh. Nhờ được cứu chữa kịp thời, bà đã qua cơn nguy kịch và dần phục hồi.
Trao đổi với bác sĩ, người phụ nữ nói đã mua thuốc trị mất ngủ chiết xuất từ cây bạch anh trên mạng. Vào đêm xảy ra vụ việc, bà đã uống thuốc từ lọ. Bác sĩ xác định bệnh nhân đã uống 50 ml thuốc chứa 15 mg chất atropine là thành phần của cây bạch anh. Lượng atropine như vậy được xem là rất cao, khiến tim bà đập nhanh, da mẩn đỏ, hệ thần kinh bị tổn hại dẫn đến mất tỉnh táo, mê man.
"Tôi thường nói với bệnh nhân rằng mọi thứ từ tự nhiên đều an toàn, nhưng trên thực tế điều này không hề chắc chắn", bác sĩ Andrew Chadwick ở Bệnh viện Oxford đang điều trị cho nữ bệnh nhân chia sẻ. "Có rất nhiều chất độc tự nhiên và mọi người cần phải hiểu rõ về các loại thảo dược mình đang sử dụng".
Cây bạch anh (atropa belladonna) nếu được sử dụng với liều lượng hợp lý có khả năng trị một số bệnh như hen, cảm cúm, đau khớp... Tuy vậy, loài cây này tiềm ẩn những hậu quả khôn lường khi người dùng không cẩn thận. Hiện các nhà khoa học chưa biết chính xác bao nhiêu atropine sẽ gây tử vong ở người lớn, song từ 10 đến 20 mg đã đủ để tàn phá sức khỏe. Trẻ em dùng dưới 10 mg sẽ nguy hiểm đến tính mạng.