'Nữ chính' duy nhất trong bộ tứ vừa được bầu vào HĐQT Vinagame là ai?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đó là bà Christina Gaw - điều hành chính của quỹ Gaw Capital Partners từ năm 2008. Bà Gaw cũng là Giám đốc điều hành của Pioneer Global Group từ năm 2014... Bà từng được Forbes vinh danh vào Top 25 nữ doanh nhân mới nổi của châu Á vào năm 2008.

Công ty CP VNG (Vinagame) vừa công bố nghị quyết đại hội cổ đông bất thường 2022. Đáng chú ý, công ty đã thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên hội đồng quản trị, đồng thời tiến hành bổ sung thay thế cho nhiệm kỳ 2022-2025.

Cụ thể, 3 thành viên Hội đồng quản trị được thông qua miễn nhiệm là ông Bryan Fredric Pelz, bà Byun Jung Won và ông Vũ Việt Sơn.

Hội đồng quản trị Vinagame cũng tiến hành bầu bổ sung 4 thành viên là bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, ông Võ Sỹ Nhân và ông Nguyễn Lê Quốc Anh. Cả 4 cá nhân này đều giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Vinagame trong nhiệm kỳ 2022 - 2025.

'Nữ chính' duy nhất trong bộ tứ vừa được bầu vào HĐQT Vinagame là ai? ảnh 1

Bà Christina Gaw.

Trong đó, bà Christina Gaw đang là điều hành chính của quỹ Gaw Capital Partners từ năm 2008. Bà Gaw cũng là Giám đốc điều hành của Pioneer Global Group từ năm 2014 và là Giám đốc không điều hành độc lập của CLP Holdings - một công ty niêm yết tại Hồng Kông. Bà từng được Forbes vinh danh vào Top 25 nữ doanh nhân mới nổi của châu Á vào năm 2008.

Ông Edphawin Jetirawat hiện là Giám đốc điều hành của Temasek tại khu vực Đông Nam Á. Trước khi vào Temasek, ông từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Lombard Investment.

Ông Võ Sỹ Nhân là đồng sáng lập quỹ Gaw NP Capital, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tiến Phước. Trong đó, Gaw NP Capital là một liên doanh giữa Gaw Capital Partners và NP Capital Partners. Đáng chú ý, ông Nhân cũng đang là Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương - chủ đầu tư khu phức hợp tòa tháp quan sát 88 tầng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, tên thương mại là Empire City).

Hồi đầu năm, ông Nhân từng ký văn bản gửi Chủ tịch UBND TPHCM, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM kêu cứu vì thủ tục hành chính quá chậm và việc không được cấp sổ đỏ cho các khu đất đã mua.

'Nữ chính' duy nhất trong bộ tứ vừa được bầu vào HĐQT Vinagame là ai? ảnh 2

Ông Võ Sỹ Nhân

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh từng là Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Techcombank. Ông Quốc Anh cũng từng giữ các vị trí quan trọng tại T-Mobile US, Fortress Investment Group.

Trong quý III/2022, VNG đạt doanh thu gần 2.100 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 1%, còn hơn 1.150 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản chi phí đều tăng mạnh, trong đó chi phí bán hàng tăng 12%, lên gần 715 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30%, lên 380 tỷ đồng. Công ty lỗ gần 28 tỷ đồng từ liên doanh, liên kết (cùng kỳ lỗ 10 tỷ đồng) và khoản lỗ khác hơn 26 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 21 tỷ đồng). Kết quả, VNG lỗ ròng gần 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 15 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của VNG đạt hơn 5.760 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty lỗ ròng hơn 419 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 529 tỷ đồng). So với kế hoạch đặt ra tại đại hội cổ đông 2022, VNG mới thực hiện được 56% mục tiêu doanh thu, nhưng đã lỗ thêm 108 tỷ đồng so với kế hoạch năm (lỗ ròng 311 tỷ đồng).

'Nữ chính' duy nhất trong bộ tứ vừa được bầu vào HĐQT Vinagame là ai? ảnh 3

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Đến thời điểm 30/9/2022, VNG đã đầu tư vào Công ty CP Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay) hơn 2.560 tỷ đồng, tăng 680 tỷ đồng so với đầu năm nhưng không thay đổi so với ngày 30/6. VNG đã trích lập thêm 214 tỷ đồng vào đơn vị này (cuối quý II/2022, tổng trích lập gần 2.060 tỷ đồng).

Tổng tài sản của VNG tại thời điểm ngày 30/9 đạt gần 9.200 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn giảm hơn 2.000 tỷ đồng, còn hơn 5.100 tỷ đồng, chủ yếu vì khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh còn 837 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn còn 1.340 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng 12%, lên 2.670 tỷ đồng. Nợ dài hạn tăng lên 939 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Tiền vào chứng khoán giảm sâu
Tiền vào chứng khoán giảm sâu
TPO - VN-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều 4/10, lao dốc về vùng 1.270 điểm. Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sau khi để hụt mốc đỉnh cũ 1.300 điểm, chỉ số chính đã bước sang phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm. Thanh khoản cũng ảm đạm, số tài khoản chứng khoán mở mới đột ngột giảm sâu.