Thích đùa với lửa từ bé
Sinh ra trong một gia đình có ba và ông nội là nghệ sĩ cải lương nhưng từ bé, Mỹ Kim lại có đam mê với... lửa. Cô bé luôn mang theo hộp quẹt trong người để có thể nghịch lửa bất cứ lúc nào.
Lúc 10 tuổi, trong một lần đi theo đoàn ca nhạc của ba, thấy Mỹ Kim nghịch lửa, một người trong đoàn hỏi "Có thích múa lửa không?". Cô bé nhanh chóng gật đầu đồng ý. Và đều đặn, mỗi năm đến hè, cô lại gác bút sách sang một bên để học nghề múa lửa.
"Lúc mới tập, tôi sợ bị bỏng nhưng điều ấy là không thể tránh khỏi. Tập dần rồi quen, không còn sợ nóng, sợ bỏng. Hồi đó, có vài người cũng học như tôi nhưng họ bỏ dở. Tuy nhiên, lúc đầu tôi không xác định đây sẽ là nghề nghiệp mà chỉ là thỏa mãn sở thích", Mỹ Kim chia sẻ.
Mỹ Kim theo nghề múa lửa từ năm 15 tuổi.
Vì thế, mãi đến năm 15 tuổi, cô mới mạnh dạn bước lên sân khấu biểu diễn. Từ đó, cô theo nghiệp này.
Vì công việc đòi hỏi Mỹ Kim phải đi diễn thường xuyên ở Sài Gòn, các tỉnh miền Tây nên gia đình quyết định dọn nhà từ Phú Yên vào Bình Dương để thuận tiện cho cô con gái duy nhất trong nhà. Ba mẹ cũng chấp nhận cho cô chuyển sang học bổ túc để có thời gian đi diễn.
Mỹ Kim nhớ lại: "Lúc mới vào nghề rất gian truân, tôi không có show diễn đều đặn. Nếu có thì thù lao cũng thấp, chỉ đủ trang trải đi lại, trang phục nên tôi phải sống dựa vào gia đình. Tuy nhiên, ba mẹ không cấm cản mà luôn động viên mình gắng sức với nghề". Sau khoảng 3 năm theo nghề, cô bắt đầu có công việc ổn định, các show diễn đến đều đặn hơn.
Lỳ với lửa
Theo Mỹ Kim, hiện nay có khá nhiều cô gái theo nghề múa lửa nhưng có tên tuổi chỉ dừng lại ở vài người. "Những người có tiếng thì chắc chắn phải rất lỳ khi chơi với lửa", Mỹ Kim nhận định. Những chiêu biểu diễn chính thường là hơ lửa trên tay, thoa lửa lên người, phun lửa và khó nhất là động tác nuốt lửa. Và khi ấy cần phải có độ lì để chịu đựng sức nóng từ lửa đang quẩn quanh mình.
Công việc múa lửa đòi hỏi phải có độ lì cao.
Chẳng hạn như ở động tác nuốt lửa, thông thường người biểu diễn chỉ ngậm lửa khoảng 10 giây. Nhưng nếu khách thích thú thì bắt buộc phải diễn lâu hơn, kéo dài lên đến 30 giây. Những người múa lửa cũng sợ nhất khi phải biểu diễn ngoài trời, vì gió thổi sẽ làm lửa dễ bén lên người.
Mỹ Kim cho biết: "Có nhiều người không tin, nghĩ rằng mình thoa kem chống bỏng hoặc làm lửa... giả. Có người thì tưởng mình bị chai, không biết cảm giác nóng. Tuy nhiên ai gần lửa mà không nóng, chủ yếu là sức chịu đựng tới đâu thôi".
Ngoài độ lì, để có thể thành công với công việc này, đòi hỏi các cô gái phải có ngoại hình cùng nét mặt "sáng" trên sân khấu. Mỹ Kim may mắn sở hữu vóc dáng cân đối (cô cao 1m69) cùng khả năng làm chủ sân khấu được thừa hưởng từ truyền thống gia đình.
Một yếu tố nữa là phải chịu khó trau dồi kỹ năng biểu diễn để có thêm nhiều tiết mục mới hợp với thị hiếu. "Ví dụ như khách thích nhạc Ấn Độ thì tôi phải múa sao cho hợp với thể loại nhạc đó. Có khi tôi múa điệu Michael Jackson hay nhạc dance...", cô chia sẻ.
Đánh đổi nhiều
Sau 5 năm theo nghề, Mỹ Kim đã có một công việc đều đặn. Mỗi tháng cô nhận khoảng 30 show diễn, với mức cát sê từ vài trăm đến vài triệu đồng. Mỹ Kim cho biết, mức thu nhập ổn định, được bao nhiêu cô đều đưa hết cho gia đình. Tuy nhiên, để sống được với nghề, Mỹ Kim cũng như nhiều cô gái múa lửa khác phải đánh đổi nhiều thứ.
Đầu tiên là việc học hành không đến nơi đến chốn. Sân khấu múa lửa thường là các quán cà phê, quán bar... nên phải đến rạng sáng cô mới về tới nhà. Nhà ở tận Bình Dương nên mỗi khi có show diễn ở Sài Gòn, anh trai lại chở cô trên chiếc xe máy. "Tôi thường đi tỉnh diễn nên hay phải xa nhà. Tháng nào tôi ở nhà nhiều nhất cũng chỉ 5 ngày", cô gái 9X cho biết.
Mỹ Kim từng bị tai nạn nặng khi thực hiện động tác nuốt lửa.
Để theo múa lửa, chuyện bị bỏng diễn ra như cơm bữa với Mỹ Kim. Trên người cô, vẫn còn những vết sẹo do lửa để lại. Hồi mới vào nghề, hầu như lần nào diễn cô cũng đều bị bỏng.
Mỹ Kim kể: "Giờ thì mình ít bị bỏng hơn, thường thì diễn 10 lần thì chỉ 3 lần bị. Lần mình bị nặng nhất là khi nuốt lửa quá lâu, bị bỏng rát cổ họng và hơn 1 tuần chỉ ăn được cháo, uống sữa". Ngoài bị bỏng, chuyện chị cháy xém tóc, lông mày là điều hiển nhiên.
Để hạn chế lửa bén vào người, các cô gái bắt buộc phải mặc trang phục ngắn. Chính vì thế nên họ dễ bị gắn mắc con gái hư hỏng. Ngoài ra, khi biểu diễn trên sân khấu, dù đang gặp chuyện buồn, dù lửa rất nóng nhưng nụ cười luôn phải thường trực trên môi.
Có lần, Mỹ Kim quỳ xuống sân khấu thực hiện động tác múa nhưng không may quỳ phải đinh. Máu chảy trên đầu gối nhưng cô vẫn cố gắng giữ nét tươi tỉnh thực hiện hết bài diễn của mình.
Hình ảnh giản dị, đời thường của Mỹ Kim.
Bên cạnh đó là những cạm bẫy dễ gặp phải khi bị khách lợi dụng. Mỹ Kim thường xuyên bị khách gạ đi chơi qua đêm. "Những lúc đó, tôi phải tinh tế và khéo léo từ chối", cô nói.
Theo những người trong nghề, dù nguy hiểm nhưng tuổi thọ của nghề múa lửa thường chỉ kéo dài 30 tuổi thì phải nhường sân lại cho những cô trẻ đẹp hơn. Và khi ấy, họ còn chịu hậu quả về sau như răng giòn đi, mắc các bệnh về phổi, bị sạm da, do tiếp xúc thường xuyên với xăng dầu, khói lửa.
Chia sẻ về nghề nghiệp, Mỹ Kim nói: "Điều may mắn của tôi là gia đình không những không cấm mà còn luôn động viên mình cố gắng. Mình không biết đền chừng chục năm nữa có còn theo nghề được nữa không nhưng bản thân cảm thấy rất gắn bó với nghề dù nhiều nguy hiểm. Nếu giải nghệ rồi, thì sẽ mở tiệm làm tóc vì đó cũng là sở trường của mình".