Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng. |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bởi mê cải lương hơn nhạc mới nên 18 tuổi Bạch Diện đã nhập Đoàn cải lương Kim Phụng, nhanh chóng trở thành “con cưng” của đoàn. Sau 10 năm gắn bó với Kim Phụng, ông trở về Nhà hát Cải lương T.Ư và gắn bó trọn nghiệp.
Giọng hát tốt, hình thể bắt sân khấu, nên Bạch Diện mau chóng trở thành “sao” của Nhà hát với những vở diễn được công chúng đón nhận: Bến cũ Hương Sơn, Truyền thuyết tình yêu, đặc biệt ghi dấu ấn với vai thiếu tá Trương Tài Ba trong vở Hương Tràm. Năm 1993, ông được phong tặng danh hiệu NSUT.
Từ đây, bên cạnh vai trò diễn viên Bạch Diện còn tham gia lĩnh vực mới, chuyển thể kịch bản cải lương. Trong sự nghiệp của mình, ông đã chuyển thể khoảng trên 20 vở cải lương: Cây đàn huyền thoại, Đừng đùa giỡn với tình yêu, Lên tiên, Hoàn lương….
Hỏi ông được gì sau 43 năm chung thủy với nghệ thuật cải lương. Nghệ sỹ già cười vô tư: “Thời chúng tôi được danh, chứ không được lợi”. Ông vẫn còn vẹn nguyên cảm giác hạnh phúc mỗi lần nhớ đến cảnh khán giả trả lại vé cho Nhà hát khi vở diễn không có tên Bạch Diện. Tự hào vì từng được dạy dỗ bởi những “cây đa, cây đề” của sân khấu cải lương như Ngọc Dư, Lệ Thanh, Khánh Hợi, Ba Du, Chi Lăng…
Ông chỉ tiếc chưa từng được đem giọng ca của mình phục vụ bà con kiều bào. Cả đời làm nghệ thuật Bạch Diện chưa một lần xuất ngoại, nói đến chuyện ngôi sao bây giờ ra nước ngoài như “đi chợ”, ông chỉ gật gù: “Diễn viên bây giờ sướng ghê”.
Bạch Diện trong một bộ phim. |
Quen với sự một mình
Chẳng biết điệu buồn của cải lương có ám ảnh cuộc đời người nghệ sỹ hay không, nhìn cảnh sống của Bạch Diện, người ngoài không khỏi ái ngại khi ông đã bước vào tuổi 70. Nhiều năm nay Bạch Diện đón tết một mình trong ngôi nhà chật hẹp toen hoen vài mét vuông. Không có chỗ cho đào, quất, không rườm rà bánh kẹo… nơi nghệ sỹ tiếp khách cũng là nơi ông nằm ngủ, nơi ông đọc sách, nghe nhạc và hát giải sầu.
Trong không gian bé xíu ấy, người ta vẫn thấy bóng dáng quá khứ oai hùng của chủ nhân, khắp nơi treo ảnh ông với những vai diễn lộng lẫy một thời. Bạch Diện trải lòng: “Đã quen với sự một mình”. Ông không có ý định làm cho cuộc sống của mình ấm cúng thêm. Buồn thì hát, gặp gỡ bạn bè nói chuyện nghề nghiệp, văn chương, tìm được kịch bản hay lại đóng phim, chiều chiều ra quán nước trà đầu ngõ, vừa uống nước, gặp gỡ bà con, vừa ngắm dòng người lại qua…
“Từ lâu, tôi đã học được cách cho qua chuyện buồn. Cái gì buồn bã thì tôi gạt ra một bên, tìm cái khác bù đắp lại”. Cũng may, ở tuổi này ông vẫn còn yêu và được yêu. Những khi ông nằm viện đau yếu vẫn có bàn tay người đàn bà chăm sóc. Ông gọi người thương của mình một cách trìu mến: Cô hàng xóm của tôi. Gắn bó nhiều năm, nhưng nghệ sỹ vẫn không muốn “góp gạo thổi cơm chung”: “Tôi không muốn gắn bó với ai theo kiểu vợ chồng nữa. Tôi sợ phiền người ta, sợ làm khổ người ta. Cảm giác của đổ vỡ trước đây khiến tôi giống như con chim trúng tên luôn sợ cành cong”.
Bạch Diện kể, ông từng có một mái ấm hạnh phúc, từng tự hào về người vợ cùng nghề, vốn là học trò được ông dìu dắt. Một ngày kia cô bỏ cải lương, không cam chịu cái nghèo, theo người đàn ông khác cùng với giấc mơ giàu sang…Với Bạch Diện đó là “cú sốc” không dễ dàng quên. Cải lương đã cho ông những phút thăng hoa trên sân khấu nhưng cũng bắt ông phải trả giá bằng những mất mát trong đời sống riêng tư.
An ủi ngọt ngào từ nghề tay trái
Từ năm 2000, Bạch Diện tham gia đóng phim truyền hình. Người phát hiện ra ông chính là đạo diễn Quốc Trọng và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Đạo diễn Quốc Trọng đã “chấm” Bạch Diện từ thời ông còn trẻ khỏe, vào vai thiếu tá nguỵ Bảy Hổ trong phim Đôi dòng sữa mẹ. Khi làm phim Mùa lá rụng, Quốc Trọng đã mời Bạch Diện vào vai Đông, chồng của người đàn bà đẹp, nông nổi tên Lý (Thanh Quý đóng).
Ông đã gắn bó với cải lương 43 năm, từng được coi là hiện tượng của cải lương đất Bắc một thời. Người diễn viên đa tài ấy đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, sống một mình trong ngôi nhà chỉ vài mét vuông. |
Vai diễn thành công đã giúp ông được nhiều đạo diễn nổi tiếng để ý. Khán giả tiếp tục gặp NSƯT Bạch Diện trong nhiều bộ phim truyền hình ăn khách: Ma làng, Ngõ lỗ thủng, Bí thư tỉnh ủy… Ông đóng phim không phải để tìm lại vầng hào quang đã mất: “Về hưu rồi, tôi không cần danh nữa, ngần này tuổi mà vẫn còn được làm nghề, được tổ nghề cho ăn lộc thì hạnh phúc nào bằng”.
Riêng chuyện cát xê nghệ sỹ thẳng thắn: “Có thì vui thêm, không có thì thôi, cái chính là được gắn bó với anh em nghệ sỹ, sống với nghệ thuật”. Không bao giờ ông mặc cả, làm giá với vai diễn. Bạch Diện chỉ khó tính trong chất lượng kịch bản. Vai Đông trong Mùa lá rụng đã chinh phục những người làm phim Sài Gòn. Họ mời ông tham gia phim Ngọn nến hoàng cung.
Cảm động trước thịnh tình của những đồng nghiệp phương Nam đã lặn lội ra Bắc tìm ông, xong ông vẫn ra điều kiện: “Cho tôi xem kịch bản, tôi muốn biết tôi đóng vai gì”. Vài hôm sau ông nhận được một bưu kiện khoảng 10kg, mở ra là kịch bản Ngọn nến hoàng cung. Đọc xong kịch bản, ông đã nhận lời vào vai vị quan bất bình thời thế lui về ở ẩn, dạy học. Bạch Diện không chê những vai nhỏ.
Trong Ngõ lỗ thủng ông chỉ sắm vai ông bán vé số. Lý do ông nhận vai này, phần vì nể bạn, đạo diễn Quốc Trọng, nhưng cái chính là khoái một lời thoại của vai diễn: “Chính những kẻ ta tin, chúng nó là những người lừa ta đấy”. Ông cười thích thú: “Lời thoại quá hay”.
Không gắn bó sâu sắc như cải lương nhưng việc đóng phim đã mang lại cho Bạch Diện niềm an ủi ngọt ngào. Hàng xóm gọi ông là “ông diễn viên”. Nhiều người xa lạ gặp mặt ông là nhớ. Kỷ niệm hồi đóng phim Ngọn nến hoàng cung vẫn làm ông vui đến bây giờ. Đi tàu từ Hà Nội vào đến Phan Rang đã nửa đêm. Nghệ sỹ hỏi chị nhân viên nhà ga: “Làm thế nào để đi Đà Lạt”.
Chị nhân viên làm như đã quen ông từ lâu lắm: “Ơ, anh dừng lại một tí. Xin lỗi, em nhớ rồi, anh đóng phim”. Nhờ thế, ông được các nhân viên nhường phòng để nghỉ ngơi, tắm giặt, hôm sau đúng 6 giờ sáng, họ gọi xe đến, đưa ông đi Đà Lạt, đoàn phim đang chờ ông. Những tình cảm đó, đã khiến ông sống giữa cái nghèo vẫn vui.
Những bộ phim truyền hình Bạch Diện tham gia hầu như đều làm mưa làm gió, nhận nhiều giải thưởng khác nhau. Trong những cuộc vinh danh bộ phim, người ta không thấy bóng dáng ông, tìm kiếm trên mạng cũng khó thấy một dòng, một hình ảnh về ông. Hỏi Bạch Diện có buồn, ông cười: “Tôi bằng lòng với cuộc đời nghệ thuật của mình. Cho đến hôm nay, anh em bạn bè khán giả vẫn yêu là được”.
“Cắp tráp” theo Lê Đạt NSƯT Bạch Diện yêu thơ. Xưa, ông từng “cắp tráp” theo Lê Đạt. Được nhà thơ tài hoa quý, thường cho ông mượn các tập thơ về xem và ông cũng thường chép lại để làm “của riêng”. Ông sáng tác khá nhiều thơ nhưng chỉ để thoả mãn cảm xúc nghệ sỹ. Một lần về vùng than Quảng Ninh diễn cải lương vào đúng dịp tết. Nhà nhà mải ăn tết, không ai xem cải lương, ông buồn và viết: “Đất mỏ, xuân xa, một đêm ca, anh nhớ em da diết/Giao thừa biền biệt, khắc khoải xuân/ Ngục đời không mở cửa/Thoi thóp trong hơi thở/ Đọc tên phố nhỏ tìm em/ Anh đốt tâm hồn trong khói hương/Hôn em bằng kỷ niệm/ Đâu người thương, người thương/ Ai đưa ta vào đất mỏ/Một chiều xuân đầy gió/Lạnh như giấc ngủ cuối cùng/Giao thừa sang xuân/Tết ở đây mỏ đầy bóng tối, than đen”. |
Hồng Diệu
huyendieucb2003@yahoo.com