“Những người con Hà Nội” kéo dài gần hai tiếng rưỡi, có vẻ dài quá, thưa ông?
Kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô cơ mà. Các sự kiện đầy đủ, dồn dập quá nên tôi muốn để nguyên, bây giờ cắt cái gì cũng tiếc, và cũng khó cắt.
Ông hài lòng về kịch bản của Phạm Văn Quý chứ?
Tôi hài lòng về vở diễn. Nhà hát kịch Hà Nội tạo những điều kiện tốt nhất. Không tiếc người tiếc của, không tiếc sức. Tôi hài lòng về thái độ của diễn viên. Tôi thích những đại cảnh, đều gợi cảm cả: Cảnh lũy hoa-đồng thời nói lên cái tài hoa, hào hoa, phong nhã, thanh lịch của người Hà Nội. Hà Nội huy động những tinh hoa vào cuộc chiến đấu: sinh viên, phụ nữ làng hoa Ngọc Hà, cậu bé đánh giầy, tay anh chị chợ Đồng Xuân, kiến trúc sư, nhạc sĩ, ca sĩ.
Đại cảnh nhiều quá, ông không nghĩ nên tiết chế?
Tiết chế không phải ở vở này, đây không có thì giờ cho tiểu cảnh. Ở các đại cảnh tôi đều tạo chi tiết, để mắt khán giả quét đến đâu cũng thấy họ đang diễn-đau đớn, rên rỉ, cảnh chăm sóc thương binh. Nếu đạo diễn không để ý, diễn viên ngồi trên sân khấu nghỉ, hay tán nhảm thì chết dở.
Huy động gần một trăm diễn viên, đại cảnh nhiều, nhưng không có nhân vật được khai thác kỹ, để lại ấn tượng?
Vở này không thể tách nhân vật riêng ra được. Tôi cũng cố ý đưa một số thân phận. Đó là Khánh Linh con ông Phán Tâm trước chiến tranh yêu Lê Phát (sau trở thành điệp viên phòng Nhì và bị tiêu diệt) cuối cùng cô ấy cũng chết cho Hà Nội. Hay cậu kiến trúc sư Dương trở thành chiến sĩ, người phụ nữ làng hoa Ngọc Hà thử nước độc.
Đây không phải thân phận cá nhân, mà là thân phận Hà Nội, thân phận của đất nước. Người Hà Nội đại diện cho dân tộc Việt Nam tiên phong đứng lên trong cuộc kháng chiến dài 9 năm.
Nếu không phải vở kỷ niệm, mọi chuyện sẽ khác?
Đúng. Vở diễn kỷ niệm 60 năm giải phóng Hà Nội, phải bật được chất Hà Nội. Đây là cuộc chiến đấu kỳ lạ, không phải như cuộc chiến dọc đường Trường Sơn, ở trận địa, mà mang màu sắc hào hoa của người Hà Nội.
Trong vở kịch không hiếm những chi tiết như cô ca sĩ hát “Bến xuân” của Văn Cao tại chiến lũy, là lũy hoa, phong cách lịch lãm của người Hà Nội. Nhưng đa số nhân vật cứ nhắc đi nhắc lại “là người Hà Nội” mới được sao?
Cái đó tôi cố ý. Tôi nói với diễn viên, phải diễn tả được cái sôi nổi của giai đoạn ấy. “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường” ta hát mà thấy bốc lên một cái gì đó hào hoa, đẹp đẽ. Hồi đó con người ta nói những lời sáo nhưng không rỗng, bay bổng, hoa mỹ mà sao vẫn ngọt.
Khi cô ca sĩ bảo không thuộc bài hát cách mạng nào, chỉ lãng mạn thôi, mọi người nói-cứ hát “vì chúng ta đánh Pháp đã là lãng mạn rồi”. “Người Hà Nội đã định làm cái gì là làm bằng được”. Đã chắc đâu bây giờ được như thế, nhưng hồi đó người ta nói như vậy. Âu cũng là lời nhắn nhủ cho Hà Nội bây giờ. Phải làm sao cho Hà Nội bật lên cái tài hoa, phong nhã, thanh lịch. Hà Nội bây giờ nhôm nhoam, nhếch nhác, bừa bãi, bẩn thỉu, nhố nhăng.
Có đến hai cái chết khá giống nhau của võ sĩ, cô sinh viên. Đạo diễn thấy sao?
Cái này tôi sẽ chỉnh. Hai cái chết đó hơi giống nhau về thủ pháp: cùng đụng độ lính Pháp, cùng chết trên bục, ngôn ngữ đối thoại với Pháp hơi giống nhau.
Có người nói Doãn Hoàng Giang dựng vở ít có chuyện đổ, chỉ là hay ít, hay nhiều. Đạo diễn tự đánh giá được tác phẩm của mình chứ, cụ thể là vở này?
Đạo diễn mà không tự đánh giá được thì còn nói chuyện gì. Tôi làm ra sản phẩm trước hết phải tự tin, nhưng không đến mức mê đắm. Ai xem xong vở này cũng thấy chất tài hoa. Trong quá trình biểu diễn, tôi có thể chỉnh đốn chỗ nọ chỗ kia.
Thoắt cái đã thấy Doãn Hoàng Giang dựng vở cho nhà hát này, nhà hát kia. Đạo diễn U80 có định giảm bớt cường độ làm việc?
Hiện nay thì chưa. Không biết sau này lẫn thì thế nào. May giờ chưa sao. Đứa nào nói trượt một chữ tôi biết ngay, kịch bản tôi thuộc từ đầu đến cuối đấy.
Nghe nói dù chạy sô tối mắt, ông vẫn có thời gian đọc báo, có vẻ khó thoát vòng xoáy thời đại thông tin?
Con người hiện đại ngập trong thông tin, buộc mình phải tỉnh táo để sàng lọc. Tôi chưa đến mức chết ngập trong đó. Có thể nói tôi đọc khá đấy, ngày nào cũng một xấp mươi tờ báo giấy, đêm về đọc báo mạng.
Có vẻ Doãn Hoàng Giang chưa muốn sống chậm? “Nếu có lúc nào đó, giời cho mình tự nhiên mệt quá, chân run run thì đành chịu. Hiện nay không thể chậm được. Tôi rất sợ lời đề nghị làm chân dung của mấy anh truyền hình.
Ông Giang mặc pyjama, cầm kéo tỉa lá, rồi tưới cây, ngồi nhà thư thái uống trà. Tôi sợ lắm. Chịu, không sống cảm giác ấy được. Tôi cũng mong lớp trẻ theo kịp, phả hơi nóng vào gáy mình lắm chứ”, đạo diễn Doãn Hoàng Giang nói.