Khi làm việc, tôi không thấy ông có vẻ gì là người quan trọng. Ông tỏ ra bình thường để người đối diện bớt mặc cảm. Sau này, ông không cho gọi thầy cũng không cho gọi giáo sư, mà “Gọi bằng anh đi!”. Tôi mới nói: “Em thấy anh giống vị bồ tát giữa đời thường, con người anh vĩ đại nhưng lại làm cho mọi người không thấy vĩ đại gì hết trơn. Chính cái đó thuyết phục người ta, những bài nói chuyện của anh dễ đi vào lòng người”.
Ông rất may mắn vì ông và gia tộc sống ở một tỉnh là nôi của nghệ thuật cải lương. Nếu ông làm kịp hồ sơ về cải lương trình UNESCO thì hay quá! Nhưng sự đời vẫn thế. Tức là thể nào cũng có một số chuyện chưa làm xong. Nhưng cuộc sống và sự ra đi của ông rất đẹp.
Tiếng Anh có hai từ “worry” và “take care”. Có những người làm việc lúc nào cũng worry - tức là rất lo lắng. Take care là chăm sóc, nhẹ nhàng, từ tốn và thanh thản, thì ông làm việc theo kiểu như vậy. Đó là điều tôi học được. Khi công chúng đã cảm tình với mình rồi, thương quý mình rồi thì mình nên làm việc và sống như thế.
Bác học Einstein tìm ra thuyết tương đối còn Phật giáo có Trung đạo. Tôi nghĩ cái gì thực sự có thật thì mình hết sức quý trọng vì ngày nào đó nó sẽ mất. Nếu ai thường xuyên nghĩ như vậy thì người ta sẽ cố gắng không làm tổn thương người khác. Điều quý nhất của bác Khê là ông đã sống, làm việc và cố tránh một cách tối đa trong khả năng để không làm tổn thương bất cứ ai. Bởi nhiều khi mình nhiệt tình quá thành ra quá khích mà mình không hay, vô tình làm tổn thương ai đó mà mình không biết. Ở giáo sư Khê, không thấy cái đó.
Quý hơn nữa là ông gói những cái không thuận tiện của đời riêng để tự giải quyết chứ không làm bận tâm người khác. Tôi kính trọng cách sống đó ghê lắm. Vì ai cũng có thị phi riêng, nỗi đau riêng. Tất cả chúng ta đều đến và đều đi. Đấy là quy luật. May phước cho những ai đến người ta vui và đi người ta tiếc nuối. Ông là người như thế!”.