Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Đang có quá nhiều bước, nhiều khâu khiến người dân phải chạy theo cơ quan chức năng để giải quyết.
Cụ thể, sau khi bị xử phạt (bước 1) người dân được phát một giấy hẹn theo lịch làm việc của cơ quan chức năng để đến làm thủ tục, ra biên bản xử phạt (bước 2); từ biên bản xử phạt, người dân phải tìm đến ngân hàng nộp tiền phạt, sau đó mang biên lai trở lại trụ sở xử phạt (bước 3); từ đây cơ quan chức năng ra quyết định tạm giữ các giấy tờ có liên quan và hẹn ngày đến lấy (bước 4); đến hẹn người dân đến làm thủ tục nhận lại giấy tờ (bước 5). Để giải quyết được 5 bước, người dân phải mất ít nhất 1 tuần hoặc nửa tháng chờ giải quyết, tiếp đó là thời gian chờ đợi để được đến nhận lại giấy tờ bị tạm giữ.
Cho ý kiến về việc triển khai một số dịch vụ hành chính qua Cổng dịch vụ công tại cơ quan mình, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng: Đây là hình thức văn minh, hiện đại và CSGT cũng mong sớm được triển khai. Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cũng nêu khó khăn, hiện còn có một số vướng mắc trong quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu dùng chung...
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Hà Nội nói, để triển khai các dịch vụ liên quan đến phí trước bạ, xử phạt vi phạm giao thông trên Cổng dịch vụ công, Chính phủ đã giao 3 bộ: Công an, GTVT, Tài chính thực hiện, vướng mắc ở đâu thì cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, giải quyết hoặc đưa ra phương án để Chính phủ tháo gỡ. Một chủ trương lớn, ý nghĩa như vậy không nên chỉ kêu khó.