Sẽ nâng dự trữ xăng dầu quốc gia lên 1 tháng
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 16/6, nhiều câu hỏi nóng của các phóng viên liên quan đến phát triển, thanh tra điện mặt trời cũng như việc điều hành, giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu, mua xăng, dầu từ Malaysia để giảm áp lực tăng giá trong nước đã được đặt ra với Bộ Công Thương.
Trả lời các câu hỏi của Tiền Phong liên quan đến việc có hay không lỗ hổng trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu khi hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở doanh nghiệp từ 30 ngày xuống còn 20 ngày và bổ sung tỷ lệ dự trữ bắt buộc 5 ngày tại các thương nhân phân phối kéo theo sự thiếu hụt nguồn cung trong nước cũng như kế hoạch nâng tỷ lệ dự trữ xăng dầu quốc gia thời gian tới thế này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua cũng đã lập đoàn kiểm tra việc dự trữ theo quy định tại các doanh nghiệp.
Theo ông Hải, việc gián đoạn nguồn cung trong nước thời gian qua chủ yếu do tác động từ việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất. Cùng với đó, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh cũng khiến doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Sau khi Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung, tình trạng thiếu nguồn đã chấm dứt. Tuy nhiên, đến nay, khả năng hoạt động liên tục cũng như đảm bảo cung ứng liên tục trong thời gian tới của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hiện vẫn chưa chắc chắn.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Vụ Phó Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nguồn dự trữ quốc gia khá mỏng. Để đảm bảo an ninh, thực hiện Nghị quyết thứ 9 của Quốc hội, Bộ Công Thương đang xây dựng đề án nâng dự trữ xăng dầu quốc gia để lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ và Quốc hội báo cáo chi tiết để nâng mức dự trữ này lên. Tuy nhiên việc này đòi hỏi phải có lộ trình. Theo đại diện Bộ Công Thương, dự trữ xăng dầu quốc gia ở mức từ 5-7 ngày là rất thấp nên bộ cũng có phương án đề xuất từ nay đến năm 2025 sẽ nâng dự trữ xăng dầu quốc gia lên 1 tháng.
“Việc nâng dự trữ lên 1 tháng kết hợp với dự trữ bắt buộc tại doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối sẽ giúp đảm bảo cho nền kinh tế không bị gián đoạn nguồn cung bất ngờ. Tuy nhiên, mọi việc phải có lộ trình và cũng phải cân đối với ngân sách”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, ở các nước như Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… dự trữ xăng dầu quốc gia của họ tới 90 ngày. Việt Nam cũng đã rất cân nhắc điều đó nhưng phải cân đối tài chính và từng bước nâng dự trữ lên.
“Mục đích của dự trữ như tiền tiết kiệm. Khi lôi ra dùng nhiều thì sẽ không còn. Dự trữ của doanh nghiệp rất quan trọng trong bối cảnh nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng hiện nay. Hiện đã có quy định và chúng ta đã thấy dự trữ đang ở mức thấp và Quốc hội cũng đã biết về việc này”, ông Hải nói.
Bộ Công Thương: Phải từng bước nâng dự trữ xăng dầu quốc gia lên 1 tháng thay vì chỉ 5-7 ngày như hiện nay |
Cân nhắc tồn tại của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, sẽ tiếp tục đề xuất giảm thuế?
Trước các câu hỏi về xem xét vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng như quan điểm về tiếp tục giảm thuế để giữ giá trong nước không tăng sốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Bộ quan điểm rất rõ về việc giảm thuế Bảo vệ môi trường cũng như các loại thuế khác. Với thuế bảo vệ môi trường giảm thì dễ nhưng với thuế nhập khẩu, dù hỗ trợ được giá trong nước nhưng khi muốn tăng trở lại thì không dễ.
Theo ông Hải, hiện nay tại nhiều doanh nghiệp đã có tình trạng quỹ âm. Trong điều hành phải cân nhắc nhiều yếu tố, không lạm dụng quỹ được vì quỹ âm sẽ ảnh hưởng đến tài chính và hoạt động của doanh nghiệp.
“Quan điểm cá nhân của tôi cũng muốn bỏ Quỹ Bình ổn giá để giá vận hành ‘cong ăn cong, thẳng ăn thẳng’. Bộ Công Thương cũng từng có đề xuất về việc này. Tuy nhiên, trong điều hành phải cân nhắc nhiều yếu tố. Phải lường trước được tác động của việc bỏ quỹ. Đặc biệt, khi giá thế giới tăng mạnh 4.000 – 5.000 đồng/lít như vừa qua sẽ kéo theo mức tăng sốc, giật cục thì khi đó xử lý thế nào?”, ông Hải nói. Theo ông Hải, để giữ giá xăng dầu cũng có thể tính tới phương án giảm tác động tăng giá thông qua giảm thuế hoặc hỗ trợ an sinh cho người nghèo và tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Về việc Đại sứ Việt Nam tại Malaysia đề cập đến việc Malaysia muốn xuất khẩu 300.000 tấn xăng RON95, theo ông Hải, từ trước đến nay các doanh nghiệp đầu mối Việt Nam vẫn nhập xăng từ nước này về bình thường. Vấn đề là số xăng dầu như Đại sứ Trần Việt Thái đề cập sẽ được bán cho các doanh nghiệp đầu mối Việt Nam giá bao nhiêu. Còn ở khía cạnh quản lý, Bộ Công Thương không thể đứng ra mua bán thay doanh nghiệp số xăng dầu này.
“Tất cả các quốc gia đều tiếp cận mức giá xăng dầu theo giá thế giới như nhau và chúng ta chọn Singapore Platt để tính giá hằng ngày xăng dầu. Vì vậy khó có thể kỳ vọng việc sẽ mua được xăng dầu từ Malaysia với giá bán trong nước của họ ở mức 13.000 đồng/lít”, ông Hải nói.