Người nông dân đi tìm ánh sáng cách mạng
Nông Văn Lạc tên khai sinh là Nông Văn Phùng, người dân tộc Tày, quê xóm Phai Khắt, xã Tam Kim (Nguyên Bình, Cao Bằng), sinh ngày 1 tháng Giêng năm Giáp Dần (1914). Tính tình chịu khó, ham thích tìm tòi cái mới. Khi lớn lên đã có ý tìm cách mạng ở xã Xuân Phách. Tìm không được cách mạng, Lạc quay về và có ý nghĩ cùng tổ chức nhau lại làm cách mạng. Năm ấy (1937), theo lịch sử ghi lại, người dân Nguyên Bình chịu bao cảnh lầm than. Bọn quan lại, lý dịch thi nhau ức hiếp nhân dân. Như con giun xéo mãi cũng quằn, những mầm mống đầu tiên của sự phản kháng nhen nhóm bằng các cuộc đấu tranh chống đi phu, đi lính...
Nông Văn Lạc là người sớm có cảm tình với cách mạng, căm thù giặc. Nhưng phải đến tháng 11/1941,tại nhà ông Dương Văn Tọa, bản Nà Piểng thuộc thôn An Mạ, xã Kim Mã (tên xã cũ, nay là xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng), Nông Văn Lạc được đồng chí Mỹ Lợi (Ma Văn Phái) kết nạp tham gia Hội đánh Tây, sau này chuyển thành tổ chức “Cứu quốc”, với bí danh là Tán Thuật. Hai từ “cộng sản” khi ấy có sức lôi cuốn và niềm tin kỳ lạ khiến Nông Văn Lạc vượt qua tất cả hiểm nguy, sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, chịu cảnh mất nhà, mất con…để một lòng, một dạ theo cách mạng.
Dấn thân vào con đường hoạt động gian lao nhưng tràn đầy hy vọng, Nông Văn Lạc được anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trực tiếp dìu dắt, huấn luyện lớp Việt Minh đầu tiên tại hang Kéo Quảng, xã Minh Tân, châu Nguyên Bình. Trong gần 3 năm hoạt động tại Cao Bằng, Nông Văn Lạc trở thành người trợ thủ đắc lực, cánh tay phải của anh Văn, và chính anh Văn là người giới thiệu và kết nạp Nông Văn Lạc vào Đảng cộng sản Đông Dương.
Trong Hồi ký “Ánh sáng đây rồi” kỷ niệm ngày vào Đảng, ông Nông Văn Lạc ghi lại rất xúc động: Hôm ấy là ngày 30/6/1942 trên ngọn núi Thâm Dầm trong dãy Phia Pút, đồng chí Văn nói với đồng chí Dương Mạc Nghĩa: Tôi ở với đồng chí Thuật từ lớp huấn luyện và từ khi vào đây, tôi thấy đồng chí Thuật (bí danh của ông Lạc) xứng đáng là người đảng viên cộng sản. Tuy đồng chí chưa được học điều lệ Đảng, nhưng công tác cách mạng rất tận tụy, gan dạ, không sợ hy sinh, gian khổ. Khi còn ở lớp học, thấy tố chất của đồng chí kiên định, vững vàng, tôi đã để ý nên khi vào đây tôi tìm đến đồng chí Thuật ngay. Tôi xin giới thiệu đồng chí Thuật vào Đảng”.
Khi làm lễ tuyên thệ Nông Văn Lạc phấn khởi “Tôi giơ tay, mất bình tĩnh tay run run, nói không thành lời”. Nông Văn Lạc trở thành đảng viên đầu tiên của xã Thế Rục, châu Nguyên Bình và chi bộ đầu tiên của xã Thế Rục cũng được thành lập ngay trong hôm ấy, do đồng chí Dương Mạc Nghĩa làm Bí thư.
Trong Hồi ký “Từ nhân dân mà ra” Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể lại: “Khi ấy chúng tôi nói rõ ý muốn giới thiệu đồng chí Lạc vào Đảng, thì đồng chí Lạc thay đổi hẳn nét mặt. Trong buổi lễ kết nạp giữa khu rừng hoang vắng, ở một gốc cây cổ thụ, nước mắt đồng chí Lạc cứ trào ra. Vừa xong buổi lễ kết nạp, đồng chí Lạc chạy ngay xuống khe núi, nhặt hai ống nứa, múa tít một hồi như người đang múa võ”.
Tìm được ánh sáng của Đảng, được tổ chức tin tưởng giao nhiều trọng trách, cuộc đời Nông Văn Lạc rẽ sang một trang mới.
Ông Nông Văn Lạc (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang).
“Đội viên danh dự”
Gần 3 năm anh Văn hoạt động tại Nguyên Bình, đến khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), mở con đường Nam tiến. Nông Văn Lạc luôn gắn liền với anh Văn như hình với bóng. Tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam có ghi: “Nông Văn Lạc-người được coi là cánh tay phải của đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong việc tổ chức, thành lập Đội VNTTGPQ”.
Nông Văn Lạc trực tiếp được anh Văn giao chuẩn bị nơi ăn, nghỉ cho học viên lớp huấn luyện đầu tiên của liên xã Kim Mã, Tam Lộng tại hang Thẳm Khẩu, khu rừng Rong Bó sau làng Phai Khắt. Lớp học diễn ra trong thời gian khoảng tháng 3/1942, trong năm ngày, gồm sáu nam, ba nữ. Nông Văn Lạc còn được anh Văn tin tưởng giao tìm địa điểm, làm công tác chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga cho đại biểu khu Quang Trung và nhiều châu của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn lên tới gần nghìn người. Vai trò của Nông Văn Lạc càng rõ nét trong những ngày chuẩn bị thành lập thành lập Đội VNTTGPQ. Dưới sự chỉ đạo của Nông Văn Lạc và một số cán bộ địa phương, các đoàn thể cứu quốc đã đóng góp lương thực, rau, muối, giấy viết khẩu hiệu, viết báo Việt Lập, phân công canh gác, tổ chức ba, bốn trạm “giao liên” đưa đường, bảo vệ cán bộ vượt qua hai cuộc khủng bố của địch. Tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nông Văn Lạc cùng lực lượng địa phương lập 3 chiếc lán để đội viên nghỉ ngơi; lập một “kỳ đài” gồm bốn cọc tre đóng xuống đất và những mảnh phên đan buộc lên trên, làm nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng chủ trì buổi lễ thành lập…
Như vậy, cụ Nông Văn Lạc là người có nhiều đóng góp vào việc tổ chức thành lập Đội VNTTGPQ, nhưng lại không được anh Văn chọn kết nạp vào Đội VNTTGPQ. Khi Nông Văn Lạc bày tỏ thắc mắc, anh Văn ân cần nói: “Các đồng chí không được tuyển vì nhiệm vụ quan trọng ở lại địa phương. Điều ấy quan trọng lắm. Nếu ta đánh xong đồn Phai Khắt, đội Quân giải phóng mở rộng hoạt động ra nơi khác, ở địa phương đồng chí phải nắm cơ sở, giữ vững phong trào, thúc đẩy tinh thần đấu tranh cách mạng quần chúng lên một bước cao hơn nữa. Vị trí, địa bàn này rất quan trọng, đồng chí có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn”. Anh Văn nhấn mạnh: “Các đồng chí khác cũng có thể làm được, nhưng đồng chí nên nhớ lại năm 1942 (địch khủng bố ác liệt-PV) mà xác định trách nhiệm. Đồng chí lại là bí thư chi bộ xã này”. Ngay sau lễ thành lập Đội, anh Văn gặp riêng và dặn dò thêm: Nhiệm vụ ở lại nặng nề lắm, tôi sẽ nhận Lạc làm “đội viên danh dự”.
Ông Nông Quang Đông, con trai cụ Nông Văn Lạc chuẩn bị tư liệu làm phim Rừng Hồng.
Công đầu trong chiến thắng trận đầu
Nói đến chiến thắng đầu tiên của Đội VNTTGPQ không thể không nhắc đến những đóng góp của Nông Văn Lạc, chủ nhiệm Việt Minh liên huyện Nguyên Bình-Ngân Sơn, chủ nhân ngôi nhà ở thôn Phai Khắt, sau này bị giặc Pháp chiếm làm đồn Phai Khắt. Chính Nông Văn Lạc là người tổ chức trinh sát, nắm tình hình và “chỉ điểm” Đội VNTTGPQ đánh vào nhà mình.
Tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự và Hồi ký cách mạng của Nông Văn Lạc có ghi: Từ tháng 11/1944, khi chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên của Đội VNTTGPQ, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Đánh trận đầu phải đảm bảo hoàn toàn thắng lợi, tạo được lòng tin cho anh em cũng như trong nhân dân, thúc đẩy phong trào giữ vững được cơ sở, giảm được khủng bố của kẻ địch sau khi rút đi nơi khác”.Thảo luận với Nông Văn Lạc lựa chọn các đồn: Nà Bao, Nà Ngần, Phai Khắt, anh Văn nhận định: Đồn Nà Bao, chúng đóng trên đồi tương đối xa dân. Nếu đánh ở đấy, nó khủng bố chắc cũng có, nhưng ít hơn. Nhưng ở đấy thì khó nắm tình hình địch. Còn đồn Nà Ngần chúng nó đóng ở nhà dân, cơ sở quần chúng tốt. Ta biết được tình hình địch ra, vào nhưng lực lượng địch ở đấy mạnh về quân số, về trang bị. Đồn Phai Khắt thuận lợi hơn cả. Cơ sở quần chúng ta vững, tình hình địch ta biết rõ. Tiến thoái cũng dễ”.
Nhưng có một khó khăn khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp băn khoăn: “Lạc à, đánh đồn Phai Khắt chắc chắn thắng lợi, nhưng chúng nó đóng đồn ở trong nhà đồng chí mà hai anh em đồng chí đều đi bí mật cả. Khi mới đến hoạt động tôi và đồng chí Thiết Hùng đến ở nhà đồng chí. Từ bấy cho đến nay chúng tôi vẫn ở với đồng chí. Nếu đánh rồi, địch khủng bố ác liệt, có người bị tra khảo không chịu được, có thể khai ra việc ấy. Gia đình đồng chí sẽ bị khủng bố nặng nề. Ý nghĩ của đồng chí thế nào?”.
Trước câu hỏi bất ngờ của anh Văn, thật khảng khái Nông Văn Lạc quả quyết: “Hai anh em tôi quyết tâm đi theo cách mạng đến cùng. Thực tế tài sản của bố mẹ tôi chúng nó tịch thu cả rồi. Bà tôi hơn bảy mươi tuổi, bố mẹ tôi cũng đã già, vợ và em dâu có mấy đứa cháu nhỏ, chúng đã đuổi đi nơi khác. Hơn nữa đây là nhiệm vụ của cách mạng giao, nên dù có tổn thất cả gia đình mà thu được thắng lợi cho cách mạng thì cũng quyết tâm thực hiện”.
Theo nhiệm vụ đồng chí Võ Nguyên Giáp giao Nông Văn Lạc đã nghiên cứu kỹ tình hình địch, địa hình, đóng góp vào phương án tiến công đồn Phai Khắt, cùng với Hồng Quân, Đức Long, nữ đồng chí Xuân Dung, bé Hồng tìm mọi cách nắm được quy luật hoạt động của địch. Việc đánh đồn Phai Khắt chỉ có anh Văn và Nông Văn Lạc biết. Ông Lạc tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân địa phương tiếp tế cơm nước, đặt trạm canh gác báo tin cho bộ đội. Sau trận đánh, Nông Văn Lạc cùng nhiều người dân loan tin chiến thắng, thống nhất cách khai báo cho các gia đình nếu địch trở lại khủng bố.
Sau này để phục vụ công tác bảo tồn lịch sử, giáo dục truyền thống gia đình, cụ Nông Văn Lạc đã hiến ngôi nhà để xây dựng thành nhà trưng bày chiến thắng đồn Phai Khắt...
Cách mạng đã đến và làm thay đổi cuộc đời Nông Văn Lạc, từ một nông dân mù chữ, hiền lành, chất phác trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên trung nắm giữ nhiều trọng trách (đại biểu Quốc hội, Ủy viên dự khuyết Thường trực Quốc hội khóa 1, Trưởng ban cán sự, Trưởng ban chỉ huy Công trường 111…) với những đóng góp to lớn Nông Văn Lạc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Bằng có công với nước, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng năm 2009). Cụ Nông Văn Lạc mất 26/5/1998, thọ 85 tuổi.
Nói về tính khí chính trực của cha mình, ông Nông Văn Đông kể lại câu chuyện: Cuối năm 1996, đầu năm 1997 chuẩn bị tách tỉnh Bắc Thái thành Bắc Kạn và Thái Nguyên, khi ấy tôi đang công tác tại Đài PTTH tỉnh, gia đình, công việc đã ổn định, nhưng cấp trên có ý định điều động tôi lên xây dựng cơ sở cho Đài PTTH Bắc Kạn. Đang phân vân, tôi muốn nhờ bố xin ở lại, ông nói ngay: Con à, cả cuộc đời bố chỉ biết chấp hành theo sự phân công của Đảng, bố chưa xin cái gì bao giờ, Bắc Kạn là tỉnh nghèo, nhưng nhân dân rất tình nghĩa, rất cách mạng, con lên đó đi, họ đang cần con.