Nông nghiệp sạch - Chìa khóa phát triển nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp sạch - Chìa khóa phát triển nông nghiệp bền vững
Ngày 15/9/2017 tại Hà Nội, Báo Kinh tế nông thôn phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức diễn đàn “Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao” nhằm thu thập ý kiến của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực phụ trợ cho ngành nông nghiệp về những vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và những đề xuất để tháo gỡ những khó khăn đó. Đồng thời, diễn đàn cũng là nơi để các cá nhân doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao trao đổi kinh nghiệm trong nâng cao vị thế của doanh nghiệp và của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao là chiến lược của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với xu thế chung của thế giới, việc sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Tính đến tháng 12/2015 cả nước có 34 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang được quy hoạch xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. Ngoài ra, một số địa phương cũng phát triển các cụm/ khu nông nghiệp công nghệ cao mà chưa kịp đăng ký hoặc công bố chính thức.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao như khó đạt được mục tiêu của Quyết định 176/QĐ- TTg ngày 29/01/2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020: mỗi tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm có 7- 10 doanh nghiệp, 5- 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mỗi vùng sinh thái có 1- 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt được 30- 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Anh Phong- Giám đốc Trung tâm Thông tin NN&PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, khó khăn này xuất phát từ một số nguyên nhân chính như chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc vì vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất lớn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng; các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với chương trình do nguồn vốn  thấp, khó có thể tham gia đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao; tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, do áp dụng cao không đồng bộ nên chất lượng sản phẩm chưa cao và chưa đồng đều; khâu tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào các hợp đồng với các doanh nghiệp nên chưa ổn định; các chính sách của Chính phủ (điển hình là Gói tín dụng 100.000 tỷ phát triển công nghệ cao) đến nay vẫn chưa đủ mạnh và khó khăn trong triển khai do đây là hướng phát triển mới, chưa có tiền lệ, nên tiềm ẩn rủi ro khi triển khai.

Với quyết tâm thực hiện Chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trước khi có chương trình cho vay theo khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 813/2017/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Agribank là ngân hàng thương mại tiên phong trong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”. Theo đó, Agribank đã dành 50.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình; với lãi suất cho vay mỗi khâu giảm 0,5%/năm (cả 3 khâu giảm đến 1,5%/năm); miễn phí chuyển tiền trong cùng hệ thống và giảm 50% phí chuyển tiền đối với khách hàng chuyển tiền khác hệ thống.

Nông nghiệp sạch - Chìa khóa phát triển nông nghiệp bền vững ảnh 1

Tính đến 31/7/2017, dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank đạt 861 tỷ đồng, với 342 khách hàng là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Kết quả bước đầu về triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch của Agribank có thể nói còn khiêm tốn do là ngân hàng tiên phong đầu tư nên còn rất nhiều khó khăn vướng mắc, vì chưa có tiêu chí xác định nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, Agribank kỳ vọng với chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”, sẽ có tác động chuyển biến mạnh mẽ đến nền nông nghiệp Việt Nam; thay đổi căn bản tư duy của người nông dân và doanh nghiệp hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái; ổn định thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu vươn ra thị trường thế giới bằng sản phẩm thương hiệu quốc gia, nâng cao giá trị nông sản Việt.

Thành lập từ năm 1988 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là ngân hàng thương mại hàng đầu giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, và nền kinh tế đất nước. Agribank có mạng lưới rộng lớn nhất với trên 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, huyện đảo cả nước, chi nhánh Campuchia; gần 40.000 cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp, am hiểu, gắn bó địa phương. Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Agribank đạt trên 01 triệu tỷ đồng, nguồn vốn trên 924.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 791.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm 70%/ tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Agribank xác định tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng nông nghiệp, nông thôn, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đa dạng, giữ vững vị thế Ngân hàng thương mại – Định chế tài chính lớn nhất Việt Nam, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế đất nước.

MỚI - NÓNG