Cần nguồn lực đủ mạnh
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Cty TNHH Thủy sản Nam miền Trung, đồng thời là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA)- đơn vị đề xuất với Thủ tướng về gói tín dụng, cho rằng, doanh nghiệp (DN) đề xuất, không hẳn thiếu tiền, mong muốn có gói đó. Điều quan trọng là họ muốn có sự công bằng, vì DN là những người làm thật, làm ra của cải vật chất cho xã hội, mà không được nhà nước ưu đãi gì, nên nếu Chính phủ quan tâm thì tạo điều kiện.
“Ngay như DN chúng tôi hiện là DN công nghệ cao trong ngành tôm, tới đây sẽ phát triển theo chuỗi, từ sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến và kinh doanh nông sản khác. Chúng tôi cũng đề xuất cho phép mở rộng diện tích nuôi tôm và Thủ tướng đã đồng ý, tuy nhiên, việc này vẫn phải chờ”- ông Hoàng Anh nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 9/2016, cả nước thu hút được 518 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đạt 3,54 tỷ USD (chiếm 2,4% tổng số dự án và 1,2% tổng vốn đầu tư của tất cả các lĩnh vực). Quy mô vốn trung bình của dự án FDI trong ngành nông nghiệp là khoảng 6,7 triệu USD/dự án. “Nông nghiệp là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng dòng vốn FDI vào ngành nông nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu của ngành”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Nhìn nhận vấn đề này, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chung của nông nghiệp thế giới. Với Việt Nam, đây là cơ hội rất lớn, từ những lợi thế về sinh học, khí hậu…“Với điều kiện đó, chúng ta tranh thủ được công nghệ mới, nhất là trong công nghệ thông tin, sinh học, giống... của thế giới và đương nhiên, muốn thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, không thể nào không có nguồn lực”, Bộ trưởng Cường nói.
Ai đứng ra lo?
Nói về việc Thủ tướng cam kết sẽ có một gói tín dụng 60 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Cường cho rằng, để cụ thể hóa được việc này, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng một số bộ liên quan, các địa phương thể chế hóa. “Cần quy định thật cụ thể, đơn giản để thúc đẩy nhanh nhất nguồn lực này đến các địa phương, DN, hợp tác xã, người dân có điều kiện để tranh thủ công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp”- ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Một lãnh đạo NHNN lại tỏ ra băn khoăn về cơ sở pháp lý, nguồn lực. “Gói vay 30 ngàn tỷ vừa kết thúc, rất cần tổng kết sớm để rút ra những kinh nghiệm cho gói vay này, cũng như chuẩn bị nguồn vốn, cơ chế, điều kiện. Để có gói này, cần cả ngành Tài chính và Nông nghiệp cùng vào cuộc” vị này khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) nói với phóng viên rằng: Thủ tướng đã đồng ý chủ trương về gói 60 nghìn tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, thông thường phải có kết luận từ buổi làm việc đó. Trong đó, sẽ có sự phân công từ Chính phủ xuống bộ ngành làm việc gì, ra sao, rồi các đơn vị chức năng làm gì. Về gói tín dụng, theo bà Thủy điều này không thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, “đó là NHNN, Bộ Tài chính”- bà Thủy nói.
Dự kiến gói tín dụng 50- 60 nghìn tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ được xây dựng theo cách thức nào? Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế các tổ chức tín dụng - đơn vị từng quản lý gói vay nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ cho biết, năm 2016, cho vay nông nghiệp đang chiếm khoảng 18,5% trong tổng vay tín dụng, tức tương đương 870 ngàn tỷ trong tổng số 5 triệu tỷ đồng đã đi ra nền kinh tế. “Đây là con số khá lớn, nhưng việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết và phải đầu tư hơn giai đoạn tới”, ông Đông nói.
Băn khoăn lớn nhất được vị này bày tỏ là hiện cả nước mới thừa nhận 1-2 khu vực nông nghiệp công nghệ cao và chỉ mới có vài DN được công nhận. Trong khi đó, ngân hàng cần một loạt những tiêu chí rõ ràng như: Thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, các chính sách về đất đai, về tham gia theo chuỗi; rồi nguồn vốn là vay thương mại hay tái cấp vốn, lãi suất thế nào…
“Để xây dựng được gói vay, NHNN cần Bộ NN&PTNT phải xây dựng quy định tính pháp lý về nông nghiệp công nghệ cao thì ngành ngân hàng mới có căn cứ pháp lý để giao các ngân hàng thương mại. Theo tôi, cần có một nghị định về gói tín dụng này như gói vay 30 ngàn tỷ hay Nghị định 67 cho vay đóng tàu”, ông Đông nhấn mạnh.
Phải làm rõ thế nào là nông nghiệp công nghệ cao
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ở Việt Nam, nói công nghệ cao là chỉ làm mấy cái nhà lưới, nhà kính, rồi cũng cấy mô, thủy canh… Cái đó không có gì ghê gớm hết. Theo GS Xuân, mấy ông “đại gia” đưa ra chương trình, nghe có vẻ rôm rả lắm, nhưng thực sự ra, công nghệ hiện tại của mình xài còn chưa hết. “Ngay như ngành gạo, tại sao mình không hỗ trợ các DN, mấy ông nông dân để họ sản xuất được gạo chất lượng tốt, có thể so sánh được với gạo Campuchia”.
GS Xuân cho rằng, hiện hàm lượng chất xám trong hàng hóa nông sản rất thấp. Trong khi chất xám đó, không cần phải có chất lượng thật cao, chỉ cần công nghệ bình thường thôi, nhưng họ không có điều kiện để đầu tư.