Bài thơ có tên Thường dân. Tác giả của nó là một nông dân chay tên là Nguyễn Long, người Thái Bình- Quê hương 5 tấn. Đọc với tâm trạng ngổn ngang và rưng rưng cảm xúc.
Đông thì chật, ít thì thưa/ Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân/ Quanh năm chân đất đầu trần/Tác tao sau những vũ vần bão giông.
Một đường link như điện giật khiến cho trường liên tưởng của tôi quay về nơi ấy miền Trung đang chới với, tả tơi hết mưa rồi bão, hết lụt thường niên lại lũ bất thường. Những người thường dân, nông dân ấy trằn lưng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, qua ngày, qua tháng, qua năm, lam lũ chắt chiu, để rồi, bao mồ hôi, nước mắt và cả sinh mệnh bỗng chốc trôi theo dòng
nước bạc.
Ai là thủ phạm? Người bảo do thiên tai, kẻ nói do nhân tai. Trách nhiệm vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu dân như những quả bom nước thủy lợi thủy điện đang nhãn tiền.
Hết hội nghị đến hội thảo. Hết họp kín đến họp mở từ đẩu từ đâu và phận thường dân ấy, đâu có tường, đâu được biết người ta đã kết luận những gì, sửa sai, điều chỉnh những gì. Họ vẫn cứ tiếp tục cuộc mưu sinh nhọc nhằn và đầy bất trắc.
Mùa lại mùa, như một sự ám ảnh, được mùa mất giá, thiên tai địch họa, chèn lấn cạnh tranh, phao tin ép giá. Người nông dân bơ phờ, thấp thỏm, chông chênh. Điệp khúc trồng chặt, nuôi, thả, treo ao khiến người dân đôn đáo ngược xuôi loay hoay tìm kế.
Như bản năng sinh tồn, như nội lực tự thân, chính họ xoay xở tự chế những nông cụ hữu ích giải phóng sức lao động cho chính mình. Họ đâu cần biết rằng đâu đó có viện này trường nọ tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho những sáng chế phát minh.
Ai đó có câu ví von nghe ngồ ngộ nhưng ngẫm ra không khỏi day dứt. Người nông dân thời nay như những hiệp sĩ đánh nhau với cối xay gió, hay như những sĩ nông chi chiến trong trận đồ thập diện mai phục.
Bao suy tư dằn vặt ấy, chợt ấm lại câu thơ trong Thường dân: Chỉ mong ấm áo no cơm/ Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành/ Hòa vào trời đất mà xanh/Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân…
Ôi! Vĩ đại thay, những người nông dân Việt!