Các doanh nghiệp sau khi khai hoang lấy gỗ, lấy đất trồng cây cao su, giá trị tài sản của họ tăng lên đáng kể, bởi từ tài nguyên của nhà nước, nay thành tài sản của doanh nghiệp. Trong khi ngân sách chỉ thu được ít tiền bán gỗ rẻ mạt, còn lại không được gì (cả chục năm sau doanh nghiệp mới phải trả tiền thuê đất).
Nhìn sang tỉnh bạn Kon Tum, cùng một cánh rừng liền kề với rừng Gia Lai, song tỉnh này quy định mỗi hécta rừng doanh nghiệp muốn nhận chuyển sang trồng cao su phải nộp cho tỉnh 13 triệu đồng. Chưa có quy định nào của pháp luật buộc người nhận đất nộp tiền hay cho, nhưng ai muốn xin chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su cứ thế mà làm. Vậy mà bao nhiêu diện tích rừng nghèo xin chuyển đổi doanh nghiệp vẫn đua nhau nhận để được đóng tiền. Kon Tum thu được hàng trăm tỷ đồng từ chủ trương này.
Gia Lai, tỉnh liền kề Kon Tum, rừng chuyển đổi nhiều hơn song lại không buộc doanh nghiệp nộp tiền như Kon Tum. Tài nguyên quốc gia là hàng nghìn hécta đất chuyển thành tài sản doanh nghiệp mà họ không mất đồng xu nào. Nếu theo cách làm của Kon Tum, tỉnh Gia Lai sẽ thu được khoảng 845 tỷ đồng từ việc chuyển 65.000 ha.
Đến cuối năm 2010, tỉnh Gia Lai có cả thảy 288.141 hộ, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm 33,47%. Theo báo cáo của UBND tỉnh này, 2 năm qua tiến độ xoá nhà tạm cho hộ nghèo chỉ đạt 76,6% kế hoạch, đạt 42% số hộ so với đề án. Nguyên nhân chính khiến việc xoá nhà tạm cho hộ nghèo là thiếu tiền, ngay cả những hộ được xóa nhà tạm, ngân sách tỉnh cũng chỉ hỗ trợ được 700.000đ/hộ.
Xem ra không phải Gia Lai không có nguồn lực để tăng thu ngân sách, mà việc thiếu tiền lo cho người nghèo là do lãnh đạo tỉnh này “chơi đẹp” với nhà đầu tư. Nhưng nếu so sánh cụ thể với tỉnh bạn, thì việc bỏ qua chuyện tiền bạc, chỉ tạo nên sự tù mù để cơ chế xin-cho nảy nơ . Mà hễ ở đâu có xin-cho, thì chỉ nhà nước thiệt, nhân dân thiệt, còn những người có quyền quyết định việc xin - cho không thiệt.