Nối thành công mũi đứt rời hoàn toàn

Một ca phẫu thuật tạo hình hàm mặt tại khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Ảnh: Vnexpress
Một ca phẫu thuật tạo hình hàm mặt tại khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Ảnh: Vnexpress
TP - Ngày 2/3, TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình-Hàm mặt (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, sau 13 giờ mổ vi phẫu, các bác sĩ đã nối thành công phần đầu mũi bị đứt rời hoàn toàn cho một bệnh nhân nam 37 tuổi (ở Hà Tĩnh). 

Hiện phần mũi được nối lại đã hồng hào trở lại, dự kiến 3 ngày nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện. TS Hà cho biết, đây là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được nối mũi bị đứt rời. Trên thế giới có khoảng 10 trường hợp tương tự bệnh nhân này. Được biết, bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt dẫn tới phần mũi bị đứt rời. Người nhà bệnh nhân đã tìm được phần mũi và bảo quản trong đá lạnh mang đến bệnh viện để nối lại.

Th.s Đào Văn Giang, khoa Phẫu thuật Tạo hình- Hàm mặt, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, ca nối ghép rất khó vì mạch máu ở đây rất nhỏ, kích thước chỉ khoảng 0,4-0,5mm. Ngoài ra các mạch máu khi bị đứt đều co rút ngắn lại nên không thể nối trực tiếp. Vì thế, bác sĩ phải lấy 4-5 đoạn tĩnh mạch nhỏ dưới đùi của bệnh nhân, mỗi đoạn 0,8cm để ghép nối các động mạch, tĩnh mạch bị đứt lại. Do đó mọi thao tác của bác sĩ được thực hiện dưới kính hiển vi có độ phóng lớn.

Bác sĩ Giang khuyến cáo khi bộ phận cơ thể bị đứt rời, người nhà cần cho bộ phận này vào túi nilon sạch, buộc kín (tốt nhất bọc trong miếng gạc) rồi cho vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Tuyệt đối không để phần cơ thể đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.