Nỗi niềm làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung

Ngày nay, nguồn cá mập đang cạn kiệt nên muốn săn cá mập phải đi rất xa, thậm chí sang cả lãnh hải các nước lân cận. Một trong những làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung Việt Nam mà nay vẫn duy trì, dù không còn được sôi động...

Chính vì thế, rủi ro càng nhiều. Một trong những làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung Việt Nam mà nay vẫn duy trì, dù không còn được sôi động như xưa, đó là làng Thuỷ Đầm, thuộc phường Ninh Thuỷ, TX Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Nhưng, để tồn tại, không thể hoạt động đơn lẻ như xưa.

Trúng đậm

Ghé vào quán nước ven đường ở làng chài Thuỷ Đầm nghỉ chân. Hỏi thăm những ngư dân chuyên săn cá mập, bà chủ quán xởi lởi: “Nhiều người lắm, lớn nhỏ có đủ. Ấy là giờ nhiều người bỏ câu lớn rồi đó, chứ nếu cách đây 10 năm, cậu đến hỏi thì đứa trẻ 6 tuổi nó cũng chỉ cho cậu biết. Giờ cá mập ít, nhiều người nghỉ rồi. Nhưng vẫn còn. Chú ra ngoài bến tàu ấy”.

Sau vài lần hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi cũng leo được lên chiếc tàu cá thuộc loại lớn, đang neo. Chủ tàu là anh Nguyễn Bá Danh, 49 tuổi, thân hình vạm vỡ, làn da nhuộm nước biển sạm bóng, riêng nụ cười rất tươi của anh làm khuôn mặt sáng bừng.

Nỗi niềm làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung ảnh 1

Trưởng tàu Nguyễn Bá Danh

“Con tàu này cha tôi đóng năm 2000, cho mục đích đi xa, săn mập và cá ngừ đại dương. Nhưng đóng xong không lâu thì cha bị tai biến và mất 2 năm sau đó. Tui là con trai duy nhất trong nhà, mẹ già yếu, ngoài ra còn vợ và 4 đứa nhóc, đều một tay tui lo. Đi ngư trường xa, câu lớn thường nhiều rủi ro, lỡ có chuyện gì thì ai lo? Nghĩ vậy nên sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định bỏ câu lớn, chỉ đi ngư trường gần, ngắn ngày, chủ yếu là câu mực”, anh Danh nói.

“Nghề câu lớn (săn mập) đa số theo dạng cha truyền con nối, ít có tay ngang, bởi để theo được, cần nhiều yếu tố, ngoài tính lỳ và liều, xử lý tình huống nhanh, còn phải kinh nghiệm đầy mình. Cha tui nếu còn sống thì năm nay 82 tuổi, là một trong những ngư dân kỳ cựu, có thâm niên câu lớn ở Thuỷ Đầm. Cha rất sát cá, đi chuyến nào cũng trúng. Nhờ vậy mà một tay cha làm, nuôi vợ và đàn con 6 đứa, vẫn thuộc dạng khá ở đây. Mỗi cô con gái lấy chồng, cha đều chia tài sản, trị giá một căn nhà lớn”, anh Danh ngồi xổm, tay mổ con mực lớn, miệng nói.

Nhưng vẫn trắng tay

Anh Nguyễn Văn Tấn, lái tàu của anh Danh, tiếp lời: “Đi câu lớn ắt gặp bão lớn, sóng to. Đó là lẽ đương nhiên. Do lượng cá giảm nhiều nên muốn câu lớn phải đi rất xa. Năm 2002, chiếc tàu này đã bị bắt giữ ở Philippines, toàn bộ ngư dân 18 người bị bắt giữ mấy tháng trời. Đến khi trở về, chỉ còn cái xác tàu. Toàn bộ ngư cụ, thiết bị trên tàu bị thu giữ hết”.

Nỗi niềm làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung ảnh 2

Ngư dân Nguyễn Văn Tấn

Anh Tấn kể, đó là một chuyến câu lớn và trúng đậm. Sau khi đóng xong chiếc ghe 750 mã lực, anh Danh quyết định làm một chuyến đi xa, câu lớn. “Tàu đi hơn 1 ngày thì gặp áp thấp, sóng cỡ cấp 6 - 7, anh Danh kêu tôi dừng tàu nge ngóng. Sau đó ít phút, anh quyết định thả giàn câu 1.000 lưỡi. Đúng như nhận định, nơi chúng tôi thả câu đang có đàn mập rất đông”, anh Tấn nói tiếp.

Sau một đêm vật lộn, đàn cá mập nằm sắp lớp trên boong tàu, không còn chỗ len chân. Lúc này, anh Danh như có linh tính không tốt, nên bảo mọi người, thôi quay về. Nhưng ai cũng “ham mồi”, bảo làm thêm một mẻ nữa. Lần giăng câu thứ 2, trúng đậm hơn. Mất thêm gần 2 ngày cắt vây, xử lý, ai cũng mệt nhoài.

Anh kể: “Chúng tôi cứ miệt mài làm, không để tàu mình đã đi vào hải phận Philippines. Khi tất cả mọi người đang hoan hỉ, thuyền trưởng đang khấn vái tổ tiên đã phù hộ cho một chuyến câu thành công, chuẩn bị quay về thì bất ngờ có 3 chiếc tàu tuần tra của nước bạn ào tới bao vây quanh tàu anh Danh. Họ nhảy lên tàu, chia nhau trấn áp mọi người, rồi lục soát. Lúc này, trong khoang lạnh đầy nhóc vây và thân cá mập các loại. Chúng tôi có ai biết nói tiếng bản địa đâu? Nên họ cứ nói, mình cứ phân bua bằng cách xua tay, lắc đầu. Nhưng chẳng ăn thua. Họ nhốt tất cả chúng tôi vào một buồng, chiếm cabin, điều khiển con tàu đi đâu không biết. Đến khi tàu cập bến thì đã ở một nơi nào đó lạ hoắc”.

Sau lần đó trở về, anh Danh cụt vốn, còn thêm khoản nợ hơn 2 trăm triệu đồng, không có khả năng ra khơi. Mặc dù khi đó trên tàu chỉ có cá mập, nhưng họ tịch thu toàn bộ ngư cụ, thiết bị trên tàu trị giá cả tỷ đồng. Chưa kể mất tấn cá, mấy trăm ký vây. Chuyện mất trắng như vậy xảy ra hoài, mất vì bão, vì tàu lạ. Nhưng bị giam giữ lâu như vậy thì đây là lần đầu”, anh Danh cho biết.

Đội tàu dân quân

Theo chân anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Khá, năm nay 61 tuổi, ở KP 2, Phường Ninh Thuỷ, giữa lúc ông đang ngồi chơi đùa với cháu nội 2 tuổi trong căn nhà khá khang trang.

Nỗi niềm làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung ảnh 3

Lão ngư Trần Văn Khá

“Ổng một trong số những người săn mập giỏi nhất ở Thuỷ Đầm. Cơ ngơi này từ vi cá mập mà có đấy”, anh bạn tôi nói. Nghe chúng tôi giới thiệu, ông Khá cười, bảo: “Ở đây vẫn có đội dân quân biển, chuyên săn mập, tôi “giải nghệ” từ gần 10 năm nay rồi”. Sau khi nghe chúng tôi giải thích, ông Khá trầm ngâm: “Ngày trước, ăn tết vừa xong là cả làng chài náo nức ra khơi. Cả một đoàn tàu kéo còi, náo động cả một vùng. Mấy năm gần đây cá ít nên nhiều người đã bán tàu, chuyển nghề. Tôi lớn tuổi rồi, ở nhà trông cháu cho tụi nhỏ nó đi. Con trai tôi cũng tham gia đội tàu dân quân”.

Tôi thắc mắc: “Đội tàu dân quân là sao chú?”. Ông Khá giải thích: Hiện nay, cá mập rất ít, muốn săn chúng, phải tới những ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc xa hơn nữa. Hồi xưa những tàu công suất lớn vẫn đi tự do, đơn lẻ, nên mỗi khi trục trặc, khó khăn, không ứng cứu, hỗ trợ nhau được. Có lần, tàu của tôi bị chết máy ở ngư trường Hoàng Sa, liên lạc với anh em bạn tàu thì mỗi người một nơi, ở xa quá không tới kịp.

Tàu cứ trôi tự do đến gần đảo Hải Nam Trung Quốc mới gặp và được ghe bạn ứng cứu. Nếu để tàu trôi đến vùn biển Hải Nam, sẽ rất phiền phức. Tôi về bàn với anh Đỗ Hữu Lực, một chủ tàu chuyên săn mập trong làng về việc lập đội tàu ngư dân phối hợp. Anh Lực nghe thấy có lý nên bàn với anh em bạn. Và, năm 2013, đội tàu dân quân biển phường Ninh Thủy ra đời.

Ông Khá cho biết, sau khi thành lập, các ngư dân tham gia đội tàu được tập huấn định kỳ các kỹ năng đi biển, cách xử lý tình huống cụ thể để có thể ứng cứu, bảo vệ nhau trên biển khi gặp tàu lạ tấn công. Học các văn bản pháp luật như Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới, Chiến lược biển Việt Nam, phạm vi chiều rộng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Nỗi niềm làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung ảnh 4 Cá mập đánh bắt từ ngư trường Hoàng Sa về bến tàu Thuỷ Đầm
Nỗi niềm làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung ảnh 5
Nỗi niềm làng săn cá mập lâu đời nhất ở miền Trung ảnh 6

“Đội tàu dân quân biển gồm bốn chiếc tàu, ngoài ra còn có hai chiếc khác hỗ trợ, mỗi tàu có từ 10 đến 12 người. Khác với những đội dân quân thường thấy là quân số luôn cố định, nhưng đội tàu dân quân biển thì cơ động. Vì mỗi chuyến biển của ngư dân không cố định, tuỳ theo sở trường, năng lực tàu. Cho nên, họ tự tìm bạn, thấy hợp nhau về mục đích, về năng lực thì đi. Mục đích chính của đội tàu dân quân biển là hỗ trợ nhau và tham gia việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là một sáng kiến rất hay”, ông Phạm Tấn Đang, Chủ tịch UBND phường Ninh Thuỷ.

Theo Theo Báo Nông nghiệp
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.