Nổi trôi những mảnh đời
Những gia đình sống hẳn trên sông để hành nghề chài lưới thưa vắng dần, nhất là ở các đô thị lớn, nhưng Hà Nội vẫn còn đó nhiều làng nổi, xóm nhà phao với không ít cư dân ăn nhờ, ở đậu trên sông còn mưu sinh, kiếm sống chủ yếu trên bờ. Có những nhà nổi hoành tráng mọc giữa sông Hồng, gần quận trung tâm là nơi ăn uống, vui chơi. Còn ở Văn Đức thì khác, xưa nay vẫn là một làng chài thuần túy.
Để về làng chài Văn Đức, theo thói quen, chúng tôi sử dụng ứng dụng chỉ đường Google Maps. Màn hình điện thoại chỉ, từ trung tâm Hà Nội, chỉ cần đến bến phà Khuyến Lương (thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), lên phà là sang đến làng chài. Nhưng mọi thứ không như Google. Bến phà đã đóng vì dịch COVID-19; ngoài phà cũng không có đò lẻ nào nhận chở khách sang sông.
Cô Nguyễn Thị Minh sống cùng con gái trong khoang thuyền chưa đầy 10m2 |
Chúng tôi đành đi lên cầu Thanh Trì, rồi rẽ lên đê Long Biên - Xuân Quan. Từ đê, qua nhiều đường làng, dài quãng 20 km nữa đến một con đường bê tông nhỏ chạy dọc sông bên phải là làng chài Văn Đức. Ở đó, hàng chục ngôi nhà phao quây tôn bạc màu, xen kẽ là những con thuyền nhỏ. Nhà và thuyền nối đuôi nhau, kéo dài chừng 500 m.
Ông Trần Văn Duẩn – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho hay, hiện không có một tài liệu nào ghi chép lại, nhưng theo ông, có lẽ, làng chài Văn Đức đã có từ vài thế kỷ trước. Bởi vì, từ khi chưa có những công trình thủy điện ở thượng nguồn, hệ thống đê điều chưa hoàn thiện, cứ khoảng tháng 6-8 âm lịch hàng năm, làng quanh bờ sông ngập trắng. Khi đó, nhà nào nhà nấy cũng sắm cho mình 1 chiếc thuyền, nước lên là cùng nhau đi đánh bắt cá để mưu sinh. Ông Duẩn cũng tự hào về quê hương Văn Đức có đình thờ thánh Chử Đồng Tử - một trong “tứ bất tử”, tương truyền cũng làm nghề chài lưới như dân làng chài Văn Đức ngày nay.
Trời đã cuối thu, đầu đông nhưng nắng vẫn chói lóa, chiếu vào mặt sông, dội lên rát mặt. Bước qua cây cầu sắt chòng chành, chúng tôi vào nhà ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Trưởng làng chài, người gắn bó với nơi này lâu năm nhất. Rửa mặt bằng nước sông đã đánh phèn, ông Hiền kể, trong trí nhớ của ông, sớm nhất, vào khoảng những năm 60 thế kỷ trước, các gia đình đánh cá trên khu vực sông Hồng quanh Hà Nội, Hưng Yên rủ nhau lập nên làng chài này. Họ lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái làm cho làng chài này ngày càng đông. Có thời điểm, làng có hơn trăm hộ. Nhưng rồi, nhiều hộ khá giả hoặc được gia đình cho đất đã bỏ “cuộc chơi” sông nước.
“Đời ông nội, bố tôi, tôi, con rồi cháu tôi là 5 đời trên sông này. Tôi còn nghe kể lại, trước cả ông nội tôi, cũng đã sống với cảnh thuyền chài này rồi. Lúc đó các cụ có lập làng trên sông hay không tôi không biết” - ông Hiền cho biết. Theo hồi tưởng của ông Hiền, có những năm, thuyền đông lên, cá ở khúc sông Hồng này không đủ để khai thác, nhiều ngư phủ đem theo cả vợ con lên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình (gần đền Kiếp Bạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) để đánh bắt. Có gia đình chuyển ra biển làm ăn, cả năm mới quay về Văn Đức một lần.
“Ngày xưa, các cụ dùng thuyền gỗ rộng chừng 5m2. Cả gia đình 5, 6 người cùng lênh đênh, lang bạt. Bếp củi, đồ ăn, thức uống, nấu nướng ăn ngủ ở trong khoảng không gian chật chội ấy. Có những trận mưa to, củi bị ướt phải hong lên bếp, khô đến đâu đưa vào đun đến đó. Vừa đun vừa thổi có khi sùi cả bọt mép mà cơm vẫn trên sống, dưới khê. Cuộc sống khổ cực, ăn đằng lái, đái đằng mũi”, ông Hiền dẫn câu cửa miệng của các cụ nói về kiếp dân chài.
Ông Hiền kể, trước đây, tôm cá rất nhiều nhưng các cụ đánh theo lối thô sơ, năng suất thấp. Các bà, các mẹ dùng dợ (dây nhỏ- PV) đan lưới ngày đêm, rồi đem đi ngâm. Cái dợ to như chân hương, cá trông thấy có khi đã chạy. Có nhà đánh dọc 3km đường sông mới được một mẻ cá. Đánh cả ngày, mệt thì vào bờ cắm sào qua đêm, sáng ra, có cá lại đem lên chợ bán. “Bán được cá lấy tiền thời ấy cũng khó khăn lắm. Bà nội tôi kể lại, vào những năm đói kém như năm 1945, vỡ đê ở Văn Giang (Hưng Yên) chết bao người. Nhà có mấy chục cân cá mà chẳng ai mua, để lại ăn dần, ăn mãi cũng chán, các cụ đi lấy ngô non ăn qua bữa”, ông Hiền nhớ lại.
Trong trí nhớ của cậu bé Hiền ngày nào, một bộ quần áo mới lúc đó quý lắm. Để giữ được lâu, phải đem đi nhuộm nâu rồi lại lấy bùn ngâm cho cứng để vải lâu rách. Nhưng cũng vì thế, mỗi ngày đi học, cổ của cậu bé Hiền đỏ ửng vì bị cổ áo cứa vào. Cuộc sống kham khổ, cậu bé Hiền chỉ học hết lớp 7 rồi lênh đênh theo con nước.
Đang tỉ tê, ông Hiền bỗng trầm ngâm nhìn về phía vợ mình đang nằm đu võng. Ông bảo, thời thanh niên ông luôn tự ti mình là trai làng chài, khi gặp những thiếu nữ trên bờ xinh gái mà chẳng dám tán tỉnh. “Trai làng tôi đa số nên duyên chồng vợ qua làm mối. Bản thân tôi được ông chú đánh mối, dạm vợ ở phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai), bên kia sông. Năm ấy, 2 chiếc thuyền gỗ nhỏ cùng 7, 8 người thân lên đó đón dâu về”, người đàn ông tuổi lục tuần vừa nói vừa cười chữa thẹn.
Gạo chợ, nước sông
Làng chài Văn Đức hiện có 24 hộ, với gần 100 nhân khẩu. Mang danh là người Thủ đô nhưng cuộc sống gần như tách biệt với dân trên bờ, cũng như nhịp sống sôi động phía bên kia sông. Trước đây, việc tắm, giặt trực tiếp vào nước sông, nay nước ô nhiễm, dân làng cẩn thận đánh phèn chua vào nước để rửa bát, lau mặt, còn ăn uống phải mua nước bình trên bờ. Việc tắm, đàn ông, con trai đơn giản, gọn nhẹ cứ nhảy ùm xuống sông, đàn bà, con gái phức tạp hơn, múc nước sông lên lắng lọc rồi mới tắm gội.
Rời căn nhà nổi của ông Hiền, chúng tôi ghé thăm một con thuyền bên cạnh. Một cô gái trắng trẻo đang ngồi nhặt rau muống chuẩn bị bữa cơm tối. Cô gái nghiêng mặt nhìn những vị khách, rồi chạy vào trong thuyền. Thấy khách lạ, bà Nguyễn Thị Minh, mẹ của cô từ bờ chạy xuống. Bà và con gái sống với nhau trên chiếc thuyền này vì chồng “chuyển kênh” (lấy vợ) khác. Con gái bà Minh trước đi làm thuê cho công ty đồ gốm xã Bát Tràng, nay nghỉ việc vì dịch. Bà Minh thường chèo thuyền sang bến phà gần đó bán nước ngọt, kẹo bánh, thuốc lá… Lúc rảnh, bà lại một mình thân gái lặn lội chèo thuyền, chăng lưới dọc sông.
Cách đó không xa là ngôi nhà nổi của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, cũng chỉ tầm 10m2. Nơi ngủ nghỉ của 4 người trong gia đình được ghép lại bằng những tấm xốp nhỏ. Hai tháng nay, vì dịch bệnh, vợ chồng anh Hùng cũng chỉ túc tắc dong thuyền đi thả lưới. Khi những mẻ cá “tắc không có đầu ra”, anh Hùng lại thả vào nuôi ở chiếc lồng bên mạn thuyền mong lúc nào được giá…
(Còn nữa)