Nỗi niềm giáo viên hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghệ An là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất nước, khoảng 6.000 người. Nhiều giáo viên hàng chục năm qua vẫn chờ được tuyển dụng.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, Nghệ An, 18 năm qua, thầy giáo Vũ Ngọc Việt (42 tuổi) về quê ở huyện Quỳnh Lưu dạy hợp đồng với trường, rồi hợp đồng với huyện. Nhưng các đợt xét biên chế đều không có tên thầy Việt. Hiện mức lương của thầy 4,7 triệu đồng/tháng.

Huyện Quỳnh Lưu hiện có 9 giáo viên hợp đồng dạy cấp THCS. Họ đều tốt nghiệp đại học sư phạm và được UBND huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng về giảng dạy có đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, toàn huyện còn có 15 nhân viên hợp đồng (kế toán, thiết bị thư viện…) tại các trường học. Những người này đều được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng, làm việc trên 10 năm nhưng mức lương vẫn theo hệ số 1,4 - tương đương hơn 2 triệu đồng/tháng. Sau khi được huyện điều chỉnh nâng lương theo mức lương tối thiểu vùng, nhân viên trường học mới có thu nhập 3,6 triệu đồng/tháng.

Nỗi niềm giáo viên hợp đồng ảnh 1

Cô Lê Thị Lợi, giáo viên hợp đồng duy nhất của Trường Mầm non Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An mong có cơ hội được tuyển dụng vào biên chế.

Đầu năm 2024, giáo viên, nhân viên hợp đồng nơi đây đột ngột nhận thông báo dừng chi trả lương. Lý do huyện này nằm trong số địa phương có giáo viên, nhân viên hợp đồng vượt số lượng mà UBND tỉnh Nghệ An giao năm 2024. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có ý kiến và Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An tiếp tục trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng đến khi có hướng giải quyết mới.

Trường Mầm non Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò chỉ còn duy nhất cô Lê Thị Lợi là giáo viên hợp đồng. Chồng đi làm ăn xa, hiện cô phải thuê nhà trọ nuôi con nhỏ. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, cô nhận dạy đàn cho học sinh chuẩn bị thi vào ngành có yêu cầu năng khiếu. “Từ ngày nhỏ tôi đã thích đàn, hát và rất yêu công việc của một giáo viên mầm non. Vì thế, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non, tôi đã kiên trì với công việc này với hy vọng sớm được vào biên chế. Trong 15 năm công tác, thị xã cũng đã có nhiều lần tuyển dụng nhưng tôi không thuộc đối tượng ưu tiên hoặc chưa đủ điều kiện nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hy vọng sắp tới Cửa Lò có chỉ tiêu tuyển dụng vị trí giáo viên mầm non, vì trước đó, các cô được ký hợp đồng theo diện Nghị định 06 và Thông tư 09 của trường đã được vào biên chế”, cô Lợi nói.

Tại huyện Nghi Lộc, nhiều năm nay, địa phương này đã trích ngân sách mỗi năm gần 10 tỷ đồng để chi trả cho gần 270 giáo viên đang hợp đồng tại các nhà trường với mức lương 4,7 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng giáo dục huyện Nghi Lộc cho biết, tháng 2 vừa qua, số giáo viên này vẫn được chi trả lương, nhưng sắp tới chưa biết sẽ xử lý thế nào khi thực hiện theo Nghị định số 111 và Quyết định số 4431 ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Nếu phải dừng trả lương, các giáo viên nghỉ việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảng dạy.

“Chúng tôi đều tốt nghiệp Đại học sư phạm chính quy, có người là thạc sĩ, được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng nhận vào giảng dạy ở bậc THCS. Người nhiều nhất là 18 năm và ít nhất cũng đã 13 năm dạy hợp đồng, nhưng đến nay cánh cửa biên chế vẫn đóng kín với chúng tôi. Thậm chí chúng tôi còn có nguy cơ không được trả lương khi bị đưa ra khỏi diện chi trả”.

Thầy giáo Vũ Ngọc Việt

Vẫn chờ bổ sung biên chế

Tỉnh Nghệ An hiện còn rất nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng, trong đó không ít người đã công tác trên dưới 20 năm. Trong quá trình công tác, dù đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi và được ghi nhận về năng lực chuyên môn nhưng họ chỉ mới được nhận mức lương 4,9 triệu đồng/tháng từ đầu năm 2023. Còn trước đó, họ chỉ được hưởng mức lương có hệ số 1,78 (mức lương nhận được là 85% của hệ cao đẳng), không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được tăng lương theo chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước và không được hưởng tiền đứng lớp. Tất nhiên, những giáo viên này không đủ điều kiện để được xét thăng hạng hoặc chưa từng nghĩ tới việc được bổ nhiệm.

Nghệ An hiện đang thiếu khoảng 6.000 giáo viên. Việc phải tinh giản biên chế đã khiến cho hoạt động của các trường gặp khó khăn. Năm 2023, Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Trung ương bổ sung biên chế để đảm bảo đủ giáo viên dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngày 6/12/2023, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Quyết định số 2392-QĐ/BTCTW bổ sung 2.187 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập từ năm học 2023 - 2024 cho tỉnh Nghệ An. Trong đó, 1.352 biên chế bậc mầm non, 369 biên chế bậc tiểu học, 441 biên chế bậc THCS và 25 biên chế bậc THPT. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã có văn bản đồng ý chủ trương để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về phân bổ 2.187 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập.

MỚI - NÓNG