Nhiều giáo viên hợp đồng dạy ở bậc mầm non tại Nghệ An bị chậm lương, đời sống đang gặp nhiều khó khăn, thế nhưng họ vẫn nhiệt tình dạy và yêu trẻ |
Chật vật
Bốn tháng nay, cô P.T.D (33 tuổi), giáo viên hợp đồng của một trường mầm non trên địa bàn huyện Yên Thành, Nghệ An phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Chồng ốm đau, 2 con nhỏ, cô D. phải một mình gồng gánh, lo toan mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Với mức lương giáo viên mầm non hợp đồng ít ỏi, thường ngày cô phải chi tiêu tằn tiện để đảm bảo cuộc sống. Từ tháng 5 đến nay, cô không còn được nhận lương, khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn.
“Năm học vừa qua thực sự khó khăn với tôi và nhiều giáo viên khác. Lương giáo viên mầm non vốn đã thấp, nhiều tháng nay lại không có lương. Không chỉ tôi mà nhiều giáo viên khác cũng rất mệt mỏi. Một số giáo viên đã chia sẻ ý định sẽ bỏ việc”, cô D. nói.
Dù bị chậm lương suốt nhiều tháng qua nhưng yêu nghề, cô vẫn miệt mài đến lớp, cần mẫn với công việc chăm sóc “những mầm non tương lai”. “Tôi làm nghề đã 14 năm, cũng cố gắng tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi của huyện, tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thể ổn định với công việc mà mình đã lựa chọn. Tôi và nhiều giáo viên hợp đồng khác cố gắng cũng chỉ muốn được ghi nhận, ổn định để yên tâm công tác”, cô D. tâm sự.
Ông Lê Đình Cẩn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành xác nhận, toàn huyện hiện có 238 giáo viên mầm non hợp đồng đều lâm vào cảnh nhiều tháng không có lương. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn, huyện cũng đã làm dự toán gửi Sở Tài chính đề nghị cấp ngân sách để trả lương cho các giáo viên hợp đồng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. “Nhiều cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, cũng thường xuyên phản ánh lên Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Thành. Chúng tôi cũng rất chia sẻ, đồng cảm nhưng cũng không có giải pháp nào khác, chỉ biết động viên các cô cố gắng. Đi dạy mà không có tiền khiến nhiều giáo viên bức xúc”, ông Cẩn chia sẻ.
Chờ đến bao giờ?
Tỉnh Nghệ An hiện có hơn 1.700 giáo viên hợp đồng hưởng lương kinh phí do ngân sách cấp theo Nghị định 06. Đây là đối tượng ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như viên chức. Do các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06 hết hiệu lực vào tháng 12/2021, nên từ tháng 1/2022, hàng nghìn giáo viên hợp đồng lao động này không được cấp ngân sách để chi trả lương.
Để giải quyết khó khăn cho các giáo viên hợp đồng, thời gian qua, một số ít địa phương đã chi trả lương cho giáo viên từ nguồn ngân sách huyện. Còn lại, hầu hết đều giao cho trường mầm non chi trả lương cho giáo viên từ nguồn thu sự nghiệp và nguồn chi thường xuyên được cấp năm 2022. Tuy nhiên, do nguồn thu quá nhỏ, nhiều trường chỉ có thể chi trả theo hình thức tạm ứng, hoặc chỉ chi trả được vài tháng hoặc chưa chi trả.
HÐND tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ. Dự kiến, số tiền để hỗ trợ cho giáo viên mầm non thuộc đối tượng này trong năm 2022 là hơn 127 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 94 tỷ đồng, những năm tiếp nhu cầu kinh phí giảm dần (do được tuyển dụng vào viên chức); kết thúc việc hỗ trợ đến hết năm 2025.
Cô Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trường Trường Mầm non Long Thành (huyện Yên Thành) cho biết, trường có 11 giáo viên hợp đồng diện 06 và 09 ( Nghị định 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tài chính và Nội vụ). Mỗi tháng, tiền lương chi trả cho các giáo viên hợp đồng là 85 triệu đồng, trong đó có hơn 20 triệu đồng là tiền bảo hiểm. “Để hỗ trợ tiền lương cho các giáo viên hợp đồng, 6 tháng đầu năm, nhà trường phải huy động bằng mọi nguồn lực. Tuy nhiên, đến nay nguồn lực của trường đã hết , không còn đủ kinh phí để tiếp tục chi trả lương cho các cô. Chúng tôi cũng rất trăn trở, mong chờ từng ngày chủ trương chính sách hỗ trợ, sớm được vào biên chế để các cô yên tâm công tác”, cô Duyên nói.
Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An đã tháo gỡ khó khăn cho ngành và các địa phương trong việc giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non. Tuy nhiên, việc chi trả phải thực hiện đúng theo quy trình. Sở cũng đang đôn đốc các địa phương sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình UBND tỉnh và Sở Tài chính thông qua danh sách, kịp thời chi trả lương cho các giáo viên.
Ðề xuất chính sách tiền lương mới cho giáo viên
TS Vũ Minh Ðức, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ÐT) cho biết: “Trước mắt, để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác, Bộ đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Bộ GD&ÐT cũng yêu cầu các địa phương có chính sách hỗ trợ phù hợp giáo viên tại chỗ như: hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập, để giáo viên yên tâm công tác. Hà Linh