ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm một trường đại học thành viên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 23/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1124/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Luật là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội trên cơ sở khoa Luật trực thuộc Đại học này. Đây là trường đại học thành viên thứ 9 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Quyết định thành lập, Trường Đại học (ĐH) Luật là cơ sở giáo dục ĐH công lập thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội; thực hiện tự chủ theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; chịu sự quản lý trực tiếp của ĐH Quốc gia Hà Nội, quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH của Bộ GD&ĐT và quản lý về lãnh thổ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm một trường đại học thành viên ảnh 1

Theo đề án thành lập, việc nâng cấp và phát triển Khoa Luật thành Trường ĐH Luật kế thừa truyền thống 46 năm qua của Khoa Luật và các đơn vị tiền thân; thương hiệu và mọi nguồn lực hiện có của đơn vị, đồng thời phát triển và hoàn thiện mô hình đa ngành, đa lĩnh vực của ĐH Quốc gia Hà Nội, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khoa Luật (tiền thân là Khoa Pháp lý) thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1087/QĐ năm 1976 của Bộ trưởng Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT), là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất của nước ta được giao nhiệm vụ chính trị “đào tạo cán bộ pháp lý bậc ĐH” ở thời điểm đó.

Từ năm 2000 đến nay, Khoa Luật là một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Luật học, có con dấu và tài khoản riêng trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội với định hướng phát triển thành Trường ĐH thành viên của ĐH.

Về ngành nghề và quy mô đào tạo, Khoa Luật đang triển khai đào tạo: 4 chương trình đào tạo ĐH; 9 chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng nghiên cứu và 5 chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, trong đó có những chương trình là chương trình đào tạo đầu tiên được mở tại Việt Nam (chương trình đào tạo thạc sĩ Pháp luật về quyền con người), có cả chương trình đào tạo đầu tiên và hiện nay là duy nhất ở Việt Nam (chương trình đào tạo thạc sĩ Luật biển và Quản lý biển, chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng); 6 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ.

Tính đến đầu năm 2022, tổng số sinh viên chính quy là 3.228 (trong đó hệ ĐH 2.099, bằng kép là 350), đào tạo thạc sĩ là 726 học viên, tiến sĩ là 53 nghiên cứu sinh. Trong các năm gần đây, quy mô đào tạo của Khoa Luật ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, đồng thời luôn được xã hội đánh giá cao.

Về nguồn nhân lực, hiện nay, Khoa Luật có 127 cán bộ cơ hữu. Đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu là 78 người, trong đó có 70 tiến sĩ (89,7% cán bộ giảng dạy); 6 giáo sư và 18 phó giáo sư (30,8% cán bộ giảng dạy). Trong số các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam, Khoa Luật trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội có tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ cao nhất.

Như vậy, hiện nay ĐH Quốc gia Hà Nội có 12 đơn vị đào tạo đại học, gồm 9 trường ĐH thành viên: (1) Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, (2) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, (3) Trường ĐH Ngoại ngữ, (4) Trường ĐH Công nghệ, (5) Trường ĐH Kinh tế, (6) Trường ĐH Giáo dục, (7) Trường ĐH Việt Nhật, (8) Trường ĐH Y Dược và (9) Trường ĐH Luật; 2 trường trực thuộc là Trường Quản trị và Kinh doanh, Trường Quốc tế; 1 khoa trực thuộc là Khoa các khoa học liên ngành.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.