Nỗi niềm chủ máy gặt đập liên hợp

Chiếc máy GĐLH của anh Nguyễn Văn Hảo trên đồng
Chiếc máy GĐLH của anh Nguyễn Văn Hảo trên đồng
TP - Giữa tháng 3 này, PV Tiền Phong theo chủ máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đi thu hoạch lúa đông xuân, vỡ ra lĩnh vực vẫn được ca ngợi là “thành công” trong cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, không đẹp như những bức ảnh chụp.

Manh mún

Nắng như đổ lửa, cánh đồng mênh mông lúa chín vàng. Chiếc máy GĐLH của anh Nguyễn Văn Hảo, 30 tuổi, ở ấp Trường Khương, xã Trường Xuân (Thới Lai, TP Cần Thơ) xình xịch chạy lên ruộng. PV Tiền Phong ngồi bên cạnh anh Hảo. Mới đầu, nhìn cái trục phía trước cuốn bông lúa vào cắt rào rào, phía sau thổi rơm bay phơi phới và chảy ra dòng thác lúa óng ánh, thấy thật rộn ràng. Nhưng chỉ chốc lát, khói bụi mù mịt muốn bị ngạt thở. Khói của chiếc máy còn bụi từ rơm, từ lúa tung toé phủ lên áo quần, xộc vào mũi.

“Hôm nay có gió hiu hiu bạt khói bụi đi còn đỡ. Khi trời đứng gió, lại gặp giống lúa Jasmine thì thôi rồi, lá và hạt lúa có lông, tung lên người, bám vào da thịt ngứa không chịu nổi. Lại còn kèm theo hơi của thuốc trừ sâu mà người làm lúa mới xịt, ngây ngất mệt lắm. Về nhà, sáng ngủ dậy mắt đóng ghèn từng cục, và đỏ chạch đau nhức. Cứ hít thường xuyên như thế, dân chạy máy GĐLH ít ai tránh khỏi bệnh viêm mũi, viêm đường hô hấp”, anh Hảo ngoảnh lại nói.

Nỗi niềm chủ máy gặt đập liên hợp ảnh 1

Lái máy và nhân công đóng lúa đều phải bịt kín mặt mũi để chống bụi 

Anh cho biết, máy đang gặt cho ruộng của ông Sáu, miếng này 1,5ha, xong rồi đến miếng thứ hai khoảng 0,3 ha nữa, cách chừng cây số. Đầu chiều, gặt xong miếng thứ nhất, anh Hảo nhễ nhại mồ hôi, tạm nghỉ tìm bóng mát lấy sức. Anh cười mệt mỏi, may là lúa đứng dễ gặt, còn gặp lúa sập phải chạy chậm, vất vả và tốn chi phí. Máy GĐLH đi từ chỗ này sang chỗ khác phải lên chiếc trẹt để đi đường sông, vì ruộng lúa của các chủ khác chưa gặt không thể chạy băng ngang.

Xem ra thời gian đi lại còn tốn hơn thời gian gặt nên từ sáng đến gần 16 giờ, anh Hảo mới gặt được gần 2 ha và anh nói, nhiều nhất từ đầu vụ đến giờ. Cũng theo anh, gặt ngày hôm nay về nghỉ, sau hai ngày nữa mới gặt vài héc-ta cách nhà hơn cây số. Có ngày chỉ gặt 0,5 ha mà phải đi xa hơn 10 km. Anh tâm sự: “Nếu không gặt thì mai mốt dân sẽ bỏ mình kêu máy khác. Trước đây làm còn có ăn, mệt cách mấy đi nữa cũng ham, có khi chạy suốt ngày đêm mà phấn khởi. Còn giờ, chạy vài ba công đi tới đi lui, mất thời gian”.

Bữa trưa, mẹ của anh Hảo là bà Trương Thị Ni, đem cơm ra đồng cho anh và công nhân. Anh Hảo cười: “Làm nghề này ăn cơm ở bụi, ngủ ở đồng là chuyện thường. Ngồi bụi chuối, lùm cây ăn cho xong bữa lấy sức làm tiếp thôi mà, chẳng biết ngon là gì đâu”. Bà Ni ái ngại: “Có máy phải ráng đeo chứ đêm hôm, con mình ngủ ngoài đồng, sương gió cũng lo lắng rầu rĩ ruột gan”.

Cách máy của anh Hảo dăm cây số, máy GĐLH của ông Trần Thanh Điền, 36 tuổi, cùng xã đang chạy. Ông Điền cho biết, phải tranh thủ thời gian vì sông rạch đều cạn do nhiều năm không nạo vét, nếu muộn để khi nước ròng là máy phải nằm một chỗ “chết luôn”. Vừa chạy máy ông Điền vừa kể: “Từ sông lên tới ruộng này chỉ mấy trăm mét nhưng vướng cầu bê tông thấp không qua được, tôi phải đi đường vòng hơn 5 km. Gặt xong, nếu nước còn lớn thì may, nếu nước ròng trơ đáy đành ngủ qua đêm đợi sáng hôm sau nước lớn mới đi, cả ngày coi như chỉ gặt được 1 ha”. Vợ của ông Điền là bà Lữ Thị Kim Nga, theo ghe nấu cơm, cho biết, có khi gặp trời mưa phải chờ đợi cả tuần lễ.

Bấp bênh

Bà Nga kể tiếp, đầu tư một máy GĐLH tốn gần 800 triệu, bà vay mượn để mua hồi năm 2012. Vụ lúa đông xuân năm nay, máy của bà đã gặt được khoảng 30 ha, vợ chồng lấy công làm lãi trừ chi phí được gần 30 triệu đồng. Bà tính, nếu không gặp hư hỏng lớn thì cũng phải mất dăm bảy năm mới lấy được vốn. “Khi đó máy đã rệu rã và người cũng rệu rã theo”, bà Nga thở dài.

Nỗi niềm chủ máy gặt đập liên hợp ảnh 2

Chở lúa về nhà. Ảnh: Hòa Hội

Để có ruộng gặt ở những cánh đồng xa, vợ chồng bà Nga phải thông qua , gặp không ít gian truân. Bà Nga kể, vụ hè thu năm 2013, bà sang huyện Càng Long (Trà Vinh), cò hợp đồng trước cho 30 ha và bà phải chi hoa hồng 150.000 đồng/ha, đến khi đem máy đến nơi, trình cán bộ ấp để tạm trú. Cán bộ ấp đòi phải chi cho họ 100.000 đồng/ha mới cho đem máy ra đồng. Còn tại tỉnh Đồng Tháp cũng thông qua cò, khi gặt xong bị chủ nhà xén diện tích đất. Cụ thể, bà gặt xong miếng đất 2 ha, khi trả tiền thì chủ đất trả có 1,8 ha, còn nói chịu thì lấy không chịu thì thôi. Trong khi, hàng xóm xác nhận diện tích đất đó là 2 ha. Lắm khi, lấy tiền nông dân rồi cũng xén diện tích để bớt tiền. Bà Nga ngậm ngùi: “Làm ở đồng nhà biết chừng nào lấy vốn, còn đi xứ xa thì lệ thuộc vào cò, bị đủ thứ hạnh hoẹ”.

“Cán bộ chính quyền địa phương khi thấy có nhiều máy GĐLH thì vỗ tay cho rằng, nhờ họ lãnh đạo tài tình mà cơ giới hoá được khâu thu hoạch. Khi chủ máy GĐLH gặp khó khăn, nhờ họ hỗ trợ giúp đỡ thì không thấy đâu”,

anh Hảo thở dài.

Cha của anh Hảo là ông Nguyễn Văn Tâm kể, năm 2013, một chủ máy GĐLH ở huyện Thới Lai xuống tỉnh Sóc Trăng theo hợp đồng của cò để gặt 100 ha. Gặt xong, đợigom tiền của dân nhưng đợi hơn tuần lễ không thấy cò đâu, đi hỏi mới tá hỏa là đã trốn mất. Mấy thầy trò tay trắng trở về.

Chiếc máy GĐLH anh Hảo đang chạy do ông Tâm mua đầu năm 2010, để gặt lúa nhà. Lần đầu ra đồng, người dân trong xã đến xem, thấy máy cắt đẹp, thẳng hàng, ít hao hụt thì trầm trồ và sau đó tin tưởng, kêu máy gặt. Năm đầu, ông gặt được gần 200 ha, trừ chi phí còn lời trên 300 triệu đồng.

Nhưng càng ngày có nhiều máy GĐLH thì làm ăn càng khó. Ông Tâm cho biết, trước đây chủ ruộng chờ đợi máy, còn từ năm 2012, máy phải tranh giành chủ ruộng. Chỉ tính mấy xã ở huyện Thới Lai đã thấy có trên 100 máy ở các tỉnh khác thông qua cò kéo tới. Năm 2012, giá thuê máy gặt giảm từ 5 triệu đồngha xuống còn một nửa. mà không có lúa để gặt. Ông nhẩm tính, với giá này trừ chi phí thuê nhân công, dầu mỡ chỉ còn lời khoảng 700.000 đồng/ha, chưa kể chi phí sửa chữa khi máy hư và những sự cố khác.

Nước cùng… bán máy

Theo ông Lữ Văn Năm, 67 tuổi, ở xã Trường Xuân, vụ đông xuân năm nay, chủ máy GĐLH gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Ông giải thích: “Vì lúa không bán được, tất cả phụ thuộc vào ghe mua lúa của thương lái, có ghe tới mua nông dân mới gặt. Do đó, thường phải đợi đến mấy ngày so với hẹn ban đầu. Nhiều lần, gian nan đem máy lên tới ruộng, chủ ghe gọi điện dời ngày vì chưa có ghe tới, đành quay về, chi phí mình phải chịu. Hơn nữa, gặt một ngày nghỉ hai ba ngày nên càng nản. Từ đầu vụ đến nay, tôi làm được chưa đầy 20 ha. Đầu tư tiền tỷ mà như thế này chắc phải bán máy”.

Nhưng bán máy cũng đâu có dễ. Ông Tâm dẫn chứng, một chủ máy ở xã Trường Xuân A (Thới Lai) mua cái máy đầu tiên hồi năm 2011, chạy được một năm thấy có ăn nên vay ngân hàng mua thêm một máy nữa. Thuê nhân công chạy ẩu, hư hỏng, chi phí lớn. Trong khi, từ năm 2012 đến nay toàn vùng có hàng ngàn máy, cạnh tranh nhau gay gắt. Đến đầu năm 2014, kêu bán một máy 300 triệu để trả nợ mà không ai mua.

Theo ông Tâm, đầu tư mua máy phải có ruộng nhiều để trước hết gặt cho ruộng nhà, sau mới tính gặt thuê thì mới đỡ. “Đất ít hoặc không có đất, mua máy GĐLH bị cò và đủ thứ khác xâu xé, chỉ lỗ và mang nợ”, ông Tâm nói. Ông Năm cũng tán thành, nói máy địa phương còn chịu thua trên sân nhà thì đi xa làm ăn, chỉ có thiệt mà thôi.

Trong tình trạng ruộng từng hộ manh mún hiện nay, theo anh Hảo là nếu các chủ máy GĐLH liên kết để chia nhau làm, may ra mới sống được. Tuy nhiên, anh Hảo buồn bã, trước đây các chủ máy gặt trong xã có bàn việc liên kết rồi phân chia khu vực, định giá để giữa nông dân và chủ máy đều có lợi nhưng vì quyền lợi của các bên chưa rõ ràng, người được kêu nhiều, người kêu ít chưa thống nhất được với nhau.

“Cán bộ chính quyền địa phương khi thấy có nhiều máy GĐLH thì vỗ tay cho rằng, nhờ họ lãnh đạo tài tình mà cơ giới hoá được khâu thu hoạch. Khi chủ máy GĐLH gặp khó khăn, nhờ họ hỗ trợ giúp đỡ thì không thấy đâu”, anh Hảo thở dài.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.