Nơi người chăn nuôi không lo “bẻ kèo”

Nông dân hạnh phúc khi bò đăng quang "hoa hậu bò sữa", một hội thi tôn vinh người chăn nuôi và những con bò tốt nhất về các phẩm cấp tại Mộc Châu.
Nông dân hạnh phúc khi bò đăng quang "hoa hậu bò sữa", một hội thi tôn vinh người chăn nuôi và những con bò tốt nhất về các phẩm cấp tại Mộc Châu.
TP - Câu chuyện về “những tỷ chăn bò” trên thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La) không còn xa lạ trong những năm gần đây. Vùng thảo nguyên Tây Bắc ngày càng xanh tươi và trù phú, với sự phát triển không ngừng của ngành chăn nuôi bò sữa và những sản phẩm từ sữa mang thương hiệu Mocchaumilk.

Khi lợi ích được sẻ chia

Bộ NN&PTNT vừa trao giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” và danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” cho Mochaumilk như một sự ghi nhận những đóng góp lớn của đơn vị này cho ngành trong nhiều năm qua. Đây là giải thưởng cao quý duy nhất của Bộ NN&PTNT nhằm biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có những sản phẩm chất lượng cao và đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nơi người chăn nuôi không lo “bẻ kèo” ảnh 1

Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch Mochaumilk nhận Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ 2 do Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trao tặng

Mộc Châu đứng vững và phát triển mạnh, chính là dựa vào mô hình khoán hộ và liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi bò sữa. Đây cũng là mô hình được xem là thành công nhất trong chăn nuôi bò sữa theo nông hộ ở Việt Nam. Hiện quy mô các hộ ở Mộc Châu trung bình 32 con bò/ trại và liên tục được mở rộng. Thậm chí, có nhiều trang trại quy mô gần 200 con. Tổng đàn bò sữa tại Mộc Châu hiện lên tới 18.000 con, cung cấp ra thị trường khoảng 180 tấn sữa/ngày. Tất cả các trang trại chăn nuôi đều đạt tiêu chuẩn Viet Gap.

Ngoài ra, Mochaumilk đang thực hiện có hiệu quả việc liên kết với nông dân trong vùng để trồng và cung cấp thức ăn cho đàn bò sữa của công ty. Riêng vụ xuân hè 2015, Công ty đã mua trên 80.000 tấn ngô cây cả bắp để ủ ướp, 12.000 tấn ngô hạt khô, 3.500 tấn sắn khô tại địa phương. Các chương trình trên đã tạo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập khá. Việc liên kết với các nông dân ngoài công ty trong vùng đã giúp hoàn thiện hơn chu trình chăn nuôi của Công ty với chủ trương “thức ăn vào trong công ty, bò sữa ra ngoài công ty”.

Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, điều đáng ngại nhất vẫn là rủi ro từ “ông giời” và dịch bệnh. Vì thế, Mochaumilk đã tính “đường dài”, khi tiên phong thực hiện và thành công các chương trình bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa hơn 10 năm nay. 

Tại Mộc Châu, nông dân chỉ cần đóng đóng 600 nghìn đồng/năm tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng; bò thải loại được đền bù 10 triệu đồng. Số tiền đó, cộng với tiền bán thịt bò khoảng 8 triệu đồng, sẽ đủ mua một con bê thay thế. Ngoài ra, với chính sách bảo hiểm giá sữa, nông dân chỉ cần đóng 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá quá thấp, sẽ được trợ giá 60% số tiền chênh lệch.

Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Mocchaumilk chia sẻ, bảo hiểm là mô hình hiện đại trên thế giới, là cách để công ty chia sẻ những rủi ro với người chăn nuôi, giúp nông dân vững tin, phát triển đàn bò, gắn bó lợi ích công ty. Cùng với bảo hiểm, Mochaumilk còn có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân về thức ăn, giống, kỹ thuật, tiền thưởng…

Ngoài ra, đến trung tuần tháng 10 hàng năm, Mochaumilk  lại tổ chức “hoa hậu bò sữa” Mộc Châu, nhằm tôn vinh người chăn nuôi tạo ra dòng bò hạt nhân cao sản; đồng thời trở thành một nét văn hóa độc đáo trên thảo nguyên Mộc Châu. Đến nay đã có 10 điểm trường được Mochaumilk cung cấp miễn phí sữa tươi, với hơn 3.000 cháu được uống sữa, trong đó có nhiều trẻ em dân tộc Mường, Mông, Thái, Dao...

Sát cánh cùng nông dân hội nhập

Theo ông Chiến, “sân chơi” hội nhập và Hiệp định thương mại Thái Bình dương (TPP) nói riêng, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam không có ưu thế bằng Mỹ, New Zealand…bởi họ có quỹ đất lớn, công nghệ hiện đại. “Ông lớn” của ngành sữa thế giới như New Zealand, họ có diện tích nuôi bò lên tới hàng trăm nghìn héc ta với khoảng 4-5 triệu con bò sữa, vì thế giá thành rẻ hơn và sản phẩm sữa đã có tiếng khắp thế giới.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Mocchaumilk, quá trình hội nhập và cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nên doanh nghiệp và nông dân phải gắng sức, hợp lực cùng nhau “tác chiến”. Trên thực tế, Mocchaumilk đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Đó là nâng dần quy mô chăn nuôi nông hộ để tăng khả năng ứng dụng cơ giới hóa; áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Chiến, Mộc Châu sẽ tăng quy mô đàn từ 30-32 con/hộ hiện nay lên 35-40 con/hộ, sẽ có 30% nhóm hộ nuôi quy mô lớn khoảng 100-200 con/hộ. Cùng với đó, công ty đẩy mạnh đào nhân lực trong các vấn đề như chăn nuôi, thú y, dinh dưỡng, quản trị…

“Trọng tâm của chúng tôi vẫn là chăn nuôi nông hộ và thực tế nhiều nước như Mỹ, Canada… cũng đều như vậy. Hiện quy mô chăn nuôi bò sữa tại các nông hộ ở các nước có nền chăn nuôi bò sữa tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Canada cũng chỉ từ 100 - 300 con/hộ. Mocchaumilk sẽ tiếp tục xây dựng thêm cơ sở chế biến sữa và thức ăn; tăng cường liên kết vùng với nông dân các khu vực lân cận”- ông Chiến nói.

Mộc Châu sẽ nâng tổng đàn từ 18.000 lên khoảng 35.000 con bò sữa trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty cũng xác định phải càng ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm bán ra thị trường. Ông Chiến cũng tự tin rằng, trong tương lai không xa, Mộc Châu sẽ sản xuất sữa hữu cơ. 

Hiện ở Mộc Châu, năng suất sữa tươi đạt 7,4 tấn/chu kỳ, mục tiêu  trong 5 năm tới sẽ tăng năng suất lên 8 tấn/chu kỳ. Ngoài ra, Mộc Châu sẽ tăng mô đàn từ 30-32 con/hộ hiện nay lên 35-40 con/hộ, trong đó sẽ có 30%  nhóm hộ nuôi quy mô lớn khoảng 100-200 con/hộ. Nâng tổng đàn bò lên 35.000 con trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG