Ca sĩ Hồng Nhung vẫn diện quần jeans phối với áo dài lên sân khấu. Chị có dễ dãi không? Chắc là không. Năm ngoái, Festival Áo dài Hà Nội ở Hoàng Thành, người mẫu nam trình diễn áo dài mặc với quần jeans, đạp chiếc xích lô kết hoa chạy lòng vòng quanh sân khấu. Rất hấp dẫn, gợi cảm.
Còn quần jeans vào nhà hát hàn lâm như Nhà hát Lớn thì sao? Tôi vẫn thấy cánh phóng viên vận quần jeans để tác nghiệp ở đây. Không vấn đề gì. Khán giả vận quần jeans vào nhà hát đúng là có vẻ không trang trọng lắm, nhưng quần jeans đẹp so với váy mô-ve gu và quần tây không đẹp thì cái gì hơn?
Bởi các nhà thiết kế thường cho rằng với jeans, họ có thể chế hàng nghìn kiểu. Có jeans sang trọng và có loại chỉ cần tiện dụng. Jeans quá bó, cạp quá trễ hoặc te tua đi vào nhà hát, đương nhiên dễ bị soi, bị cho là kém lịch sự.
Đi trên đường phố Seoul (Hàn Quốc), thấy đàn ông đến công sở đều mặc veston, đi giày, thắt cravat trịnh trọng. Áo quần là thẳng nếp. Sải những bước dài ngoẵng, lưng thẳng tưng. Trong khi đó, công sở Mỹ mặc hoàn toàn thoáng. Mới nói, hay dở tùy quan niệm. Nay, cả thành phố Cần Thơ định nói “không” với quần jeans nhưng quần tây áo sơ-mi có chắc đã chỉn chu hơn jeans?
Bởi vì người Việt chúng ta quen mặc tuế tóa, áo quần không là phẳng, phối màu kém tinh tế, kiểu dáng cũng thế. Nhất là đàn ông trung niên, đường nét cơ thể xuống cấp lắm rồi mà quần thì lại còn phồng đầu gối, vặn vỏ đỗ. Thắt lưng sờn. Áo nhàu nhò, màu sắc nhuôm nhoam. Đôi khi đi trên đường, cứ tự hỏi cơn cớ làm sao người phụ nữ kia, đàn ông kia lại chọn màu đó, họa tiết đó để mặc.
Jeans có chất liệu và kiểu dáng “bụi”. Không hợp lắm với cơ quan hành chính, ngân hàng...Nhưng các ngân hàng thường có đồng phục của mình. Nói chung một số cơ quan có đồng phục thì không nói làm gì, còn thì mỗi nơi nên lựa tính chất công việc của mình mà đề ra qui định riêng về phục trang. Bởi ăn mặc là vấn đề nhạy cảm, hay bị liên tưởng nhân quyền. Không cẩn thận thì Cần Thơ trong ấn tượng của mọi người, từ nay được nhắc nhớ như một “thành phố cấm jeans”. Nhất là quan niệm của lãnh đạo Cần Thơ “jeans có nguồn gốc Âu Mỹ, không phù hợp người Việt” nghe cổ hủ. Cuối cùng, quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng làm việc nơi công sở cũng như thái độ, phẩm cách của công chức. Áo quần cùng lắm chỉ thuộc hàng ưu tiên thứ hai.
2/ Mũ cối trong ngày khai giảng ở trường THPT Thanh Chương 3, Nghệ An cũng khiến phân hóa dư luận. Nếu nhân khóa học quốc phòng mà nhà trường muốn tạo hình ảnh độc lạ, chỉ một hôm thôi, thì thiết tưởng luồng dư luận phản đối, lo ngại “quân sự hóa ngày khai giảng” là hơi quá. Nếu bắt ép phải đội mới thành chuyện. Áo ai nấy mặc, hồn ai nấy giữ. Mũ, nón cũng vậy thôi.
Một thời chúng ta dùng tem phiếu và hàng mậu dịch để có được thức ăn thức mặc na ná nhau. Đến nỗi Hà Nội, Thủ đô, đất thánh mà trông không khác cuộn phim đen trắng. Cho nên bất cứ gì gợi hình ảnh đồng loạt, bị bắt ép đều dễ dậy sóng. Đây là điều mà các cơ quan đoàn thể cần lưu tâm.
3/ Cựu Tổng thống Obama thời đương chức, hơn một lần đọc diễn văn khai giảng ở một trường nào đó. Có một cuộc, ông nói thú vị về môn đức dục: “Khi còn đi học, không phải môn nào tôi cũng thích, không phải lúc nào cũng chú tâm học hành. Nhớ khi tôi học lớp 8, phải học môn Đức dục. Tôi không nghĩ Đức dục lại nằm trong danh mục những môn học yêu thích nhưng đây mới là điều thú vị: Về sau, lúc nào tôi cũng nhớ môn Đức dục này. Tối nhớ cách nó khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi nhớ khi bị hỏi những câu như: Trong cuộc sống, cái gì là quan trọng? Thế nào là coi trọng nhân phẩm và tôn trọng người khác? Chúng ta tìm cách sống chung với mọi người
thế nào?...”.
Khen Obama nói hay thì cũng như khen nước Mỹ giàu, khen Trung Quốc đông dân. Nhưng nhân đây cũng nói, sau thời gian dài lên án các buổi khai giảng lê thê, nay mọi người dường như có xu hướng ngả sang cực khác: Đơn giản hóa quá mức. Rằng chỉ cần phát biểu vài câu, đánh tiếng trống, xong vào học luôn khỏi lôi thôi. Khai giảnag đúng nghĩa thực ra vẫn quan trọng, vẫn nên có thông điệp đầu năm, bởi đó là ngày đáng nhớ trong năm, trong khi thời gian của cô trò cũng không hiếm quý, châu ngọc đến nỗi phải tiết kiệm từng phút. Vẫn cần có kỷ niệm, có sự khắc ghi ngày này, là sự khởi đầu hào hứng cho một năm. Hơn nữa học cũng là đấy chứ đâu. Mỗi tội, lâu nay các trường đều học trước khai giảng đến ba tuần, thành ra mất thiêng, sự mất thiêng này kéo theo sự mất thiêng khác, dần dà không thấy cái gì là
quan trọng nữa.
Năm nay GS Văn Như Cương có bài phát biểu về “bệnh lười” khá hay trong khai giảng. Nếu chưa từng đọc một diễn văn khai giảng khác của Obama cũng đề cập bệnh này, thì bài của GS Cương sẽ thuyết phục hơn. Và đến diễn văn của Obama mà còn bị một số phụ huynh Mỹ tẩy chay, cho là lồng chính trị một cách không cần thiết, thì chuyện mũ cối trong khai giảng khiến người khen kẻ chê âu cũng sự thường.