Ngày ở điểm nóng
“Sớm quá vậy….trời chưa tối”, vài ngư dân ngồi trên tàu thốt lên. Lời nói của họ như cái lắc vai người thuyền trưởng đang cầm lái rằng, vào vòng Nguyệt Thiềm quá sớm thì nó (lính Trung Quốc) sẽ đưa ca nô ra săn đuổi. Nhưng từ vị trí cách cửa vòng Nguyệt Thiềm 7 hải lý, chiếc tàu đi vào tới gần giữa vòng cung là trời sập tối và ngư dân có thể bắt đầu phiên lặn cá. Mỗi phiên lặn kéo dài khoảng 45 phút và nếu tàu vào muộn, thuyền trưởng quá thận trọng sẽ lỡ mất vài phiên, thu nhập thua tàu của bạn.
Ngày 19/2/2015, đó là một ngày đặc biệt đối với các ngư dân Hoàng Sa. Vì đột nhiên tàu của ngư dân lại tiến vào vòng Nguyệt Thiềm giữa ban ngày. Tàu cá QNg 95341 TS do ông Nguyễn Văn Tẩn làm thuyền trưởng bị mắc cạn giữa cồn cát. Tọa độ con tàu bị mắc cạn gần đảo Duy Mộng, cách không xa vị trí thời 1974 ấy rất nhiều tàu chiến Trung Quốc từng co cụm trước khi xông về phía các tàu chiến của chính quyền Sài Gòn trong trận hải chiến Hoàng Sa. Ngư dân vào vòng đây, cứ ban đêm chạy vào, ban ngày lùi ra, nhưng ngày hôm đó, chiếc tàu này bị phơi trên bãi ngầm.
Ông Tẩn gọi 2 tàu cá QNg 90281 TS, do ngư dân Đặng Tự làm thuyền trưởng và tàu QNg 90732 TS do Võ Văn Hải cầm lái vào cứu kéo.
Tàu cá QNg 90732 TS tiến vào trước, ông Tự cho tàu chạy chậm hơn để “thăm dò” tình hình. Bởi một tàu tuần tra Trung Quốc mang số 46102 đang neo sát tàu bị nạn. Con tàu QNg 90732 TS liên tục lượn lờ, vì các ngư dân không muốn rơi vào thế bị kẹt cả chùm. Khi các ngư dân trên tàu của ông Hải vừa nối dây để cứu kéo thì các ngư dân la to “mắc bẫy, nó bắt mình luôn”. Hóa ra tàu Trung Quốc 46102 chỉ chờ 2 tàu dính chùm là xông tới bắt. Phía sau tàu Trung Quốc 4022 đuổi theo bắt cả tàu của ông Tự.
Cuộc giải cứu tàu bị nạn giữa ban ngày được các ngư dân tường thuật trực tiếp trên Icom vào đất liền. Ở làng chài, vợ các ngư dân thấp thỏm. Giữa ban ngày sao dám chạy vô lạch vậy hả trời!”. Cuối cùng, Icom im bặt với thông tin cuối cùng được gởi đi “nó bắt hết sạch rồi, chuyến này chắc đói”.
5 giờ ở vòng cung
Khi tàu đánh cá của ngư dân áp sát vòng Nguyệt Thiềm thì ngư dân có treo cờ Tổ quốc hay không? Thông thường, tàu cá đều quấn cờ vào cọc, khi trời tối lại mở ra. Ở vòng Nguyệt Thiềm, ngày là Trung Quốc, đêm là Việt Nam. Mỗi khi đêm xuống, vòng Nguyệt Thiềm như một ngôi làng Việt, các ngư dân rất ít nhìn thấy nhau, nhưng gặp nhau trên sóng Icom. Còn nhớ những chuyến đi xuôi ngược và vào vòng Nguyệt Thiềm theo hướng cửa bắc (gần đảo Ốc Hoa), một thuyền trưởng la to “mở cờ được rồi, tàu 48 đã mở cờ Tổ quốc, tiến vô anh em ơi!”.
Trong vụ việc 3 tàu cá đi giải cứu bị bắt giữ kể ở trên, các ngư dân ở 3 tàu đều bị dồn lên trước mũi từ lúc 10 giờ trưa, giữa cái nắng Hoàng Sa như đổ lửa. Trên tàu của ông Tẩn, ngư dân Nguyễn Văn Đạt ra hiệu với một lính Trung Quốc cho xuống sau ca bin để nấu cơm. Không đồng ý, nhưng người lính chui vào bếp và bê nồi cơm còn thừa từ bữa sáng, 10 người thò tay nhón từng bụm cơm nhỏ. Mãi đến 2 giờ chiều các ngư dân mới được chui vào ca bin tránh nắng.
Trong thời gian trên, 6 lính Trung Quốc nhảy lên tàu lục soát, chặt phá dây hơi, tháo gỡ các thiết bị như máy định vị, thông tin. Một lính Trung Quốc ngoắc tay ra hiệu cho 3 ngư dân là Quốc, Thông và Đạt chui xuống hầm xúc cá đổ sang ca nô để chở vào đảo.
Tìm cờ dưới đáy biển
Ở vòng Nguyệt Thiềm, ngày Trung Quốc, đêm Việt Nam, vì vậy, mỗi buổi bình minh lên, khi 2 tàu cá gặp nhau để “tiễn người, gởi hàng” đều có diễn ra màn kéo cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa. Những thuyền trưởng hàng đêm lên Icom thông tin và chia sẻ về tình hình chuyến biển. Nếu ngư dân trên tàu nào có việc cần gấp, có người đau ốm, hoặc gởi đồ nghề vào đất liền để sửa chữa trước, các ngư dân thường hẹn nhau ở một tọa độ vào lúc 5 giờ sáng. Đó là lúc ráng hồng bắt đầu phủ khắp bầu trời. Hai chiếc tàu gặp nhau, ngư dân vẫy tay chào, sau đó là màn kéo cờ cho tàu lượn vài vòng trước khi tạm biệt.
Trong vụ việc 2 tàu cá vào vòng Nguyệt Thiềm cứu nạn, sau đó bị thu giữ ngư lưới cụ, khi rời vòng Nguyệt Thiềm, ngư dân Nguyễn Tâm nói khẽ “vớt cờ” rồi lao mình xuống biển. Chiếc tàu neo ở sát đảo, độ sâu chừng 20 mét nên anh đã tìm được lá cờ Tổ quốc. Lá cờ ướt mặn nước Hoàng Sa được các ngư dân đưa vào buồng lái.
Số là, khi khống chế 3 tàu của ngư dân ta, có một lính Trung Quốc quá khích lên nóc ca bin bẻ cờ vứt xuống biển. Anh em ngư dân giận run người nhưng đành kiềm chế.
Ba con tàu chòng chành trở về đất liền với khoang thuyền rỗng, bởi toàn bộ thiết bị lặn đã bị chặt phá. Ngư dân Nguyễn Tâm cùng các bạn chài kể lại chuyến “nhập cung” Nguyệt Thiềm giữa ban ngày, rồi căng lá cờ cho tôi chụp tấm ảnh kỷ niệm.
Nhớ lại khoảng khắc lặn xuống biển tìm lá cờ, anh cho biết “lá cờ là biểu tượng của Tổ quốc mình. Mình không thể bỏ lại lá cờ, không thể bỏ Tổ quốc, không thể bỏ Hoàng Sa”.
(Còn nữa)
Ngồi trên tàu, lắng nghe tiếng ngư dân qua máy Icom, tôi thường xúc động khi nghe bà con nhắc đi nhắc lại cụm từ “ra giữ đảo”. Cụm từ này luôn vang vọng trên những con tàu thẳng hướng Hoàng Sa.