Nơi cần không di, nơi di thì không cần

Nơi cần không di, nơi di thì không cần
TP - Kế hoạch di dời các cây xăng trên địa bàn Hà Nội đã phải lùi đến cuối tháng 10 và danh sách các cây xăng nằm trong diện di dời cũng được rút xuống. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lo lắng khi mà rất nhiều cây xăng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ở khu vực nội đô lại không nằm trong danh sách phải di dời, dỡ bỏ.

> Không đủ điều kiện phải dừng kinh doanh cây xăng
> Bài 1: Kế hoạch di dời đã có 10 năm

Thoát danh sách “đen”

Sau nhiều cuộc họp bàn, cuối cùng UBND TP Hà Nội cũng phê chuẩn danh sách số cửa hàng kinh doanh xăng dầu không đảm bảo tiêu chuẩn buộc phải di dời.

Nhìn vào danh sách 12 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải di dời, giải tỏa nhiều người lo ngại khi rất nhiều cây xăng áp sát khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ở các quận nội thành lại không nằm trong danh sách này.

Cụ thể, trong danh sách chỉ còn lại 4 cửa hàng nằm rải rác ở 4 quận nội thành, số cửa hàng còn lại thuộc các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Phú Xuyên, Hoài Đức, Mỹ Đức, Mê Linh... “Sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), rất nhiều cây xăng nằm gần sát khu dân cư ở nội thành đã được kiến nghị di dời, giải tỏa thì nay lại không thấy. Các cây xăng nội thành nguy hiểm cần di dời thì không di còn các cây xăng ở ngoại thành xa khu dân cư không cần di dời thì lại nằm trong danh sách”, ông Hoàng Lê Minh ở phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ.

Theo Sở Công thương Hà Nội, kế hoạch di dời các cây xăng không đủ điều kiện an toàn ra khỏi nội thành trước ngày 15/9 đã không thể được thực hiện khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu “khó”, lộ trình thực hiện quá gấp rút và có thể làm xáo trộn thị trường. “Nay thời gian di dời đã được lùi còn danh sách thì rút xuống nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn chậm thực hiện”, đại diện Sở Công thương cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều cây xăng ở các quận nội thành không nằm trong danh sách kể trên đều nằm sát khu dân cư, khó đảm bảo an toàn cháy nổ, có diện tích quá hẹp hay nằm ở các điểm nút giao thông quan trọng.

Đơn cử như cây xăng tại số 9 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) của Cty Xăng dầu Khu vực 1 nằm ở nút giao trọng điểm giữa các tuyến phố Trần Hưng Đạo - Hàn Thuyên - Lò Đúc - Lê Thánh Tông được liên ngành đề xuất cho phép tồn tại để cải tạo với lý do “qua kiểm tra thực trạng đã có giải pháp và có khả năng khắc phục về phòng cháy, chữa cháy, ATGT...”; Cây xăng số 171 Trường Chinh (quận Thanh Xuân) của Tổng Cty XD công trình hàng không ACC từ chỗ nằm trong danh sách phải di dời thì nay được phép tồn tại đến khi hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vào tháng 5/2014.

Hay như cây xăng số 4 Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) của Cty CP xăng dầu chất đốt Hà Nội, nằm trên con phố chật hẹp gần khu dân cư đông đúc và liền kề với các cơ quan công sở, khu công viên Thống Nhất nay được cải tạo để tồn tại với lý do “Cty có kế hoạch phối hợp với ban ngành đảm bảo việc bán hàng không ảnh hưởng tới an toàn giao thông, trang bị thêm các thiết bị để đảm bảo an toàn cho cửa hàng ở mức cao nhất”.

“Lọt lưới” vì thiếu quỹ đất?

Ngay cả khi quyết định di dời, giải tỏa của thành phố đã ban hành, nhưng theo ghi nhận của phóng viên hiện nay việc di dời, cải tạo các cây xăng nằm trong danh sách diễn ra rất ì ạch.

Trong số 4 cửa hàng thuộc 4 quận nội thành buộc phải di dời gồm: Cây xăng ở 280 Đội Cấn (quận Ba Đình) của Cty xăng dầu KV1; cây xăng số 2 D Khâm Thiên (quận Đống Đa) của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội; cây xăng ở đường Kim Giang (quận Thanh Xuân) vẫn “án binh bất động”, duy chỉ cây xăng số 179 Đê La Thành (quận Đống Đa) đến nay đã tiến hành di dời và hiện đang được cải tạo thành cửa hàng kinh doanh mặt hàng mới.

Đáng lưu ý là, trong số 32 cửa hàng kinh doanh xăng dầu được phê duyệt cải tạo để tồn tại có nhiều cửa hàng không được quy hoạch làm cửa hàng xăng dầu hay không đảm bảo về khoảng cách an toàn đối với khu dân cư nhưng nay lại tiếp tục được gia hạn thời gian di dời.

Đơn cử, cửa hàng xăng dầu số 249 Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ), hiện áp sát với khu dân cư đông đúc nhưng được tồn tại với lý do “có ý kiến của UBND quận về việc đề nghị xem xét cho cửa hàng tiếp tục kinh doanh; do địa điểm không được quy hoạch làm cửa hàng xăng dầu chỉ được tạm cấp giấy chứng nhận 1 năm..”; hay cửa hàng km6 đường Giải Phóng-Giáp Bát; cửa hàng km9 QL 1A Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), do thuộc diện di dời của dự án khác nên tạm thời được “tiếp tục kinh doanh”.

Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, nhiều cửa hàng trong diện di dời có khả năng cải tạo để đáp ứng các quy chuẩn; có thể áp dụng công nghệ mới để đảm bảo an toàn PCCC nên được đề nghị cho phép tồn tại để cải tạo.

“Hơn nữa tại các quận nội thành không còn quỹ đất để bố trí xây dựng cửa hàng xăng dầu thay thế, do đó việc dỡ bỏ cửa hàng xăng dầu có thể ảnh hưởng lớn đến việc đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng dầu của người dân trong khu vực” , ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương lý giải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.