Nỗi buồn của Bảo Ninh

Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” tại Nghĩa trang Trường Sơn năm 2003. Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN
Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” tại Nghĩa trang Trường Sơn năm 2003. Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN
Tết nhất đương nhiên nên nói những chuyện tươi sáng nhưng câu chuyện của chúng tôi lại xoay quanh những chủ đề dễ mà vui buồn lẫn lộn như hòa giải dân tộc hoặc “người nổi tiếng nhất văn đàn” Nguyễn Huy Thiệp đang bệnh trọng… Hơn nữa, hớn hở dù sao cũng không phải tạng của tác giả “Nỗi buồn chiến tranh”.

Văn chương và văn hữu

Nỗi buồn của Bảo Ninh ảnh 1 Bức ảnh này, chụp 1993, được chúng tôi đặt cạnh những ảnh chung gần đây với chú thích: “Hãy xem thời gian đã làm gì những người này”. Từ trái qua: nhà văn, Nhà biên kịch Trần Hoàng Bách, nhà văn Trung Trung Ðỉnh, tác giả bài báo, và nhà văn Bảo Ninh. (Tại một hội thảo ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam). Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN

Tôi biết anh chẵn ba chục năm. Hình như suốt 30 năm ấy, cuộc sống của anh chỉ xoay quanh việc làm thế nào viết cuốn thứ hai hay hơn hoặc bằng“Nỗi buồn chiến tranh” mà không thiết tưởng đến chuyện gì khác nữa?

Năm ấy, 1991 nhỉ.  Nói gì 30 năm, chỉ cần là một năm thôi, lúc giao thừa nhìn lại đã biết bao nhiêu nông nỗi buồn vui. Hồi tưởng khiến ta nhớ nhung ngậm ngùi và cả ngạc nhiên nữa. Ngắm mấy bức ảnh chụp hồi ấy Vinh vừa gửi cho: Trung Trung Đỉnh, Trần Hoàng Bách, Minh Thái ... tươi trẻ, sung sức đến vậy. Năm đó Vinh vừa đầu quân báo Tiền Phong, và một trong những bài đầu tiên bạn viết là về Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Cùng muốn ôn lại hồi ấy nên chúng ta có cuộc trò chuyện này, chứ không thì bản thân tôi mà như bạn nhận thấy: “30 năm qua chỉ xoay quanh …”,  quả thật là chẳng có cái sự gì đáng để có thể nói năng thổ lộ với Vinh và bạn đọc.

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét văn Bảo Ninh rằng hay thì thật là hay nhưng có nhược điểm là câu nào cũng hay cũng trau chuốt khiến người đọc căng thẳng. Theo ông, đôi khi phải thả lỏng, chen ngôn ngữ đời thường, sai ngữ pháp một tí, sẽ tự nhiên hơn. Ông ví von “một cô gái nét nào cũng đẹp nếu có chiếc răng khểnh tức là không hoàn hảo, thì rất duyên. Tôi nói với Bảo Ninh cậu còn thiếu cái duyên đó”. Đúng vậy sao?

Có lẽ nhà văn Nguyên Ngọc nói thế vì muốn làm nhẹ bớt đi lời phê phán để tôi đỡ tự ái. Dĩ nhiên tôi vẫn thấy nóng tai, nhưng chỉ lúc đầu, một lúc thôi. Nhà văn Nguyên Ngọc là người thầy của tôi từ thuở ban đầu tôi học viết văn cho đến nay, và mãi bao năm qua ông vẫn thường để tâm chỉ bảo nhận xét, phê bình những gì tôi viết, một cách chân tình và luôn xác đáng. Câu nhận xét của ông mà bạn vừa nêu chỉ ra rất đích đáng cái cố tật trầm trọng và không thể cách sao sửa được trong sự viết lách của tôi. Cái tật cầu toàn quá đáng. Mài vuốt nắn nót thì hay làm sao được, hoàn toàn mất tự nhiên. Cố tật ấy hành hạ và làm khổ tôi. Nó khiến tôi viết lách chậm rề và càng ngày càng trở nên cũ kỹ. Tôi thấy mình tựa như một người thợ xây đã hết thời, trong thời buổi toàn những cao ốc nhôm, kính, nhựa, thép được xây dựng bằng những kỹ thuật và phương tiện cực kỳ hiện đại, lại cứ chật vật với cái phay, quả dọi, thước gỗ, chi ly kỳ cạch với từng viên gạch, cất mãi chẳng nổi một góc tường. Cố tật này chẳng những có hại cho sự viết mà còn cả cho sự đọc của tôi. Nó khiến tôi nhiều khi chỉ qua một trang, thậm chí vài dòng một cuốn tiểu thuyết, nghe nói là rất hay, mà bỏ không thể đọc tiếp. Nó khiến tôi không thể làm công tác biên tập viên. Hồi giúp việc cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở Văn Nghệ Trẻ tôi đã để buột mất của tòa soạn khá nhiều bản thảo truyện ngắn đầu tay của không ít tác giả mà về sau thành nhà văn danh tiếng.

Nhưng, ngẫm lại, tôi thấy cái tật ấy của tôi cũng một phần do tại thầy Nguyên Ngọc, thầy Nguyễn Minh Châu, thầy Hoàng Ngọc Hiến ở Trường Viết văn Nguyễn Du.  Hồi đó các thầy có thể nói là riết róng với từng chữ một trên từng dòng những truyện ngắn “bài tập” của chúng tôi, đám học trò văn xuôi. Tôi, và chẳng riêng tôi, phải bao lần đỏ tai vì bị các thầy chỉ trích, nhiều khi rất nặng lời, bởi một tính từ, một động từ, một danh từ, một dấu phẩy, dấu chấm được dùng một cách non yếu, kém cỏi, các thấy thấy là không xứng đáng với sức nặng, với tầm cao, với chiều sâu của Tiếng Việt.

“Ba mươi năm qua tôi gặp gỡ nhiều nhà văn nhà báo nước ngoài đến Việt Nam, và cũng đi nhiều nước, gặp gỡ nhà văn cùng độc giả ở các nước ấy. Trong trò chuyện tại nhà tôi hay ở Mỹ, ở Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, tôi luôn được nghe người ta hỏi về và bàn về Nguyễn Huy Thiệp”

Nhà văn BẢO NINH

Về người cũng cực nổi như anh - Nguyễn Huy Thiệp, nhưng văn chương có độ xô bồ bụi bặm, tự nhiên hơn anh. Tháng 5 năm ngoái  thăm anh Thiệp bị tai biến về, tôi gặp anh và Nguyễn Việt Hà, thế rồi anh cứ nói đi nói lại: “Cả nước này chỉ có một Nguyễn Huy Thiệp! Đó không phải bệnh nhân bình thường mà là nhà văn tầm châu lục. Các người làm gì thì làm!”. Anh có thể nói thêm vì đâu lại so sánh ca Thiệp với anh phi công- bệnh nhân người Anh được cả nước nín thở quan tâm, cả ngành y dốc lòng cứu bằng mọi giá?

Tôi đọc rất nhiều, có lẽ gần như toàn bộ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhưng bấy nhiêu năm mà quan hệ chỉ sơ giao. Hôm đi với Vinh và nhà văn Nguyễn Việt Hà (tháng 9 năm ngoái) là lần thứ hai tôi đến nhà riêng anh ấy. Đã hơn hai mươi năm rồi. Cảnh xưa đã khác hẳn, hoàn cảnh của nhà văn thì như thế, cho nên cũng như bạn và Việt Hà, tôi vừa rất cảm động trước tình cảm anh ấy dành cho chúng ta hôm đó, vừa rất buồn, tâm tư nặng trĩu. Không phải chỉ vì thấy anh ấy nằm bệnh lâu trông xuống sức quá nhiều so với lần mới gặp năm ngoái, mai rày có thể anh sẽ rất khó khăn khi viết, mà còn vì, thú thực, tôi thấy cả một thời văn học đang lẳng lặng qua đi trước mắt. Một thời đại mới đã bắt đầu, nhưng không gồm thế hệ chúng tôi nữa.

Bạn nhớ là trong lúc trò chuyện tôi cho rằng anh ấy là nhà văn tầm châu lục? Cũng thật lạ khi tôi nói vậy, hẳn là do tôi không diễn đạt được ý mình. Bởi vì “tầm châu lục”  hoặc “tầm quốc gia”, hay nói chung tầm này cỡ nọ là một cách phân định  rất khiên cưỡng, thực ra chẳng có nghĩa gì cả đối với một nhà văn.

Nguyễn Huy Thiệp là tác giả của nói chung văn học nhân loại, với ngôn ngữ ông dùng để viết nên các tác phẩm của mình, là Tiếng Việt. Độc giả bất kỳ nước nào trên thế giới đọc tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp dịch ra tiếng nước của họ cũng đều sẽ thấu cảm và thấm thía được cái tuyệt tác, chí ít là cái hay của tác phẩm, cho dù họ biết rất ít, thậm chí chẳng biết gì về nước Việt người Việt. Cũng giống như chúng ta mặc dù xa lạ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn cảm thụ được gần gũi và sâu sắc Tên tôi là Đỏ của Pamuk.

Tuyển tập Tội ác, tình yêu và trừng phạt của Nguyễn Huy Thiệp xuất bản năm 2013 được xem là một trong những sự kiện văn học hàng đầu năm ấy tại Pháp, nhưng trước đấy các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bản tiếng Pháp đã xuất bản đến chục lần, và từ Pháp- trung tâm văn học của thế giới, các tác phẩm ấy đã phát hành rộng khắp ở châu Âu. Năm tôi tới Madrid chưa có bản Tây Ban Nha các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng sách tiếng Pháp tiếng Anh của anh ấy thì có nhiều trong các hiệu sách. Nhà xuất bản mời tôi đến đó là để tôi gặp gỡ độc giả, song sự bàn luận hỏi han của độc giả Tây Ban Nha về văn học Việt Nam lại gần như dồn cả vào Nguyễn Huy Thiệp. Thú thực, khi đó tôi đã phải gác cái tự ái nhà văn của mình lại để trả lời các bạn nước ngoài bằng tất cả niềm tự hào của một độc giả Việt Nam đối với Nguyễn  Huy Thiệp của nước mình.

Về nghề văn của các anh. Nhà văn có lẽ phải là người không chỉ biết mình NÊN viết gì mà còn phải biết mình KHÔNG NÊN viết gì? Hay là chẳng cần kiêng cữ kể cả ở thể loại phi hư cấu?

Cái sự “nên” và “không nên”  mà bạn nêu lên, theo tôi, là cảm nhận của một độc giả đối với tác phẩm mới xuất bản của nhà văn mà trước đấy mình từng đọc và thích. Và cảm nhận ấy thường là “vế thứ hai”: Lẽ ra ông đừng nên viết cuốn này. Đó là lời phê bình thầm lặng nhưng nghiệt ngã nhất của độc giả ấy đối với cuốn sách vừa đọc. Nhưng cũng có khi chưa đọc cuốn mới đó của nhà văn, độc giả đã vội vàng nghĩ thế. Bản thân tôi  thỉnh thoảng nghĩ vậy khi cầm trên tay tác phẩm của một nhà văn quen thuộc. Đấy là một kiểu nghĩ định kiến, chí ít là ở tôi. 

Chẳng hạn, trước khi Ký ức vụn được xuất bản, một số truyện trong sách đã có trên mạng nhưng tôi không đọc, nghĩ bụng Nguyễn Quang Lập sao lại sa đà bờ lọc bờ leo gì đâu. Chưa giở trang nào của Tuổi hai mươi yêu dấu đã nghĩ, ông Thiệp sao lại đâm đầu vào tiểu thuyết, lãnh địa của ông ấy là truyện ngắn! Hoặc khi Trung Trung Đỉnh viết  Ngõ lỗ thủng thoát ra ngoài đề tài chiến tranh, hay Phạm Ngọc Tiến chẳng những rời bỏ con đường của tiểu thuyết chiến tranh và người lính Tàn đen đốm đỏ để viết về nông thôn, mà Chuyện làng Nhô  lại còn là truyện phim nữa, tôi cũng thầm cho rằng các nhà văn này đang đi sai lối. Vậy nhưng, bạn thấy đấy, tôi nghĩ ngợi định kiến và đã sai.

Tuy nhiên, nên hay không nên viết, cũng là câu hỏi đối với nhà văn, nhưng chỉ theo cái nghĩa viết về điều này và viết như thế này, liệu có chuốc lấy phiền toái không.  Dĩ nhiên gồm cả những phiền toái bên ngoài sự văn chương.

“Câu chuyện hòa giải đẹp nhất” và những chuyện đời khác 

Nỗi buồn của Bảo Ninh ảnh 2 Bức ảnh "Hai người lính" của Chu Chí Thành- "câu chuyện hay nhất đẹp nhất về hòa giải dân tộc" theo nhà văn Bảo Ninh

“Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói hòa hợp hòa giải là câu chuyện lớn của thời đại. Lớn lao và cực kỳ gian khó, muôn ngàn trắc trở. Cho nên tôi không thể bàn luận nhiều, vì không thể giãi bày hết được nỗi thất vọng và niềm hy vọng trong lòng mình bấy nhiêu năm qua về câu chuyện này”.

            Nhà văn BẢO NINH

Anh là nhà văn viết về chiến tranh thành công nhất. Anh có biết bức ảnh “Hai người lính” của Chu Chí Thành? Theo Lê Minh Khuê người đã viết cả một tiểu thuyết “Nhiệt đới gió mùa” để khai triển cái tứ “thù hận làm đời ta ngắn lại” thì chủ đề hòa giải vẫn cực nhạy cảm, “hòa giải thế nào được”. Anh nghĩ sao, hòa giải thực sự khó đến vậy sao?

Tôi biết bức Hai người lính. Và thấy đó là câu chuyện đẹp nhất, hay nhất về sự hoà giải.

Trong bạt ngàn những bức ảnh chiến tranh của các nhiếp ảnh gia chiến trường cả Việt lẫn Mỹ, tôi ghi tạc trong lòng mình hai bức: Mẹ con ngày hội ngộ của  Lâm Hồng Long và Hai người lính của Chu Chí Thành. Nhưng không phải cảnh chiến trận, cả hai bức đều cảnh tượng của hai  ngày hòa bình: 30/4/1975 và 27/1/1973. Cả hai bức đều vô cùng vui và vô cùng buồn thương. Năm tháng trôi qua lùi xa đến thế nào người đời ngắm hai bức ảnh ấy đều muốn trào nước mắt vì vui vì buồn.

Bức Hai người lính ghi lại khoảnh khắc ngừng bắn vào thời điểm ký Hiệp định Paris. Với tôi, mà chắc chắn là chẳng riêng tôi, đấy là thời khắc sung sướng nhất trong đời. Thậm chí hạnh phúc Hòa bình xuân Quí Sửu 1973 còn ngây ngất hơn cả Hạnh phúc ngày 30 tháng Tư. Đúng là với tôi tấm ảnh Chu Chí Thành chụp là đẹp và hay nhất nhưng không biết diễn đạt thế nào cho đạt ý, bởi  muôn lời, muôn cách diễn tả, bằng văn chương, kịch nghệ, điện ảnh đều không trọn nghĩa tình bằng bức ảnh này .

Nhưng, ai đã ở chiến tuyến những ngày ngừng bắn mùa xuân 1973 cũng ngầm cảm thấy tính bi kịch của bức ảnh. Tại tuyến Quảng Trị của hai anh Bùi Trọng Nghĩa và Nguyễn Huy Tạo nón xanh mũ cối đang khoác vai nhau này hình như sự yên ả kéo dài được khoảng một quí tới 26/3/1973, nhưng  ở các Mặt trận khác, như B3 chúng tôi, thì chỉ nửa tháng mươi ngày, có nơi ngay lập tức trước Tết, đại bác lại rền vang. Cuộc chiến nhanh chóng dữ dội lên, ác liệt đẫm máu không hơn thì cũng không kém gì năm 1972. Thế nên khi lần đầu ngắm bức ảnh Hai người lính, tôi xúc động trước hình ảnh đẹp đẽ và cao cả ngần ấy của tình huynh đệ nghĩa đồng bào ruột thịt người Việt chúng ta trong cái thời đại đau thương đó, lại cũng nhói lòng thương tâm với ý nghĩ, họ lại sẽ bắn nhau chỉ trong vòng mươi giờ đồng hồ nữa, ai còn ai mất, hay cả hai cùng gục ngã, người bởi đạn M16, người bởi đạn AK?

Cũng bởi vậy, về sau tôi cám ơn vô cùng báo Tiền Phong chẳng những cho tôi biết là hai anh ấy còn sống sau chiến tranh, mà báo còn kỳ công tìm gặp các anh, ghi lại từng khoảnh khắc các anh hội ngộ. Tôi, với tư cách cựu binh, cám ơn vô hạn anh Chu Chí Thành, cám ơn bạn, cám ơn Tiền Phong, bởi nhờ bạn nhờ báo tôi có thêm ánh sáng cho niềm hy vọng hòa hợp hòa giải.

Nỗi buồn của Bảo Ninh ảnh 3 Cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành tặng bức ảnh nổi tiếng cho hai nhân vật của mình- Nguyễn Huy Tạo và Bùi Trọng Nghĩa,  trong cuộc hội ngộ ở Quảng Trị 1/2018. Ảnh: DƯƠNG PHƯƠNG VINH
Ánh sáng cho con đường hòa hợp hòa giải đang dần nhiều lên, trong mọi lĩnh vực vực, cả trong văn học nữa, tôi chỉ xin được nói vậy.  Chẳng hạn, hôm Đại hội Nhà văn vừa rồi tôi được nhà văn Lê Văn Nghĩa tặng cuốn Văn học Sài Gòn 1954- 1975, những chuyện bên lề do anh biên soạn. Để bàn về nội dung cuốn sách này thì phải cả một cuốn sách, ở đây tôi chỉ xin nói với bạn là tôi vô cùng ngạc nhiên và mừng vui được đọc nó. Mặc dù hòa hợp hòa giải dân tộc là chính sách có từ lâu và nhất quán của Nhà nước ta,  nhưng tôi nhớ cách đây không lâu các bạn tôi-nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Bích Ngân đã chịu bao phiền toái khi đụng sơ sơ đến vấn đề này, bàn chạm đến Dương Nghiễm Mậu, Tràng Thiên... Vậy mà bây giờ đây trong cuốn sách dày được viết rất công phu và hay của Lê Văn Nghĩa, tôi đọc thấy rất “công khai” các nhà văn: Võ Phiến, Chu Tử, Mai Thảo, Duyên Anh,  Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền, Túy Hồng… 

Vâng, dù sao cũng không thể không hy vọng và chờ đợi. Một câu cuối cho ngày tết được nhẹ nhàng: Khi nói về tình yêu, anh hay trích dẫn Turghenev. Anh cho rằng đó là nhà văn giỏi đọc vị đàn ông nhất và đầy cảm thông đối với phụ nữ ?

Cũng lại là tôi nói không rõ ý. Tôi luôn nhớ Bút ký người đi săn của Turghenev vì đấy là cuốn sách tôi đọc trong hoàn cảnh không thể quên: Ngay trước khi bắt đầu Chiến dịch Buôn Ma Thuột. Khi đó trong văn hóa phẩm ngoài Bắc gửi vào có cuốn này do Chi đoàn thanh niên Nhà xuất bản Văn học gửi tặng bộ đội B3. Năm đấy 1975, tôi 23 tuổi, chưa biết đàn bà là gì, chưa một mảnh tình vắt vai nên đặc biệt say đắm những trang nửa ký nửa truyện được dịch tuyệt vời hay ấy. Các bạn cùng đại đội với tôi cũng vậy. Bây giờ gặp lại nhau nhiều bạn tôi vẫn còn nhớ những người đàn ông đàn bà trong Bút ký người đi săn đọc trước giờ N ngày nổ súng.

Còn viết hay về đàn ông về phụ nữ, về hạnh phúc và bất hạnh trong ái tình thì không nhà văn nào cả ta lẫn Tây mà không có ít nhất một truyện. Thậm chí nhờ truyện ấy mà thành nhà văn thực thụ.

Nhưng “là nhà văn giỏi đọc vị đàn ông nhất, nhìn thấu tim đen của họ, và đầy cảm thông đối với phụ nữ”, thì theo sự đọc của mình, tôi đặc biệt nhớ L.Tolstoi với  Anna KareninaPhục  sinh, Tào Tuyết Cần với Hồng lâu mộng.

Cảm ơn anh đã chịu khó cởi lòng. (Tôi biết anh rất ngại trả lời phỏng vấn).

Nỗi buồn của Bảo Ninh ảnh 4 Kỷ niệm Ninh Bình 1996 của Bảo Ninh (bìa trái). Tại Liên hoan Tài năng Sân khấu nhỏ Toàn quốc năm đó, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Ngô Thảo mời các nhà văn tụ hội rất xôm. Cạnh Bảo Ninh là: NSƯT Thu Hà, các nhà văn Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Minh Thái, phóng viên DPVinh, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, phóng viên Thu Hà.
 
MỚI - NÓNG