Nội bộ Liên minh châu Âu bất đồng vì xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về nội dung gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, nhưng Thủ tướng Áo Karl Nehammer lại không có mặt vào thời điểm đưa ra quyết định, khiến gói này chưa thể thông qua.
Nội bộ Liên minh châu Âu bất đồng vì xung đột Nga - Ukraine ảnh 1

Thủ tướng Áo Karl Nehammer và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: APA

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, EU đã áp đặt 11 gói trừng phạt nhằm vào Mátxcơva. Gói trừng phạt thứ 12, được Ủy ban châu Âu (EC) gửi tới các nước EU vào giữa tháng 11, tập trung hơn vào các biện pháp giải quyết việc lách lệnh trừng phạt và bổ sung lệnh cấm kim cương của Nga.

Nhiều người hy vọng gói trừng phạt sẽ được các nước EU chấp thuận kịp thời cho hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm, bắt đầu vào thứ Năm (13/12).

Nhưng Thủ tướng Áo Karl Nehammer lại vắng mặt vào thời điểm đưa ra quyết định. Các nhà ngoại giao châu Âu nói với Politico rằng sự vắng mặt của Nehammer chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì ông đã rời khỏi phòng để nói chuyện với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen về việc Romania và Bulgaria gia nhập EU.

Reuters trước đó trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết Áo đang cố gắng đưa Raiffeisen Bank International - ngân hàng phương Tây lớn nhất vẫn hoạt động ở Nga - ra khỏi danh sách đen của Ukraine để đổi lấy việc Vienna ký các lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào Mátxcơva.

Theo Reuters, bất chấp những nỗ lực được cho là của Áo nhằm đưa Raiffeisen Bank International ra khỏi danh sách đen của Ukraine, ngân hàng này vẫn ở đó.

Một quan chức Áo cho biết: “Chúng tôi không phản đối gói này. Chúng tôi phải kiểm tra các khía cạnh pháp lý."

Việc trì hoãn đã gợi nhớ đến sự phản đối của Hungary và Hy Lạp đối với gói trừng phạt trước đó. Hai nước đã tận dụng các lệnh trừng phạt làm đòn bẩy chính trị để đưa các công ty của họ ra khỏi danh sách đen của Ukraine.

EU gặp khó vì Hungary

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm 14/12 đã đồng ý bắt đầu quá trình đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine, nhưng lại không thể thống nhất về gói hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ euro cho Kiev vì vấp phải sự phản đối của Hungary.

Cụ thể, EU đã đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập khối với Ukraine và Moldova, sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người từng đe dọa phản đối quyết định này - không bỏ phiếu.

Ông Orban được cho là đã rời khỏi trước cuộc họp bỏ phiếu. Việc này giúp quyết định được thông qua mà không cần phải có lá phiếu của Budapest. Nguồn tin được The Guardian trích dẫn cho biết động thái này là bất thường và được những người tham gia sắp xếp trước.

Nhưng khó khăn của EU chưa dừng lại ở đó khi ông Orban tiếp tục phản đối việc cải tổ ngân sách của khối nhằm chuyển gói hỗ trợ tài chính quan trọng cho Ukraine và cung cấp thêm tiền mặt cho các ưu tiên khác của EU như xử lý vấn đề di cư.

Các cuộc đàm phán về vấn đề tài chính đã kết thúc vào sáng 15/12 mà không đạt được sự đồng thuận của tất cả 27 lãnh đạo EU. Khối này cho biết sẽ thử lại vào tháng 1, với một số người bày tỏ sự lạc quan rằng một thỏa thuận có thể đạt được sau đó.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với các phóng viên sau khi rời khỏi cuộc đàm phán: “Chúng ta vẫn còn chút thời gian, Ukraine sẽ không hết tiền trong vài tuần tới. Tôi khá tự tin rằng chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận vào đầu năm tới, có thể là cuối tháng 1”.

Ông Orban lập luận rằng Ukraine không nên nhận số tiền lớn như vậy từ ngân sách EU vì nước này không phải là một phần của khối. Các nhà lãnh đạo khác đã đảm bảo với Kiev rằng họ sẽ chuyển viện trợ cho Ukraine từ các khoản ngoài ngân sách EU nếu Budapest tiếp tục phản đối.

Ông Orban cũng viện dẫn tình trạng tham nhũng và các vấn đề khác để lập luận rằng Ukraine chưa sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với EU.

Tuần trước ông Orban tuyên bố việc kết nạp Ukraine sẽ là một thảm họa đối với khối. Đầu tháng này, người phát ngôn của ông Orban - Zoltan Kovacs cảnh báo rằng sự phụ thuộc hoàn toàn của Ukraine vào viện trợ nước ngoài và việc nước này tham gia một cuộc xung đột sẽ ngăn cản bất kỳ cuộc thảo luận nào về tư cách thành viên.

Thủ tướng Hungary nói hôm 14/12: “Việc bắt đầu đàm phán về quá trình gia nhập với Ukraine trong hoàn cảnh này là một quyết định hoàn toàn vô nghĩa, phi lý và sai lầm. Nhưng 26 quốc gia khác nhất quyết yêu cầu đưa ra quyết định này. Nếu 26 nước quyết định làm như vậy thì họ nên đi theo con đường riêng của mình. Hungary không muốn chia sẻ quyết định này”.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo bày tỏ sự thất vọng với ông Orban, cho biết đã đến lúc Hungary phải nhượng bộ.

Ông nói: “Nếu bạn là một phần của quyết định, bạn đồng ý với quyết định đó, hoặc sau đó bạn hãy im lặng”.

Theo RT, Politico, Reuters
MỚI - NÓNG